CHÀO MỪNG CÁC BẠN ĐẾN VỚI TRANG TTĐT TRUNG TÂM VĂN HÓA - THỂ THAO VÀ TRUYỀN THANH - TRUYỀN HÌNH HUYỆN ĐẠI LỘC

Hôm nay:19/09/2024

Thờ ơ với tai nạn sông nước

Nhiều người dân qua lại bến khách ngang sông thuộc địa phận hai xã Duy Hòa (huyện Duy Xuyên) và Đại Hòa (Đại Lộc) vẫn còn xem nhẹ việc sử dụng trang bị bảo hộ khi qua đò.

Theo quan sát, hằng ngày bến đò có rất đông người dân hai địa phương qua lại làm ăn buôn bán. Tuy nhiên, điều đáng nói hầu hết người dân khi đi đò không sử dụng áo phao đề phòng tai nạn bất trắc có thể xảy ra, mặc dù áo phao được chủ các bến đò trang bị đầy đủ. Sau khi lên đò, mọi người sắp xếp xe cộ, tài sản riêng của mình ngay ngắn rồi tìm vị trí an toàn trước khi đò rời bến. Phụ nữ, trẻ em ngồi ở băng ghế dài bên trong; trung niên, thanh niên đa số ngồi ngay trên xe máy của mình.

Nhiều người dân không mặc áo phao khi qua đò.
Nhiều người dân không mặc áo phao khi qua đò.

Mặc dù mọi người trên đò đều nhìn thấy trang bị bảo hộ và biết rõ quy định bắt buộc mặc áo phao nhưng không ai bận tâm. Một người dân sống gần khu vực bến đò lý giải: “Người dân qua lại bến đò này hằng ngày để đi làm, buôn bán. Có người một ngày qua lại vài lần nên nhờn với sông nước. Hơn nữa, xưa nay chưa có vụ đắm, chìm đò nào xảy ra nên mọi người chủ quan, xem áo phao là thừa, không cần thiết”.

Ông Lê Văn Hùng - Chủ tịch UBND xã Duy Hòa cho biết, bến khách ngang sông được hai xã Đại Hòa và Duy Hòa quản lý, mỗi xã quản lý một bên bến. Chính quyền địa phương hai xã đã ký hợp đồng, ký cam kết với chủ bến đò, chủ đò về việc cung cấp đầy đủ trang bị bảo hộ cho người đi đò, hướng dẫn, nhắc nhở khách qua đò thực hiện quy định về mặc áo phao. Chủ bến đò, chủ đò cũng đã tiến hành thực hiện những cam kết trên. Tuy nhiên, người đi đò vẫn chưa thật sự phối hợp. “Trang bị bảo hộ có trên đò nhưng khách chưa thực hiện nghiêm túc vì nhiều lý do cá nhân, chủ quan. Mỗi năm, xã Duy Hòa hỗ trợ cho chủ bến đò hơn 30 áo phao để đảm bảo trong việc cung cấp đủ trang bị bảo hộ cho người đi đò” - ông Hùng nói.

Theo Công an xã Đại Hòa, người dân vẫn chưa tự giác chấp hành quy định mặc áo phao mỗi khi qua đò. Tại bến đò, mỗi khi có lực lượng chức năng đến kiểm tra thì mọi người chấp hành nghiêm chỉnh, nhưng khi vắng mặt mọi chuyện lại như cũ. Người đi đò mặc áo phao là để đối phó với lực lượng chức năng chứ chưa thật sự nghĩ việc làm này để đảm bảo an toàn tính mạng cho chính bản thân mình. Do lực lượng mỏng, phía công an xã không thể thường xuyên đến bến đò kiểm tra nên khó có thể kiểm soát và xử lý triệt để, vì vậy mà tình trạng người đi đò chưa chấp hành nghiêm túc quy định về mặc áo phao khi lên đò vẫn còn xảy ra.

Được biết, cầu Giao Thủy bắt đầu khởi công xây dựng vào tháng 3.2015, dự tính sẽ khánh thành vào tháng cuối tháng 12.2016. Cây cầu hoàn thành sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của người dân hai huyện, chấm dứt tình trạng sử dụng đò không đảm bảo an toàn như hiện nay. Trong lúc chờ cầu hoàn thành, người dân vẫn sử dụng đò làm phương tiện chính để qua lại. Tình trạng chủ quan không sử dụng áo phao khi qua đò vẫn đang tiếp diễn, do đó nguy cơ xảy ra tai nạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

                                                                                           ĐỨC NHI

Tin mới đăng

Xem nhiều nhất