CHÀO MỪNG CÁC BẠN ĐẾN VỚI TRANG TTĐT TRUNG TÂM VĂN HÓA - THỂ THAO VÀ TRUYỀN THANH - TRUYỀN HÌNH HUYỆN ĐẠI LỘC

Hôm nay:08/09/2024

Dấu ấn ngôi trường vùng khó

Cái tên Trường THPT Chu Văn An đã dần khẳng định vị trí trong phong trào dạy - học, thậm chí năm học 2014 - 2015 xuất sắc vươn lên giành lá cờ thi đua xuất sắc của UBND tỉnh trao tặng cho đơn vị dẫn đầu khối trường THPT toàn tỉnh.

Cảnh quan sư phạm của Trường THPT Chu Văn An ngày càng khang trang. Ảnh: XUÂN PHÚ
Cảnh quan sư phạm của Trường THPT Chu Văn An ngày càng khang trang. Ảnh: XUÂN PHÚ

Hành trình vượt khó

Tiếp chúng tôi sau khi nhà trường vừa được Sở GD-ĐT kiểm tra công nhận đạt chuẩn quốc gia, thầy Nguyễn Bá Ngân - Hiệu trưởng Trường THPT Chu Văn An bồi hồi nhớ lại thời điểm thành lập trường cách đây 30 năm. Hơn 10 năm sau ngày giải phóng, vùng A Đại Lộc - mảnh đất nhiều mất mát, đau thương trong chiến tranh vẫn còn chịu thiệt thòi trong sự nghiệp trồng người. Con em các xã muốn học lên cấp 3 phải khăn gói vượt 20 - 30 cây số xuống tận Ái Nghĩa trọ học tại Trường Đại Lộc I (nay là Trường THPT Huỳnh Ngọc Huệ). Thời buổi khó khăn, nhiều em đã buộc phải “rớt lại” trên con đường tìm cái chữ.

Trước nhu cầu bức xúc ấy, năm 1986 Trường Đại Lộc III ra đời. Mừng đó, mà cũng lo đó. Bởi tỉnh chỉ cho cái tên, còn nhà trường phải tự thân vận động tìm chỗ giảng dạy vì chưa có cơ sở vật chất. Một vài phòng học của Trường Cấp 1 xã Đại Lãnh lúc bấy giờ được mượn làm nơi giảng dạy. Giáo viên từ các nơi đến đây công tác phải ở chung phòng. Năm học đầu tiên, trường có 5 lớp với hơn 220 học sinh (HS). Thế nhưng, chỉ 3 năm sau ngày thành lập, “trường chưa ra trường, lớp chưa ra lớp”, trường phải sáp nhập với Trường Cấp 2 Đại Lãnh và đổi tên thành Trường Cấp 2 - 3 Đại Lãnh do số lượng HS ít (lúc bấy giờ chỉ còn 4 lớp). Số phận lênh đênh của trường vẫn chưa dừng lại ở đó. Những biến thiên của thời cuộc, sự sụt giảm trong chuyện học hành của con em vùng khốn khó nhất huyện Đại Lộc khiến cho số lượng học trò giảm dần. Năm 1991, trường lại tiếp tục sáp nhập với Trường Cấp 2 Đại Đồng và đổi tên thành Trường Cấp 2 - 3 Đại Đồng. Như cô con gái theo chồng, sáp nhập với Trường Cấp 2 Đại Lãnh thì về sinh hoạt tại Đại Lãnh, khi sáp nhập với Trường Cấp 2 Đại Đồng lại theo về xã Đại Đồng.

Nhiều năm liền Trường THPT Chu Văn An đạt danh hiệu tiên tiến xuất sắc. Năm học 2012 - 2013 trường được UBND tỉnh tặng Bằng khen, năm học 2014 - 2015 được trao Cờ thi đua xuất sắc dẫn đầu khối THPT. Trường đã được Sở GD-ĐT công nhận hoàn thành kiểm định chất lượng giáo dục 2010 - 2015, đạt chuẩn quốc gia năm 2016. Nhân kỷ niệm 30 năm thành lập, trường được Bộ GD-ĐT tặng Bằng khen.

Năm học 2016 - 2017, trường có 35 lớp với gần 1.500 học sinh, 94 cán bộ, giáo viên. Đội ngũ giáo viên 100% đạt chuẩn trình độ chuyên môn, trong đó 3 người có trình độ thạc sĩ.

Năm 1998, tên Trường THPT Chu Văn An mới chính thức được định danh sau quyết định thành lập của tỉnh, tách cấp 2 ra khỏi Trường Cấp 2-3 Đại Đồng. Tuy nhiên, trường vẫn phải tiếp tục “sống nhờ” Trường THCS Đại Đồng cho đến năm 2001 khi ngôi trường mới được xây dựng tại thôn Hà Thanh, xã Đại Đồng hoàn thành, khép lại hành trình vượt khó kéo dài 15 năm. Từ 4 lớp lúc mới thành lập và ở tạm bên kia sông, đến khi chính thức lấy tên THPT Chu Văn An và về cơ ngơi mới, trường đã nâng quy mô lên 23 lớp, rồi sau này có giai đoạn phát triển lên 40 lớp. “Buổi ban đầu, trường chỉ có 12 giáo viên cấp 3, một vài bộ môn không có giáo viên. Các thầy cô từ khắp nơi lên đây công tác nên gặp rất nhiều khó khăn về chỗ ăn ở, điều kiện dạy học. Nhưng với lương tâm nghề nghiệp, tấm lòng với học trò vùng quê nghèo hiếu học, các thầy cô ở giai đoạn này đã vượt qua mọi khó khăn đặt những viên gạch đầu tiên trên hành trình tạo dựng ngôi trường sau này” - thầy Ngân chia sẻ.

Xứng danh Chu Văn An

Đến thăm Trường THPT Chu Văn An đúng vào dịp nhà trường đang tập trung cho công tác chuẩn bị lễ kỷ niệm 30 năm thành lập. Một không khí nhộn nhịp hiển hiện khi mà gần như tất cả cán bộ, giáo viên đều đến trường dù là thời điểm đang kỳ nghỉ hè. Thầy Ngân cho biết, sau khi có được ngôi trường mới năm 2001, nhà trường tiếp tục tham mưu các cấp đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị. Nhờ vậy mà giờ đây, diện mạo ngôi trường khá khang trang với nhiều dãy phòng học tầng, sân trường rợp mát bóng cây, đảm bảo yêu cầu xanh - sạch - đẹp, đáp ứng tính giáo dục, thẩm mỹ của một môi trường sư phạm. Với sự đầu tư đó, tin vui đến với nhà trường khi vừa được Sở GD-ĐT kiểm tra công nhận và trở thành trường THPT thứ 16 của tỉnh đạt chuẩn quốc gia. Trước đó, năm học 2014 - 2015, trường được UBND tỉnh tặng Cờ thi đua xuất sắc dẫn đầu khối trường THPT cả tỉnh - một phần thưởng xứng đáng cho những nỗ lực của nhà trường.

Trường THPT Chu Văn An đã tạo được dấu ấn về chất lượng giáo dục.
Trường THPT Chu Văn An đã tạo được dấu ấn về chất lượng giáo dục.

Theo Hiệu trưởng Nguyễn Bá Ngân, chính sức trẻ, sự nhiệt huyết và sự đoàn kết, gắn bó của đội ngũ cán bộ, giáo viên là “chìa khóa” dẫn đến thành công của nhà trường ngày hôm nay. Cạnh đó, trường cũng có một vốn quý khác, với 25 thầy cô giáo là những cựu HS nay trở về giảng dạy, cống hiến sức mình xây dựng nhà trường. Thời gian qua, việc đổi mới phương pháp dạy và học được nhà trường rất quan tâm, đặc biệt là thay đổi cách tiếp cận với HS có học lực yếu. Bên cạnh phân loại theo trình độ năng lực, trường còn cho HS tự đăng ký chọn giáo viên dạy phụ đạo để tạo điều kiện thuận lợi cho các em đi học. Nhờ đó, bên cạnh cơ ngơi khang trang, chất lượng dạy và học của nhà trường từng bước được nâng lên đáng kể. Tỷ lệ HS xếp loại học lực khá, giỏi ngày càng tăng; đặc biệt những năm qua tỷ lệ tốt nghiệp THPT vượt mặt bằng chung của tỉnh, thậm chí 2 năm gần đây vươn lên dẫn đầu huyện Đại Lộc với 94%.

Vượt lên sự mặc cảm của một ngôi trường vùng khó, sau 30 năm xây dựng, dấu ấn Chu Văn An đã được nhiều thế hệ thầy và trò nơi đây chắp nối, phát triển, xứng đáng với danh tiếng người thầy mà trường vinh dự mang tên. Trước đây, có giai đoạn trường mất luôn phong trào mũi nhọn, vì HS giỏi xuống hết thị trấn Ái Nghĩa để học cấp 3. Tuy nhiên, những năm gần đây, niềm tin đã trở lại với nhà trường, với các bậc phụ huynh, HS 5 xã vùng A của huyện Đại Lộc (địa bàn trường tuyển sinh gồm Đại Đồng, Đại Hồng, Đại Lãnh, Đại Hưng, Đại Sơn) khi mà tỷ lệ HS trúng tuyển vào các trường đại học ngày càng cao với mức 25 - 28%. Đáng chú ý, thầy và trò của trường giờ đã có thể tự tin thi thố tài năng với các trường bạn ở những sân chơi trí tuệ như thi HS giỏi tỉnh, Olympic 24.3. Chỉ tính riêng 3 năm gần đây, nhà trường đã có 41 HS đoạt giải tại kỳ thi HS giỏi cấp tỉnh, trong đó lần đầu tiên có giải Nhất môn văn của em Nguyễn Trần Ái Vy vào năm học 2015 - 2016.

Theo thầy Hiệu trưởng Nguyễn Bá Ngân - một trong những thế hệ giáo viên đầu tiên gắn bó trong suốt hành trình 30 năm xây dựng và trưởng thành của Trường THPT Chu Văn An, có được thành quả như ngày hôm nay là kết tinh từ sự đồng lòng, chung sức, nỗ lực vượt qua khó khăn của nhiều thế hệ thầy và trò, đặc biệt là những thầy hiệu trưởng đi trước như Từ Lâm Chính, Võ Đức Thắng, Lê Phước Xưng. Cũng không thể không nhắc đến tinh thần hiếu học của HS, sự quan tâm hỗ trợ, giúp đỡ của các bậc phụ huynh, chính quyền địa phương. “Giáo dục là cả một quá trình lâu dài, phải được chuẩn bị chu đáo ngay từ đầu. Kết quả có được hôm nay làm cho nhà trường hài lòng, tạo sự an tâm trong xã hội, nhưng toàn thể hội đồng sư phạm vẫn không thỏa mãn. Chặng đường 30 năm nhưng những gì đạt được mới chỉ là kết quả bước đầu. Toàn trường còn phải nỗ lực, phấn đấu nhiều hơn nữa để đáp ứng lòng mong mỏi, sự tin yêu của quý bậc phụ huynh và toàn xã hội trong sự nghiệp dạy chữ, dạy làm người cho thế hệ trẻ” - thầy Ngân chia sẻ.

XUÂN PHÚ (Báo Quảng Nam)

Tin mới đăng

Xem nhiều nhất