CHÀO MỪNG CÁC BẠN ĐẾN VỚI TRANG TTĐT TRUNG TÂM VĂN HÓA - THỂ THAO VÀ TRUYỀN THANH - TRUYỀN HÌNH HUYỆN ĐẠI LỘC

Hôm nay:20/09/2024

Vì sao nhiều học sinh vô cảm trước cái ác?

     Hiện tượng học sinh vô cảm trước bạo lực học đường, thậm chí không can ngăn mà còn reo hò, cổ vũ khi chứng kiến bạn mình đánh nhau… khiến nhiều chuyên gia giáo dục, các nhà sư phạm lo ngại.

     Từ đầu năm đến nay, tại một số địa phương trong cả nước liên tiếp xảy ra nhiều vụ bạo lực học đường. Điều bức xúc là các em đánh nhau trong tiếng reo hò, cổ vũ, thậm chí có người còn chỉ cách đánh nhau. Trong khi đó, nhiều học sinh khác dùng điện thoại quay lại cảnh đánh nhau tung lên mạng xã hội…

     Các chuyên gia tâm lý cho rằng, tình trạng đánh nhau ở học sinh trong thời gian gần đây đang gia tăng trở lại, đặc biệt là sau đợt nghỉ học do COVID-19. Trong thời gian dài nghỉ học, ở nhà học online, các em lướt mạng, chơi game, chịu áp lực từ các vấn đề học tập, gia đình có khó khăn về việc làm, kinh tế sa sút... là một trong số nguyên nhân khiến một bộ phận nhóm trẻ có những căng thẳng, bức xúc, “giận cá chém thớt”, dễ dẫn đến các tình huống bạo lực.

     Ngoài ra, sự khác biệt của học sinh trong lớp, trong trường như học giỏi, xinh đẹp, ngoại hình nổi bật... hoặc những học sinh quá khép kín (trầm tính, ít nói, không có nhiều bạn bè...) có thể là nguyên nhân khiến các em dễ bị bắt nạt, bị đánh. Một lý do khác thường thấy bắt nguồn từ những hiểu lầm đơn giản như “nhìn đểu”, “nói đểu”. Yêu đương cũng là nguyên nhân phổ biến khiến nhiều học sinh đánh nhau. Việc đăng đàn, bình luận những lời lẽ khiếm nhã, khiêu khích lên mạng khiến các em nổi nóng, muốn đánh nhau để dằn mặt.

     Cha mẹ, nhà trường cần kịp thời quan tâm nhiều hơn đến sự phát triển tâm, sinh lý của trẻ. Nếu trẻ có biểu hiện khác lạ, người lớn cần hỏi han, động viên, giúp các em vượt qua những khó khăn ở tuổi dậy thì. Mâu thuẫn của trẻ có thể bộc phát trong mọi thời điểm, nhưng phần lớn đều hình thành trong một thời gian dài. Khi nhận thấy bản thân và bạn bè đang có mâu thuẫn, trẻ cần học cách giải quyết và xoa dịu. Nếu không thể tự giải quyết, học sinh có thể nhờ đến bên thứ ba là bạn bè, cha mẹ, thầy cô... cùng đồng hành giải quyết.

     Các chuyên gia tâm lý khuyến cáo, không phải đến lúc này mà ngay từ nhỏ, các em phải được trang bị cách thức nhận diện tình huống và bày tỏ ý kiến về cái xấu, ác để hình thành phản xạ và kỹ năng.

Nguồn: Báo Tiền phong                                                                                           Thực hiện: Văn Tuấn

Tin mới đăng

Xem nhiều nhất