CHÀO MỪNG CÁC BẠN ĐẾN VỚI TRANG TTĐT TRUNG TÂM VĂN HÓA - THỂ THAO VÀ TRUYỀN THANH - TRUYỀN HÌNH HUYỆN ĐẠI LỘC

Hôm nay:24/11/2024

Tắt sóng truyền hình tương tự mặt đất tại 4 địa phương Bắc Quảng Nam: Người dân thích nghi

Ngày 1.11 vừa qua, TP.Đà Nẵng chính thức tắt sóng truyền hình tương tự mặt đất, chuyển hoàn toàn sang số hóa truyền hình. Nhờ công tác tuyên truyền được thực hiện tốt từ nhiều tháng trước, đa số người dân đã thích nghi với việc chuyển sang sử dụng loại hình mới này.

Sớm trang bị đầu thu

Theo khảo sát, bắt đầu từ tháng 9.2015, hầu hết các hộ dân ở Điện Bàn, Duy Xuyên, Đại Lộc, Hội An đã biết thông tin về việc tắt sóng truyền hình tương tự mặt đất, sớm mua đầu thu hoặc chuyển sang sử dụng các loại hình dịch vụ truyền hình trả tiền. Trước ngày 1.11, các nhà mạng Vinaphone, Mobiphone, Viettel cũng đã nhắn tin cho khách hàng sử dụng điện thoại ở địa bàn Quảng Nam và Đà Nẵng với nội dung thông báo việc ngắt sóng truyền hình tương tự mặt đất. Thời gian tắt sóng được kéo dài hơn so với dự kiến ban đầu, nên khi chính thức cắt sóng, người dân không quá bỡ ngỡ. Bà Nguyễn Thị Hà (thôn Lạc Thành, xã Điện Hồng, thị xã Điện Bàn) chia sẻ: “Từ giữa tháng 8, gia đình tôi được hỗ trợ lắp đặt đầu thu từ chương trình hỗ trợ của một hãng công nghệ chuyên cung cấp đầu thu truyền hình kỹ thuật số cho hộ nghèo trên địa bàn xã. Không chỉ xem được nhiều kênh truyền hình hơn, mà chất lượng cũng tốt, hình rõ nét, không bị mất sóng, nhiễu sóng như trước kia nữa. Thấy vậy, nhiều gia đình lân cận cũng tự mua đầu thu về lắp đặt để coi”.

Hộ nghèo, hộ cận nghèo ở Bắc Quảng Nam đã được lắp đặt miễn phí đầu thu kỹ thuật số để xem truyền hình từ giữa tháng 10.2015. Ảnh: P.G
Hộ nghèo, hộ cận nghèo ở Bắc Quảng Nam đã được lắp đặt miễn phí đầu thu kỹ thuật số để xem truyền hình từ giữa tháng 10.2015. Ảnh: P.G

Hiện tại, chương trình lắp đặt đầu thu miễn phí cho hộ nghèo, hộ cận nghèo đã được hoàn thành ở các địa bàn bị ảnh hưởng khi ngắt sóng truyền hình tương tự mặt đất tại 4 huyện, thị xã Bắc Quảng Nam. Đã có hơn 11.500 hộ dân được lắp đặt miễn phí đầu thu và có phản hồi khá tốt sau khi được theo dõi các kênh truyền hình theo phương thức mới này. Ông Lê Đắc Tình, Phó Chủ tịch UBND xã Điện Hồng (Điện Bàn) cho biết: “Bên cạnh thông tin từ các nhà đài, đài truyền thanh ở địa phương cũng đã liên tục tuyên truyền, vận động để người dân nắm bắt thông tin, có hướng chủ động chuẩn bị khi tắt sóng truyền hình tương tự mặt đất để chuyển sang số hóa. Nhiều người còn thắc mắc vì thời hạn tắt sóng trễ hơn so với dự kiến, sau khi đã tự trang bị đầu thu hoặc chuyển sang sử dụng một số dịch vụ truyền hình trả tiền của các nhà mạng. Tuy nhiên, vì các loại đầu thu đã được bán khá phổ biến nên nhiều gia đình vẫn sử dụng, chờ đến khi tắt sóng mới mua về trang bị”. Theo ông Tình, từ khi chính thức ngắt sóng truyền hình tương tự mặt đất, hầu hết người dân đã chuyển sang xem truyền hình số, nên việc ngắt sóng không ảnh hưởng lớn đến việc theo dõi của người dân.

Riêng đối với huyện Đại Lộc và Duy Xuyên, có thêm 12 xã chưa nằm trong khu vực nhận trợ cấp đầu thu truyền hình số mặt đất DVB­T2 cấp bổ sung cho các hộ nghèo và cận nghèo. Việc này đã được UBND tỉnh đề nghị Bộ TT-TT xem xét và sẽ bổ sung lắp đặt ngay khi Bộ chỉnh sửa danh mục các xã được hỗ trợ theo quy định.

Chất lượng truyền hình tốt hơn

Đến năm 2020, Quảng Nam sẽ phủ sóng truyền hình số.
UBND tỉnh vừa phê duyệt “Dự án đầu tư mua sắm trang thiết bị sản xuất chương trình truyền hình theo công nghệ số hóa” và giao cho Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Nam (QRT) làm chủ đầu tư. Dự án được thực hiện trong giai đoạn từ 2016 - 2018 với tổng mức đầu tư gần 15 tỷ đồng từ ngân sách địa phương. Dự án nhằm đầu tư, nâng cấp trang thiết bị, công nghệ của QRT đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn kỹ thuật công nghệ số, nâng cao năng lực sản xuất chương trình truyền hình, hướng tới chuyên môn hóa trong sản xuất, phát sóng truyền hình theo lộ trình số hóa. Đồng thời, phục vụ nhu cầu tuyên truyền, nhu cầu hưởng thụ thông tin, văn hóa, văn nghệ cho nhân dân và quảng bá về đất và người Quảng Nam đến với các vùng miền trong cả nước. Theo lộ trình số hóa, Quảng Nam sẽ chuyển đổi hạ tầng truyền dẫn, phát sóng truyền hình từ công nghệ tương tự sang công nghệ số. Đến năm 2020, sẽ thực hiện phát sóng kênh truyền hình Quảng Nam bằng công nghệ số với các phương thức khác nhau, phủ sóng đến toàn bộ khu vực dân cư.

Bà Phạm Thị Ngọc Quyên, Phó Giám đốc Sở TT-TT cho biết, việc lắp đặt đầu thu truyền hình cho hộ nghèo, hộ cận nghèo khu vực Bắc Quảng Nam đã được hoàn thành từ sau ngày 10.10. Tổng số đầu thu đã được lắp đặt và nghiệm thu là hơn 12.000 chiếc, đạt hơn 99,5%. Tỷ lệ các hộ không lắp đặt được đầu thu là do yếu tố khách quan như: nhà của hộ dân đã bị giải tỏa chuyển đi nơi khác, chủ nhà đi vắng dài ngày… và sẽ được VietnamPost - đơn vị trúng thầu lắp đặt -  tiếp tục liên hệ để lắp đặt trong thời gian tới. Quỹ viễn thông công ích sẽ tiếp tục mua sắm bổ sung để đủ số lượng cấp cho 5.900 hộ nghèo, cận nghèo của 12 xã thuộc hai huyện Duy Xuyên và Đại Lộc như đề nghị của UBND tỉnh. Với 39 kênh truyền hình chất lượng cao, người dân sẽ có điều kiện theo dõi truyền hình tốt hơn nhiều so với truyền hình analog trước đây, vốn hạn chế về số lượng kênh truyền hình lẫn chất lượng truyền dẫn. Kinh phí lắp đặt đầu thu không quá lớn, riêng hộ nghèo và hộ cận nghèo đã được hỗ trợ miễn phí nên sẽ tránh được lãng phí lớn cho người dân, bên cạnh việc nâng cao chất lượng truyền hình. “Hiện nay đông đảo bà con ở vẫn quen sử dụng tivi được sản xuất theo công nghệ thu hình cũ chỉ tương thích với sóng truyền hình phát theo công nghệ analog. Bởi nếu không có một giải pháp kỹ thuật trung gian hỗ trợ (tức đầu thu kỹ thuật số - PV) thì những chiếc tivi này coi như phải vứt đi khi ngắt sóng truyền hình tương tự mặt đất” - bà Quyên giải thích.

Cũng cần nói thêm, sau khi lắp đặt đầu thu kỹ thuật số, mọi tivi sẽ thu được tín hiệu truyền hình số bình thường, hoàn toàn không phải là thiết bị để giới hạn thời gian xem truyền hình theo gói thuê bao giống như các đầu thu của những nhà cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền hiện nay. Do đó, người dân hoàn toàn có thể yên tâm xem truyền hình với chất lượng vượt trội, nhiều kênh truyền hình hơn mà hoàn toàn không phải mất chi phí nào trừ việc lắp đặt đầu thu kỹ thuật số. Ngoài ra, một số loại tivi đời mới cũng đã tích hợp thiết bị thu trực tiếp tín hiệu truyền số ngay trong ruột máy, nên vẫn có thể xem truyền hình số bình thường, không cần trang bị đầu thu.

PHƯƠNG GIANG- BÁO QUẢNG NAM

Tin mới đăng

Xem nhiều nhất