CHÀO MỪNG CÁC BẠN ĐẾN VỚI TRANG TTĐT TRUNG TÂM VĂN HÓA - THỂ THAO VÀ TRUYỀN THANH - TRUYỀN HÌNH HUYỆN ĐẠI LỘC

Hôm nay:24/11/2024

Thiếu kinh phí xây trường mầm non

Hơn 30 năm đưa vào sử dụng, cơ sở vật chất Trường Mầm non Ái Nghĩa (thị trấn Ái Nghĩa, Đại Lộc) xuống cấp nghiêm trọng, ảnh hưởng đến công tác dạy và học của nhà trường.

Phòng ghép    

Còn nhớ sau khi cơn bão số 11 (tháng 10.2013) vừa tan, cây gãy đổ nằm la liệt trong sân trường, mái vòm phía tây sập hoàn toàn, công trình phụ bị tốc mái, la phông của 7 phòng học và nhà bếp rơi xuống sàn. Cô giáo Đinh Thị Cơ - Hiệu trưởng Trường Mầm non Ái Nghĩa kể, lúc đó, cán bộ, giáo viên trong trường cẩn thận cất nhiều đồ đạc trên gác tại một phòng học kiên cố nhất và được gói chặt bằng bọc ni lông. Thế nhưng, một viên ngói của nhà bên cạnh rơi xuống làm thủng tôn mái phòng chứa đồ đạc, rách bọc ni lông nên nước mưa chảy xuống gây hư hỏng 2 đầu đĩa, 9 ti vi 21 inch. Phòng nào cũng nhếch nhác, tường nứt nẻ, thấm nước meo mốc và nền thì ẩm thấp.

Tường các phòng bị nứt nẻ, vôi bong tróc. Ảnh: C.T
Tường các phòng bị nứt nẻ, vôi bong tróc. Ảnh: C.T

Ba năm qua, cơ sở vật chất càng thêm xuống cấp nhưng không thể sửa sang do thiếu kinh phí. Phó Hiệu trưởng nhà trường - cô giáo Nguyễn Thị Thương chia sẻ: “Các dãy phòng sử dụng hơn 30 năm chưa hề được nâng cấp hoặc xây mới và đều không có trần bằng bê tông cốt thép. Phòng học, phòng chức năng còn thiếu so với số lượng học sinh ra lớp. Trường phải ghép một số phòng chức năng để làm chỗ nuôi dạy trẻ. Chẳng hạn, phòng y tế ghép vào phòng làm việc của 2 cô phó hiệu trưởng; phòng hội đồng xen vào phòng nghệ thuật; phòng hành chính quản trị “sánh đôi” cùng kho chứa gạo; cán bộ, giáo viên nhân viên dùng tạm khu vệ sinh của học trò… Dù đã “tận dụng” hết mức, nhưng nơi đây mới sở hữu 10 phòng để dạy học, còn thiếu nhiều để đáp ứng nhu cầu cho số trẻ đến lớp. Lãnh đạo nhà trường cho biết, số lượng trẻ đành bố trí bình quân lên tới 35 em/lớp, diện tích đất bình quân trên trẻ cũng chưa đạt, sân chơi thì chật hẹp. Các lớp mẫu giáo chưa có công trình vệ sinh khép kín. Chưa kể, mặt bằng nhà trường thấp hơn gần 1m so với bề mặt tuyến ĐT609 chạy ngang. Do đó, khuôn viên của cơ sở giáo dục này luôn trong tình trạng ẩm thấp, mực nước lũ lụt tràn vào có thời điểm sâu hơn 2m.
Khó nguồn kinh phí

Theo ông Nguyễn Hữu Vũ - Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc, nhà trường, phụ huynh học sinh và chính quyền địa phương nhiều năm liên tục kiến nghị việc nâng cấp, hoặc xây dựng trường mới. Song, kinh phí của thị trấn quá hạn hẹp, còn huyện cũng chỉ hỗ trợ phần nào nên chưa có giải pháp rốt ráo. Hơn nữa, địa điểm cũ không đảm bảo diện tích theo quy định, nên trong quy hoạch chung của huyện, trường sẽ phải xây dựng mới tại khu dân cư phía tây thị trấn Ái Nghĩa. Ngay sau khi UBND thị trấn có tờ trình, ngày 22.6.2015, lãnh đạo UBND huyện Đại Lộc đã thống nhất chủ trương đầu tư xây dựng mới tại địa điểm đã quy hoạch. Vốn thực hiện từ nguồn khai thác quỹ đất khu vực Trường Mầm non Ái Nghĩa cũ, xin tỉnh hỗ trợ và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác. Chủ tịch UBND thị trấn - ông Hứa Văn Hùng cho hay, địa phương đã tiến hành các thủ tục liên quan, đồng thời làm tờ trình xin kinh phí hỗ trợ từ các cấp, các đơn vị, cá nhân hảo tâm. Dự kiến tổng kinh phí triển khai khoảng 15 tỷ đồng, nhưng hiện nay chưa nhận được nguồn lực chắc chắn nào. Nếu bây giờ có đủ vốn làm giai đoạn 1, rồi di chuyển học sinh qua điểm mới, địa phương có thể khai thác quỹ đất tại vị trí cũ (dự kiến 5 tỷ đồng) để tiếp tục đầu tư.

Được biết, sau khi nhận được các văn bản từ phía địa phương và Sở Xây dựng, ngày 11.12.2015, UBND tỉnh ban hành thông báo thỏa thuận địa điểm xây dựng trường tại khu dân cư phía tây, thuộc địa bàn khu 2 với diện tích 7.000m2. Thời gian hiệu lực của thông báo là 12 tháng, kể từ ngày ký thông báo đến khi thực hiện hoàn thành các thủ tục đất đai và đầu tư xây dựng. Như vậy, thời hiệu thi hành của thỏa thuận địa điểm không còn bao lâu nữa, nhưng khâu triển khai đầu tư đang gặp bế tắc về nguồn lực. “Việc xây dựng mới Trường Mầm non Ái Nghĩa là vô cùng cấp thiết, còn là nơi dùng tránh trú mùa mưa bão, đúng với nguyện vọng của nhân dân. Nhưng kinh phí nêu trên vượt khả năng của địa phương. Nếu không có sự hỗ trợ từ cấp trên, chúng tôi cũng “lực bất tòng tâm” - ông Hùng trăn trở.

CÔNG TÚ (Báo Quảng Nam)

Tin mới đăng

Xem nhiều nhất