CHÀO MỪNG CÁC BẠN ĐẾN VỚI TRANG TTĐT TRUNG TÂM VĂN HÓA - THỂ THAO VÀ TRUYỀN THANH - TRUYỀN HÌNH HUYỆN ĐẠI LỘC

Hôm nay:21/11/2024

DẤU ẤN MỘT NGÔI LÀNG.

      Nằm uốn mình bên bàu Ông huyền diệu, được bao bọc với lũy tre làng gắng mình chống lũ như một bờ thành vững chắc, giữ từng tấc đất tạo nên một hồn quê đầy thơ mộng và trữ tình, làng Đại Lợi với dãy đất bao bận lở bồi cho đến ngày nay vẫn còn giữ nguyên vẹn được dấu ấn thăng trầm của một ngôi làng xứ Quảng.

     Vài nét về làng xưa

     Nằm tọa lạc giữa vị trí trung tâm, làng Đại Lợi nay thuộc thôn An Lợi Tây, xã Đại Nghĩa, huyện Đại Lộc, vùng đất còn chất chứa biết bao điều bí ẩn mà con người dường như chưa khai phá được hoàn toàn.

     Ngôi làng từng thuộc địa phận Chămpa, sau cuộc hôn nhân  dưới thời nhà Trần, đã trở thành vùng đất sính lễ thuộc quyền cai quản của Đại Việt ở sâu xa miền biên ải tổ quốc. Tại đây, các nhà khảo cổ đã phát hiện ra một ngôi tháp của người Chăm được xác định niên đại vào khoảng thế kỉ VII đến thế kỉ X, điều này là một minh chứng xác đáng cho việc người Chăm từng tồn tại và sinh sống rất phồn thịnh tại làng trong một thời gian dài.

     Danh xưng Đại Lợi là ngôi làng được nhắc đến đầu tiên trong cuốn “Phủ Biên Tạp Lục” của tác giả Lê Qúy Đôn viết vào năm 1776 cho biết các làng như Đông Phúc, Đại Lợi, Phiếm Ái đều thuộc tổng Phiếm Ái, huyện An Nông, Phủ Điện Bàn, xứ Quảng Nam. Có thể nói từ năm 1471, sau cuộc bình Chiêm với lời kêu gọi Nam Tiến của vua Lê Thánh Tông lớp tiền nhân phía Bắc chủ yếu là người gốc Thanh Hóa, Nghệ An đã lên đường vào Nam khai làng lập ấp, nhưng đến đây thì người Chăm còn sinh sống khá nhiều cho nên kéo dài đến thế kỉ XVIII, khi chính sách khai hoang lập làng của Chúa Nguyễn ngày càng mạnh mẽ thì người Việt mới đặt chân vào nơi này, bắt gặp hai luồng văn hóa Chăm- Việt từ đó hình thành nên tên làng Đại Lợi cho đến bây giờ.

    Đến thế kỉ XIX thì Đại Lợi không còn đơn vị hành chính là một làng nữa mà là một xã, trong “Địa Bạ triều Nguyễn” dưới thời vua Gia Long có ghi chép “Đại Lợi xã thuộc Tổng Đức Hòa Thượng, huyện Hòa Vang, phủ Điện Bàn”. Điều này chứng tỏ đến thời nhà Nguyễn thì ngôi làng vẫn giữ nguyên được tên gọi của nó như lúc được khai sinh.

    Trong“Đồng Khánh dư địa chí” phần “Quảng Nam tỉnh đồ”, bản đồ huyện Hòa Vang cho thấy “Đại Lợi Xã phía Bắc giáp với xã Phước Châu, phía Đông giáp La Đái, phía Tây giáp với xã Đức Hòa, An Hòa, phía Nam giáp với xã Đại An”. Qua đây, một lần nữa tên làng Đại Lợi đã có mặt trên Bản đồ hành chính của nước ta, mà đến ngày nay vẫn không có gì thay đổi.

    Năm Thành Thái thứ 11, huyện Đại Lộc được thành lập từ một phần đất của huyện Hòa Vang và huyện Diên Phước thì Đại Lợi thuộc tổng Đức Hạ, kể từ đây cho đến trước Cách Mạng tháng Tám 1945 thì tên Làng bị thay đổi có lúc gọi là Đại Lợi, có lúc đổi thành Đại Hữu.

     Danh xưng Đại Lợi được hiểu theo nghĩa Hán Việt đó  là nguồn phúc lộc rất lớn của vùng đất này mà thiên nhiên ban tặng, thực tế làng Đại Lợi có Bàu Ông chảy dọc xuyên suốt theo dải đất làng đem lại nguồn lợi thủy sản rất lớn cho người dân hằng năm, kết hợp với gần núi Kính cũng mang lại nguồn lâm sản dồi dào. Thứ hai, chữ Lợi nếu viết theo bộ thủy thì lại hiểu theo một nghĩa khác, đó là tên sông hay là tính nước chảy xiết, như vậy thì Đại Lợi có nghĩa là một nơi có nguồn nước chảy xiết rất lớn, bên làng là bàu Ông rộng lớn lúc hiền hòa, lúc dữ tợn uốn mình ôm trọn cả dãy đất quê, hiểu theo nghĩa này cũng hoàn toàn là có khả năng rất cao.

    Trải qua biến cố thăng trầm theo thời gian, diện tích làng hiện nay không còn như cũ nữa, mà thay vào đó là bị thu hẹp lại, nhưng tên gọi của làng vẫn là hồn quê Đại Lợi, mảnh đất sâu nặng nghĩa tình.

 

 Bàu Ông thơ mộng, ảnh : Văn Hiếu 

  Dấu vết về ngôi làng

    Là ngôi làng được hình thành khá sớm trên vùng đât Hóa Châu, các lớp người khi đến đây khai khẩn thì đồng thời đình làng cũng được khai sinh để tưởng nhớ các bậc tiền nhân có công mỡ cõi lập làng. Theo nghiên cứu của Vu Gia trong “Địa Chí Đại Nghĩa” thì làng Đại Lợi trước đây có đình làng,  thờ cúng  Thành Hoàng, bên cạnh đó, còn có Miễu Xóm và Miễu Âm linh, nhưng tất cả đều bị chiến tranh tàn phá. Đến nay đã không còn một di tích hay cơ sở thờ tự nào nữa.

     Ông Nguyễn Đức Ngữ, một vị cao niên  trong làng cho biết  “Trước đây  đình làng bề thế lắm, kết hợp với đó là Miễu Âm linh nữa, tuy nhiên tất cả đều bị tàn phá bởi chiến tranh, khuôn viên xưa giờ chỉ là nơi để người ta sản xuất gạch, một số là đất sản xuất của bà con. Chúng tôi rất mong được phục dựng lại hình ảnh ngôi làng cổ đã có từ lâu trên mảnh đất này để con cháu đời sau ghi nhớ công lao khai hoang, lập làng của các bậc tiền hiền đi trước”.

     Trong kháng chiến chống xâm lược với địa thế hiểm trở, làng đã là chỗ trú ẩn an toàn cho cách mạng Việt Nam làm căn cứ để hoạt động, ẩn nấp, là một ngôi làng có truyền thống đấu tranh bất khuất, kiên cường trong hai cuộc kháng chiến, sản sinh ra biết bao người con ưu tú đã cống hiến hết mình cho sự  nghiệp bảo vệ tổ quốc, với  21 liệt sĩ ố  đã hi sinh trong kháng chiến chống Mỹ.

      Hiện nay Đại Lợi vẫn là một ngôi làng có vị trí địa lí và điều kiện tự nhiên khá đẹp, khí hậu mát mẻ, ôn hòa, thêm vào đó, bàu Ông cũng là nơi có tiềm năng trong việc phát triển du lịch sinh thái.

     Có thể nói, theo thời gian thương hải tang điền, ngôi làng Đại Lợi nay đã đi vào tiềm thức của nhân dân, thay vào đó là thôn An Lợi Tây sau khi quyết định sáp nhập thôn trên địa bàn xã Đại Nghĩa của UBND tỉnh vào năm 2019. Những trang sử làng Đại lợi gắn liền với chiều dài lịch sử của vùng đất Quảng Nam trong buổi đầu khai hoang mở cõi, các lớp tiền nhân Thanh Hóa phải chăng đã mang tên làng trong những chuyến di dân đến vùng đất trù phú này. Dù nay đã không còn nữa, nhưng hình bóng ngôi làng cổ Đại Lợi đã là một nhân chứng lịch sử sánh đôi cùng quá trình phát triển đất nước qua nhiều thế hệ cha anh đã dày công gây dựng, cho đến ngày nay nó vẫn luôn là hình ảnh đẹp khi tuổi thơ ùa về vọng đâu đó lời ru của mẹ về “dấu ấn của một ngôi làng”.

Nguyễn Ngọc Thuận

\

 

Thời sự phát thanh

Video mới nhất