Hôm nay:24/11/2024
BÃI BIỀN QUÊ XỨ
Nguyễn Lộc Bình
Mỗi cuộc đời đi qua, nhất là những thằng người nhà quê lấm láp bùn đất rạ rơm, khét khô mùi khói đồng biền bãi như chúng tôi thường neo đậu trong ngóc ngách tâm tư, trong sâu thẳm tâm hồn những bến bờ hoài niệm của một thời đầy gió sóng trên miền quê nghèo khó một thời. Ký ức ấy lan tỏa suốt cả trên bước đường rong ruổi áo cơm. Dù đã chừ tóc hai phần sương muối, những bến bờ quê xứ vẫn như in, như mới hôm qua mà mỗi khi nghĩ đến cứ rưng rưng, cứ trắc ẩn.
Thường. Vào những ngày chớm đông, khi ngọn gió chuyển mùa se lạnh thổi về, quê tôi gọi là gió bấc. Trời vẫn xanh, bàng bạc mây, nhưng cái lạnh thì đôi khi thấu cả xương da. Những ngày này, quê tôi vừa trải qua nhiều trận lũ lụt dữ dằn. Ruộng quanh làng sình lầy sềnh sệch bùn non, rạ mùa cũ trơ gốc chờ cày ải để gieo cấy vụ mới. Làng tôi, ngoài ruộng lúa hai mùa, còn có rất nhiều lung đất khô ba châu để trồng các loại nông sản khác. Lúc biền bãi dọc hai bờ sông Vu Gia vừa khô mặt lớp bùn non của trận lụt cuối cùng trong năm. Mặt đất đang lú nhú mầm cỏ và những cội dâu già trơ gốc. Không gian thoang thoảng mùi cỏ mục ngai ngái quyện gió đồng thì làng tôi cũng bắt đầu vào mùa gieo cải, trồng thuốc lá, ớt, đậu… trên bãi biền ba châu những ngày đông về se sắt gió.
Bãi ngô Đại Lộc quê mình
Lạ. Năm này không như lệ thường. Đến hết cả tháng Chín âm lịch rồi mà trời vẫn trong xanh như mùa hạ. Thưa thớt mây. Nước sông trong đư. Biền bãi đồng bàu rạ rơm ủ mục đã lâu, chờ nước lụt về để ngậm phù sa cho mùa tới mà không thấy. Cơn nhớ cứ như gió chớm se mùa, cứ lẫn khuất trong tâm hồn con người trên quê tôi, trên từng cánh đồng, biền bãi, núi đồi để nhớ về mùa cũ xa xăm đầy ắp kỷ niệm những bờ bãi quê nhà…
Lang thang theo ngọn gió đông se se chút nắng chiều quá vãng, tôi dừng chân giữa cầu Hà Nha nhìn về phía Cồn Nổi Đại Hồng. Cồn Nổi là lung biền rộng mênh mông nằm dọc triền Vu Gia. Sau ngày giải phóng, từng có một chiếc máy bay vận tải lớn hạ cánh bắt buộc xuống đây do trục trặc máy móc. Lần ấy may mắn là người và hàng hóa trên máy bay đều an toàn.
Chiều. Mênh mang gió như mênh mang triền dâu nà bắp. Thời khắc này những năm trước có lẽ Cồn Nổi đã là thảm xanh như tấm lụa óng ả trên quê tôi rồi. Thường, sau vài trận lụt loáng qua, bãi bồi phù sa vừa khô cứng bởi những cơn nắng giữa đông, Cồn Nổi vào mùa như ngày hội. Những đường cày xới tung lớp cỏ non lộ ra màu đất vàng óng tươi rói. Những luống đậu phộng, bắp, ớt, thuốc lá… được các mẹ, các chị gieo trồng để rồi sau mấy ngày ngậm sữachờ sương, biền bãi thành lụa xanh, thành thênh thang trù phú trong những tâm hồn quê kiểng. Lũ chúng tôi ngày ấy theo cha đi dọc đường cày lượm những con sùng đất vàng rộm bỏ đầy chiếc giỏ vịt đeo ở thắt lưng. Khi đầy, tụ tập ra bờ sông đốt lửa nướng sùng để mùi thơm của nó hòa quyện với mùi quê rồi mấy chục năm sau còn đằm trong ký ức.
Đại Hồng là đất ba châu, xứ sở của bắp, dâu, mè, ớt. Người ta bảo rằng con gái ba châu đẹp, có nước da trắng hồng vì chỉ lao động trên đất màu chứ không làm ruộng phải lội sình lầy lấm láp, quả không sai. Người đi xa nhớ về Đại Hồng, ngoài dẻo thơm hạt bắp, xanh thẳm biền dâu, còn có nước da cô hàng xóm trắng hồng, giọng cười trong trẻo đong đầy kỷ niệm khó quên.
Đó là trên bãi biền, còn trên những ruộng lúa quanh làng? Quê tôi mùa này, ai cũng sắm cho nhà mình vài tấm lưới rô, lưới giếc; cái trủ, cái vó kéo cá; một chục lờ…lũ trẻ chúng tôi đến mùa còn tự đan nhiều chiếc đuộc để đơm cá. Khi lúa trên đồng vừa gặt xong là tâm lý chờ nước lụt về râm ran quanh xóm quanh giềng. Người lớn ngó trời, nhìn mây, xem mống, “mống dài thì lụt, mống cụt thì mưa”; “mống đóng Bàu Đơn về nhà dọn gác!”. Quê tôi đón lụt. Trong nhà lúa má đã hong khô, cho vào mái, vào ví, vào bồ để trên gác tránh lụt. Từ chiếc bồ lúa mà đã có biết bao nhiêu câu hát ví hay đáo để: “Em có chồng như thóc trong bồ/ Anh xin một nắm chồng biết mô mà lường?”...
Sau nhiều ngày mưa gió tứ bề, nước trên nguồn theo các dòng sông suối đổ về vây quanh làng. Nước về để diệt chuột, sâu bọ, trên đồng; nước về chở theo phù sa cho ruộng vườn biền bãi mùa sau xanh tốt; và cũng là thời cơ để bắt cá cải thiện đời sống quê nghèo, cho lũ trẻ chúng tôi được vui, được “thỏa chí tang bồng” với lưới, lờ, vó, trủ,…Nước quanh làng, len lỏi từng ngõ ngách vườn tược đồng bãi. Chỗ này đơm trủ, chỗ kia đặt lờ, thả lưới… Làng thức suốt đêm. Tôi nhớ ngày ấy, cha tôi thường dẫn tôi theo mỗi khi ông đi đứng trủ. Cái ngõ nước trên Bàu Cá Gáy đầu làng đông nghịt người. Cha chọn cho mình một vị trí thích hợp để thả chiếc trủ. Xung quanh là bác Ba, chú Bảy, ông Biện…thức sáng đêm để đón cá nguồn về. Tôi và lũ trẻ hàng xóm tranh thủ với mấy tay lưới giăng dọc, đón ngang. Cá mắc vào quẫy động một vùng nước ồn ã, sôi động đến nhớ đời.
Rồi nước rút, trả bãi đồng cho làng quê. Sợi nắng giữa đông âm ấm đong trên từng khóm lá. Đồng bãi quê nhà lú nhú những ngọn lúa sinh khôn. Những đọt xanh gặp phù sa bắt đầu mơn mởn trổ những bông lúa lại mùa. Những ngày tháng ấy, lũ trẻ chúng tôi ra đồng chăn trâu, thả bò; dù có lơ đễnh ham chơi chút đỉnh cũng không sợ trâu bò ăn lúa vì đồng ruộng còn mênh mông chưa cày ải, cấy gieo. Ngày ấy, buổi sáng dong trâu bò ra đồng, gò dây mũi quanh sừng rồi thả chúng gặm cỏ trên bãi “sân bay”. Giao cho bọn con gái trông chừng, còn lũ thằng chúng tôi thì hì hục tát cá quanh mấy đìa nước ven đồng. Đồng qua những trận lụt, nước rút ra, cá tụ tập quanh các đìa nhiều vô kể. Mới đến nửa buổi mà thằng nào ngoài cái lấm lem mốc thếch, mặt mũi như hát tuồng, cũng được một vài dọc xâu, nào cá trê, cá tràu, cá rô, cá giếc,… con nào cũng vàng rộm, to bằng cổ tay, bàn tay trông mát mắt. Lũ chúng tôi nhóm lửa bằng phân bò khô. Lụi cá bằng cây sặc, cây giang vót sẵn từ nhà, hơ cá trên ngọn lửa đã hực sẵn. Mùi thơm đến ngất ngây. Quệt vào gói muối đem theo, làm một miếng! Chao ôi nhớ đời…
Cánh đồng quê tôi sau ít ngày lụt lội đã lên xanh. Những ngọn lúa sinh khôn mọc ra từ gốc rạ cũ nhờ phù sa nhanh chóng trổ bông và cúi hạt, chín vàng. Chẳng hiểu tên lúa sinh khôn có từ khi nào. Một lần nghe ông nội kể lại, quê tôi ngày xưa nghèo lắm (mà có quê xứ nào ngày xưa chẳng nghèo?). Lúa má làm ra địa chủ thâu tóm hết. Người dân làm thuê ngay trên mảnh ruộng của mình. Xong mùa họ chờ lúa sinh khôn lên để đi hái lảy về đắp đổi thay vì mùa chính. Năm nào có lúa sinh khôn nhiều thì cuộc sống đỡ khốn khó hơn. Ngày tôi lớn, quê đã khá lên, lúa sinh khôn không còn nhiều người đi lảy nữa. Tôi nhớ hồi ấy, làng tôi chỉ còn mấy bà, mấy chị nông tang rảnh rỗi mới tranh thủ ra đồng kiếm ít sinh khôn thôi. Có lẽ từ nguyên do trên mà người ta đặt tên là “sinh khôn” chăng? Lúa sinh khôn hạt chắc và nấu cơm rất dẻo, mùi thơm của nó đến lạ kỳ, khó quên khi ai đã được ăn một lần.
Nắng chiều. Từ quê, tôi bắt đầu xuôi về phố huyện. Qua cầu Ba Khe, nhìn sậy, bói bên triền đồi đã trổ đầy hoa tim tím; dọc đôi bờ sông, lau bung những ngọn bông trắng xóa. Người ta nói rằng, khi bói, lau sậy trổ bông thì không còn lũ lụt nữa. Nếu đúng vậy thì năm này quê tôi sẽ không có mùa đứng trủ, đơm đuộc rồi đây; phù sa trên nguồn sẽ không về đồng bãi, đất sẽ khát như người đi xa khát nỗi nhớ quê, nhớ người.
Còn tôi, cứ quẩn quanh trong ký ức những mênh mang bãi biền quê xứ!
N.L.B