-
Lãnh đạo tỉnh thăm Nhà giáo ưu tú Đỗ Xuân Thưởng - 2024-11-21
Hôm nay:22/11/2024
Tuổi trẻ Đại Lộc đã và đang tiếp tục tập hợp, gắn kết thanh niên, đổi mới hình thức sinh hoạt để nâng cao hiệu quả các phong trào đoàn.
Hội trại “Tiếp lửa truyền thống” do Huyện đoàn Đại Lộc tổ chức nhân kỷ niệm 40 năm Chiến thắng Thượng Đức. Ảnh: H.LIÊN |
Đâu cần thanh niên có…
Những năm qua, tuổi trẻ Đại Lộc luôn đi đầu, xung kích sáng tạo trên nhiều lĩnh vực; hưởng ứng các phong trào, hội thi, chiến dịch của huyện, tỉnh. Cụ thể, hưởng ứng phong trào “Sáng tạo trẻ”; hội thi “Tin học trẻ” cấp huyện, cấp tỉnh; “Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng tỉnh”… Nhiều thanh niên đã chủ động học hỏi, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất cây trồng, con vật nuôi. Tại nhiều nơi đã xuất hiện ngày càng nhiều mô hình kinh tế của thanh niên như: HTX Đại Đồng Phát (Đại Đồng), HTX Chăn nuôi tổng hợp của thanh niên ở xã Đại Minh, HTX Nông nghiệp kinh doanh tổng hợp Duy Đại Sơn (Đại Minh). Hay như mô hình gia trại tổng hợp của thanh niên Ngô Phi Lược (Đại Minh), mô hình làm hương kết hợp chăn nuôi heo, gà của thanh niên Văn Thế Đủ (Đại Hồng)…
Theo Bí thư Huyện đoàn Đại Lộc Mai Anh Sơn, phong trào tình nguyện, xung kích “Vì biển đảo quê hương, vì biên cương Tổ quốc” là dấu ấn đậm nét của đoàn viên thanh niên Đại Lộc suốt nhiệm kỳ qua (2012 - 2017). Hàng chục chuyến tình nguyện của lực lượng “áo xanh” đã về với vùng sâu vùng xa, khu vực biên giới, hải đảo của tỉnh và các tỉnh lân cận, thắp sáng ước mơ của tuổi trẻ, chia sẻ khó khăn với người nghèo. Đó là chương trình “Khi Tổ quốc cần” diễn ra tại xã đảo Tân Hiệp (Cù Lao Chàm); hành trình tình nguyện về huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), về xã đảo Tam Hải (huyện Núi Thành), hay đến vùng biên giới Tây Giang, Nam Giang và huyện khó khăn Nông Sơn. Tại các nơi đến, tuổi trẻ Đại Lộc đã trao tặng quà cho gia đình chính sách, người có hoàn cảnh khó khăn; tặng quà, xe đạp cho trẻ em, phụ nữ nghèo; tổ chức các đoàn khám bệnh và cấp phát thuốc miễn phí cho trẻ em, người già với tổng giá trị các đợt tình nguyện qua 5 năm đạt hơn 420 triệu đồng. Riêng năm 2017, theo kế hoạch, Huyện đoàn Đại Lộc sẽ tổ chức 6 đợt tình nguyện về biên giới, hải đảo; trong đó đã có 4 đợt diễn ra trong 6 tháng đầu năm, 2 đợt còn lại sẽ diễn ra trong các tháng còn lại. Nhằm giáo dục thế hệ trẻ về ý thức bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, Ban Thường vụ Huyện đoàn Đại Lộc còn triển khai xây dựng công trình thanh niên “Mô hình cột mốc chủ quyền quần đảo Trường Sa” tại Trường THCS Nguyễn Du và Trường THCS Mỹ Hòa. Đây là hai công trình mang ý nghĩa thiết thực trong việc cụ thể hóa chương trình tuổi trẻ Đại Lộc hướng về biển đảo Tổ quốc.
Bí thư Huyện đoàn Đại Lộc Mai Anh Sơn cho biết thêm, với tinh thần “đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”, phong trào thanh niên tình nguyện từng bước đi vào chiều sâu, phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng trên các lĩnh vực; giải quyết những vấn đề nội tại, bức thiết tại địa phương, đặc biệt là vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn. Các chương trình “Tình nguyện mùa đông”, “Xuân tình nguyện” hay chiến dịch “Hành quân xanh”, “Mùa hè xanh”, “Kỳ nghỉ hồng”, “Hoa phượng đỏ” trong học sinh, thanh niên đã góp phần phát huy tinh thần xung kích của tuổi trẻ vì cộng đồng, vì xã hội.
Giữ lửa áo xanh
Nâng cao hơn nữa chất lượng đoàn viên Trong 5 năm qua, Huyện đoàn Đại Lộc tổ chức hơn 10 đợt tình nguyện hiến máu nhân đạo, thu được 2.251 đơn vị máu. Tổ chức khám chữa bệnh và cấp thuốc miễn phí cho 550 lượt người; thăm và tặng quà cho 426 gia đình chính sách, 730 học sinh có hoàn cảnh khó khăn với tổng số tiền gần 550 triệu đồng. Tổ chức trao tặng 3 nhà nhân ái cho gia đình có hoàn cảnh khó khăn và nhà Khăn quàng đỏ cho học sinh nghèo vượt khó. Mô hình “Đoạn đường thanh niên tự quản”, “Ánh sáng đường quê”, ra quân làm đường bê tông nông thôn, chăm sóc người già neo đơn… của tuổi trẻ phát triển mạnh ở nhiều nơi. Theo ông Nguyễn Công Thanh - Phó Bí thư Huyện ủy Đại Lộc, những kết quả mà tuổi trẻ Đại Lộc đạt được rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại, vấn đề mà các tổ chức đoàn cần quan tâm trong giai đoạn tới. Đó là đẩy mạnh vai trò của thanh niên trong giáo dục đạo đức cho học sinh, đẩy lùi ma túy học đường, tình trạng vi phạm an toàn giao thông học đường và trong bộ phận thanh thiếu niên; tăng cường các hoạt động tuyên truyền, phòng chống đuối nước và tai nạn thương tích ở trẻ em. Cần tăng cường hơn nữa công tác giáo dục truyền thống, làm sao đó để học sinh, thanh niên hiểu rõ về truyền thống, lịch sử đấu tranh cách mạng, các giá trị văn hóa - lịch sử của vùng đất. Phải xây dựng tổ chức đoàn vững mạnh; cán bộ đoàn phải năng động hơn, nhiệt huyết hơn; phong trào thanh niên tình nguyện cần phát triển, đi vào chiều sâu. Nâng cao hơn nữa chất lượng đoàn viên, phát triển, tạo nguồn cho Đảng. Đặc biệt, phải xây dựng nhiều mô hình kinh tế cụ thể của thanh niên, giúp thanh niên có việc làm ổn định, nâng cao chất lượng đời sống… |
Tùy vào điều kiện thực tế, mỗi nơi, các tổ chức đoàn xã/thị trấn ở Đại Lộc có những cách làm hay, thiết thực để giữ lửa phong trào. Ví như, Đoàn xã Đại Quang với mô hình thí điểm sinh hoạt liên chi đoàn, tạo hiệu ứng lan tỏa ra cả huyện; Đoàn xã Đại Minh là điểm tựa của thanh niên trong phát triển kinh tế, tiếp sức với thanh niên trên con đường lập thân lập nghiệp. Hay như Đoàn xã Đại Hồng với đội thanh niên xung kích, phối hợp cùng chi đoàn công an, quân sự xã giữ gìn an ninh trật tự tại địa phương, phối hợp cùng lực lượng chủ lực chủ động hỗ trợ người dân ứng phó thiên tai, lũ lụt… Qua thực tiễn, Đoàn xã Đại Quang, Đại Minh, Đại Hồng, Đại Nghĩa và Đại Chánh là những đơn vị xuất sắc phong trào 5 năm liền.
Chia sẻ về cách làm hay của đơn vị mình, anh Huỳnh Tấn Nguyên - Bí thư Đoàn xã Đại Hồng cho biết, đội thanh niên xung kích của xã được thành lập năm 2014 gồm 20 thành viên, sẵn sàng phối hợp, giúp đỡ di dời khẩn cấp người dân ở vùng có nguy cơ cao tránh bão lũ; hỗ trợ di dời gia súc, giúp người dân chằng chống nhà cửa ứng phó với bão lũ. Lực lượng này còn phối hợp với chi đoàn dân quân, chi đoàn công an xã đi tuần vào những ngày định kỳ trong tháng để giữ gìn, bảo vệ an ninh trật tự; nhắc nhở các đại lý internet hoạt động quá giờ quy định; kiểm tra các tụ điểm hay diễn ra đá gà, cờ bạc; nhắc nhở, xử lý các trường hợp không đội mũ bảo hiểm, chạy xe quá tốc độ... Nhờ đó, tình hình trộm cắp vặt, trộm chó giảm đáng kể so với trước. Việc làm này phát huy nhiệt huyết của tuổi trẻ. Chị Hồ Thị Phương - Phó Bí thư Đoàn xã Đại Minh cho hay, Đoàn xã Đại Minh luôn tìm hiểu, lắng nghe, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của thanh niên. Đặc biệt là từ nguồn vốn vay ưu đãi, từ các cơ chế, chính sách, Đoàn xã luôn tạo điều kiện, hỗ trợ thanh niên phát triển kinh tế. Đã có nhiều gương thanh niên điển hình làm giàu, cải thiện thu nhập từ mảnh đất quê hương. Phong trào xuất khẩu lao động cũng giúp thanh niên Đại Minh đổi đời, nhất là thôn Phước Bình. Nhiều người khi trở về nước có được vốn khá đầu tư làm ăn, nhà cửa khang trang, nhờ học hỏi và làm quen với tác phong công nghiệp ở xứ người. Toàn xã có 70 thanh niên xuất khẩu lao động qua kênh giới thiệu của Đoàn, còn lại từ nhiều kênh khác nhau.
Theo Bí thư Huyện đoàn Đại Lộc Mai Anh Sơn, nhiệm kỳ tới, Huyện đoàn Đại Lộc sẽ phát huy hơn nữa vai trò, sức mạnh của tuổi trẻ địa phương, triển khai có hiệu quả chương trình, đề án nâng cao vai trò, sức mạnh của thanh niên. Giữ lửa và nâng chất lượng phong trào xung kích, tình nguyện về các xã biên cương, xã đảo, các đơn vị kết nghĩa như Tĩnh Gia (Thanh Hóa), Nam Giang. Kết nối tốt với tuổi trẻ Đại Lộc làm ăn xa quê, sinh sống trên khắp mọi miền để nâng cao sức mạnh, nguồn lực tổng hợp, xây dựng quê hương. Tiếp tục nâng chất lượng sinh hoạt trong thanh niên, phát huy mô hình sinh hoạt liên chi đoàn. Chuyển đổi các tổ chức đoàn hoạt động không hiệu quả thành mô hình câu lạc bộ thanh niên nhằm đổi mới hình thức, nội dung sinh hoạt, tập hợp, gắn kết thanh niên…
HOÀNG LIÊN (Báo Quảng Nam)