-
Lãnh đạo tỉnh thăm Nhà giáo ưu tú Đỗ Xuân Thưởng - 2024-11-22
Hôm nay:24/11/2024
Trâu Vàng - từ truyền thuyết đến SEA Games
Vân Trình
18 năm trước, lần đầu tiên ở một kỳ SEA Games, Trâu Vàng được chọn là linh vật vui. Sự kiện văn hóa – thể thao ấy gắn liền với truyền thuyết độc đáo về một địa danh ở Thủ đô Hà Nội. Năm Tân Sửu 2021 là năm Trâu Vàng (theo quan niệm ngũ hành, thiên can địa chi) và cũng là năm SEA Games 31 tổ chức tại nước ta, xin nhắc lại đôi điều lý thú xung quanh sự kiện trên.
Trâu Vàng được người Việt xưa xem là một con vật thiêng có khả năng ma quái, bảo vệ dân lành. Tín ngưỡng thờ Trâu Vàng là một tín ngưỡng phù hợp với nguyện vọng cầu mong một cuộc sống yên ổn. Xã Quảng An, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội có ngôi đền thờ Trâu Vàng tên là Đền Kim Ngưu.
Điều khá thú vị là Trâu Vàng có liên quan đến một địa danh nổi tiếng ở đất Thăng Long xưa - Hà Nội nay: Hồ Tây. Sách Lĩnh Nam chích quái kể rằng, xưa ở núi Tiên Du (tỉnh Bắc Ninh) có tinh trâu vàng nửa đêm thường tỏa ra ánh sáng. Có nhà sư lấy tích trượng yểm lên trán trâu, trâu vàng bỏ chạy, đến địa phận Văn Giang, qua các xã Như Phượng, Như Loan, Đại Lạn, Đa Ngưu. Trâu lại từ trong bến ra sông Cái, đến Ninh Giang, đi men phủ Lý Nhân, theo ven sông Cái tới sông Tô Lịch, chỗ ấy chính là Hồ Tây. Tên xưa của Hồ Tây là Hồ Trâu Vàng là do vậy mà ra.
Sách Thăng Long cổ tích khảo chép rằng: “Tương truyền đời Đường, Cao Biền làm Tiết độ sứ An Nam đô hộ phủ, đi các nơi có núi sông danh thắng của ta để yểm diệt long mạch. Khi Biền đào sông yểm mạch núi Long Đội, Sơn Thần núi ấy biến thành hình con trâu toả ánh vàng bơi theo sông Đường Giang lên phía Bắc, ẩn ở vùng Hồ Tây thành Đại La”. Bài thơ trong Lĩnh Nam chích quái có nói về việc này: Trâu vàng còn ẩn mãi trong hồ/ Dấu vết khó tìm dẫu nước khô/ Đại Việt Nam yên nhờ thánh chúa/ Cao Biền hạ bút hận không bờ.
Trong Tụng Tây Hồ phú (bài phú ca tụng Tây Hồ) - được đọc trong lễ tế. trời đất của vua Quang Toản năm 1801, tác giả Chương lĩnh hầu Nguyễn Hữu Lượng nhắc lại gốc tích Hồ Tây theo các truyền thuyết kể trên: Lạ thay cảnh Tây hồ!/ Lạ thay cảnh Tây hồ!/ Trộm nhớ thuở đất chia chín cõi,/ Nghe rằng đây đá mọc một gò/ Trước Bạch Hồ vào ở đó làm hang, Long vương trổ nên vùng đại trạch,/ Sau Kim Ngưu do vào đây hóa vực, Cao vương đào chặn mạch hoàng đô/ Tiếng nghe gọi Dâm Đàm, Lãng Bạc,/ Cảnh ngầm in tinh chử, băng hồ…
Dâm Đàm (đầm có sương mù), Lãng Bạc (bến có sông lớn) cũng là những tên gọi của Hồ Tây xưa!
Kể từ khi vua Lý Thái Tổ lập kinh đô Thăng Long, Hồ Tây gắn liền với bao thăng trầm lịch sử của đất kinh kỳ: Ngưu hồ dĩ biến tam triều cuộc/ Hổ động không dư bách chiến thành (trích bài thơ Thăng Long thành hoài cổ của vua Thành Thái). Nghĩa là: Hồ Trâu (Vàng) trải ba triều đại/ Động Hổ còn đây tòa thành bách chiến.
Với diện tích hơn 500 ha mặt nước và chu vi kéo dài tới 17 km, Hồ Tây là một thắng cảnh nổi tiếng của Hà Nội. Theo sách Tây Hồ chí, từ thời Hùng Vương, hồ là một cái bến ở cạnh và vẫn thông với sông Hồng, cho đến thời Hai Bà Trưng thuộc động Lâm Ấp của thôn Long Đỗ, rồi thành hồ do biến đổi địa chất từ thời này qua thời khác, cộng với tác động của con người. Xung quanh hồ có nhiều khu rừng rậm rạp như rừng gỗ tầm ở giữa, rừng tre ngà phía Tây Nam và có rất nhiều muông thú từ hổ, voi, cáo, trâu rừng đến thuồng luồng, giải, rái cá, rùa. Quanh hồ lại có nhiều hang động: Giá La động phía Tây, Nha Lâm động phía Đông, Bình Sa động phía Nam. Năm 1573, vì kiêng tên húy của vua Lê Thế Tông nên mới đổi tên là Tây Hồ.
Các nhà nghiên cứu cho rằng, Hồ Tây là một kho báu của văn hóa dân gian. Quanh hồ có khoảng 20 đền miếu và 20 ngôi chùa thờ các vị thần có phát tích hoặc từng đến đây rèn dân, lập nghiệp, tiêu biểu là nghề dệt và giấy. Các vua đời Lý, Trần từng xây hành cung và ly cung cạnh hồ để hóng mát. Thời triều Nguyễn, năm 1821, vua Minh Mạng ngự giá ra Thăng Long cũng say sưa ngoạn cảnh hồ Tây mùa thu. Thắng cảnh Hồ Tây là nguồn cảm hứng mênh mang cho thi ca, nghệ thuật. Đã có hàng nghìn bài thơ ca tụng cảnh đẹp có một không hai này mà hầu như không có bài nào trùng lặp. Hồ Tây mùa thu còn khắc khoải đi vào ca khúc của nhạc sĩ tài hoa Trịnh Công Sơn: Hồ Tây chiều thu, mặt nước vàng lay bờ xa mời gọi, màu sương thương nhớ, bầy sâm cầm nhỏ vỗ cánh mặt trời…
Năm 2003, lần đầu tiên Việt Nam đăng cai Đại hội Thể thao Đông Nam Á- SEA Games 22. Theo thông lệ, kể từ năm 1989 tại Kuala Lumpur (Malaysia), mỗi kỳ SEA Games nước chủ nhà đều lấy hình ảnh một vật riêng làm đại diện cho mình, gọi là linh vật (Mascot). Mỗi linh vật là một biểu tượng vui, thể hiện rõ nét văn hoá của điểm đến đăng cai SEA Games và tính chất thể thao. Trước Sea Games 22, đã có một số linh vật độc đáo: rùa, sóc vàng (Malaysia); gà chọi (Philippin); sư tử (Singapore); mèo Xiêm (Thái Lan); khỉ trắng (Indonesia)…
Hình tượng Trâu Vàng (Kim Ngưu) do tác giả Nguyễn Thái Hùng (họa sĩ xưởng phim hoạt hình Việt Nam) thiết kế, qua 4 lần góp ý, sửa chữa, hoàn thiện một số chi tiết, đặc biệt là về hình họa, đã nhận được sự đồng thuận không chỉ của Ban Tổ chức SEA Games mà cả giới làm nghề, người hâm mộ, trở thành linh vật vui của Sea Games 22.
Giải thích vì sao chọn linh vật Trâu Vàng, Ban Tổ chức SEA Games 22 cho hay: Với bản chất hiền lành, hoà đồng và chăm chỉ, hình ảnh con trâu gần gũi, thân mật với người dân trong nền văn minh lúa nước của Việt Nam và các nước Đông Nam Á. Trâu Vàng tượng trưng cho ước vọng về mùa màng tốt đẹp, ấm no, hạnh phúc, sức mạnh và tinh thần thượng võ của người Việt. Hơn thế nữa, Trâu Vàng còn gắn với huyền thoại Hồ Tây- Hồ Trâu Vàng của Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến.
Trở lại 18 năm trước, bức tượng lớn chú Trâu Vàng tại sân vận động quốc gia Mỹ Đình, trước cửa các khu vực thi đấu, hay chú Trâu Vàng nhồi bông, in trên đồ lưu niệm, hoặc trên mọi phương tiện thông tin đại chúng... thực sự trở thành hình ảnh biểu đạt thành công cho SEA Games 22 và đất nước, con người Việt Nam hòa bình, hữu nghị. Đây là lần đầu tiên Việt Nam đăng cai một kỳ Đại hội Thể thao Đông Nam Á và cũng là lần đầu tiên Đoàn thể thao Việt Nam giành ngôi nhất toàn đoàn. SEA Games 22 đã làm thay đổi cơ bản diện mạo và vị thế của thể thao Việt Nam trên đấu trường khu vực. Kể từ đó tới nay, thể thao nước ta luôn góp mặt trong Top 3 chung cuộc của SEA Games. Cú hích lớn ấy cũng chính là tiền đề để Việt Nam vững tin hướng tới vị thế cao nhất tại SEA Games 31 tổ chức đúng vào năm con Trâu- Tân Sửu 2021 này!