-
Lãnh đạo tỉnh thăm Nhà giáo ưu tú Đỗ Xuân Thưởng - 2024-11-22
Hôm nay:24/11/2024
Đại Lộc là một trong những địa phương thuộc vùng “rốn lũ”, vì vậy ngành giáo dục huyện nỗ lực hướng tới phổ cập, đưa bộ môn bơi lội trong học đường nhằm phòng tránh tai nạn đuối nước (TNĐN).
Bước khởi đầu lạc quan
Huyện Đại Lộc có hệ thống ao hồ, sông suối chằng chịt, tình trạng trẻ em tử vong do đuối nước dịp hè và mùa mưa lũ thỉnh thoảng vẫn xảy ra. Để phòng tránh TNĐN ở trẻ, nhất là lứa tuổi ở bậc tiểu học và THCS, thể chất đang giai đoạn phát triển, rất hiếu động, tổ chức Swim Việt Nam đã hỗ trợ 2 bể bơi nổi tại 2 trường học trên địa bàn để phục vụ dạy và học bơi cho đối tượng học sinh tiểu học. Trong số 2 bể bơi này, bể bơi tại Trường TH Nguyễn Đức Thiệu (thị trấn Ái Nghĩa), công trình được tổ chức Swim Việt Nam hỗ trợ 1,5 tỷ đồng để đầu tư xây dựng đã phát huy hiệu quả tốt, thu hút hàng ngàn lượt học sinh tham gia học bơi. Công trình không chỉ phục vụ cho việc dạy bơi cho học sinh nhà trường, mà còn cho học sinh các xã lân cận. Thầy giáo Đỗ Xuân Thưởng - Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ, dịp hè 2016, bể bơi nhà trường đón 700 lượt học sinh tiểu học ở các trường trên địa bàn tham gia học bơi, rèn luyện sức khỏe. “Những năm trước, trường chỉ đón học sinh của 4 trường tiểu học lân cận, năm nay bể bơi thu hút học sinh 7 trường học đến học bơi, bởi nhu cầu học bơi của học sinh rất lớn. Nhìn chung, không chỉ học sinh mà cán bộ, giáo viên và phụ huynh học sinh đều tỏ ra phấn khởi vì con em địa phương có điều kiện thuận lợi để học bơi, rèn luyện kỹ năng bơi lội nhằm phòng tránh TNĐN, nhất là Đại Lộc là vùng rốn lũ” - thầy Thưởng nói.
Các em rất hào hứng với việc học bơi tại Trường TH Nguyễn Đức Thiệu. Ảnh: HOÀNG LIÊN |
Khu vực bể bơi tại nhà đa năng Trường TH Nguyễn Đức Thiệu trở nên sôi động với cả trăm lượt học sinh đến đây học bơi mỗi ngày vào dịp hè này. Mỗi buổi học, các em được chia thành nhiều đợt để dễ tập luyện, được các hướng dẫn viên đứng lớp hướng dẫn chu đáo, tận tình từng kiểu bơi, kỹ năng xử lý tình huống khi xảy ra bị đuối nước. Em Trần Thị Ly Na, học sinh lớp 4 Trường TH Trần Tống (Đại Nghĩa) thật thà nói: “Chúng em học mỗi tuần ba buổi, sau khi tập trung tại trường, có xe đến đưa đón đi học bơi rồi chở chúng em trở lại trường nên ba mẹ rất yên tâm. Học bơi rất khó nhưng có đông bạn bè nên chúng em rất thích đi. Em và các bạn đã học xong khóa học đầu tiên rồi, chúng em được dạy nhiều bài học bơi như bơi ngửa, bơi ếch, rất thú vị. Em rất muốn được tham gia khóa học tiếp theo”.
Thầy giáo Mai Mạnh Cường - giám sát viên của tổ chức Swim chia sẻ: “Mỗi khóa dạy bơi của chúng tôi diễn ra với 18 buổi, mỗi tiết học chừng 45 phút. Nếu tham gia đủ 18 buổi và chăm chỉ rèn luyện thì trẻ đã có thể học được kỹ năng sống sót khi xảy ra TNĐN. Rất tiếc là trong khuôn khổ hạn hẹp, chương trình chỉ dừng lại ở việc dạy cứu đuối, trang bị cho các em một số kỹ năng phòng tránh TNĐN là chính, còn để dạy cho các em thành thục, ứng phó trong mọi tình huống, đòi hỏi phải trải qua các lớp nâng cao. Hơn nữa, bản thân mỗi em ngoài kiến thức, kinh nghiệm còn phải được tập luyện từ thực tế rất nhiều”. Trong khi đó, thầy giáo Nguyễn Tô Ny, một trong những giáo viên đứng lớp cho hay: “Mỗi buổi học thường có 3 giáo viên, trong đó có giáo viên đứng lớp và một giám sát viên. Giáo viên dạy bơi đều trải qua các lớp tập huấn, được tổ chức Swim cấp chứng chỉ. Chưa có dịp hè nào đông như năm nay, lịch học kín đều các buổi, từ thứ Hai tới Chủ nhật, trừ thứ Ba phải nghỉ để làm vệ sinh hồ bơi. Các em tham gia học bơi đều rất siêng năng, chăm chỉ và hào hứng…
Nhân rộng mô hình
Ông Lương Đức Hiền - Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Đại Lộc cho hay, TNĐN rất thường xảy ra vào dịp hè, mùa mưa lũ, và phòng tránh đuối nước trong học đường là mục tiêu mà Phòng GD&ĐT và huyện Đại Lộc rất quan tâm. Mỗi dịp hè, có gần 1.000 học sinh được đào tạo kỹ năng bơi lội cả về lý thuyết lẫn thực hành tại bể bơi Trường TH Nguyễn Đức Thiệu. Mỗi khóa học, Phòng GD&ĐT tổ chức cho 3 trường học với 300 học sinh tham gia, các em được học lý thuyết, thực hành 18 bài tập bơi. Tất cả nguồn lực đầu tư bể bơi nổi và chi phí đào tạo kỹ năng bơi lội cho các em và giáo viên đều do tổ chức SWIM Việt Nam tài trợ. Bên cạnh đó, huyện còn hỗ trợ thêm 40 triệu đồng/năm, vì thế công tác đào tạo, tập huấn có phần thuận lợi hơn. Tất cả học sinh và giáo viên đến với chương trình dạy và học bơi đều được đào tạo miễn phí. Cũng theo ông Hiền, Đại Lộc có 18/18 xã, thị trấn nên nhu cầu học bơi của học sinh rất lớn nhưng chỉ mới có một bể bơi phát huy hiệu quả. “Dù số trẻ được đào tạo về bơi lội còn khá khiêm tốn, nhưng đó cũng là nỗ lực rất lớn của ngành giáo dục và chính quyền địa phương” - ông Hiền nói.
Được biết, mục tiêu của huyện Đại Lộc là phấn đấu từ nay đến năm 2020, mỗi xã phải xây dựng một bể bơi phục vụ việc dạy và học bơi cho con em địa phương. Các bể bơi được xây tại các trường tiểu học, sẽ giao cho các trường quản lý. Hiện có 2 bể bơi đang được xây dựng tại Trường TH Nguyễn Thị Bảy (Đại Minh) và Trường TH Hứa Tạo (thị trấn Ái Nghĩa) với kinh phí gần 2 tỷ đồng từ ngân sách của tỉnh gắn với chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, sắp tới sẽ đưa vào phục vụ. Có thể nói, việc đưa bộ môn bơi lội vào trường học đã mang lại lợi ích thiết thực, song do khó khăn về kinh phí mà hiện nay Đại Lộc vẫn chưa có nhiều bể bơi đáp ứng nhu cầu học bơi của trẻ. Thiết nghĩ, cần có sự quan tâm, vào cuộc của các cấp chính quyền, các tổ chức xã hội cũng như các cấp ngành để việc xây dựng bể bơi phục vụ cho việc học bơi của trẻ được phổ cập hơn. Nếu có thêm nhiều bể bơi để dạy bơi, chắc chắn trẻ em sẽ được tập bơi, rèn luyện thân thể, nâng cao kỹ năng phòng tránh TNĐN cho lứa tuổi măng non.
HOÀNG LIÊN (Báo Quảng Nam)