CHÀO MỪNG CÁC BẠN ĐẾN VỚI TRANG TTĐT TRUNG TÂM VĂN HÓA - THỂ THAO VÀ TRUYỀN THANH - TRUYỀN HÌNH HUYỆN ĐẠI LỘC

Hôm nay:19/05/2024

BÀI HỌC PHÁT HUY SỨC MẠNH ĐẠI ĐOÀN KẾT TOÀN DÂN TỘC - NHÌN TỪ CÁCH MẠNG THÁNG TÁM-1945

          Ngay từ khi mới thành lập (1930), Đảng Cộng sản Việt Nam đã xác định rõ: Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng nhân dân. Muốn đưa Cách mạng thắng lợi phải đoàn kết cho được toàn dân trong một Mặt trận thống nhất, dựa trên cơ sở liên minh công nông vững chắc, dưới sự lãnh đạo của giai cấp công nhân. Tiếp sau Mặt trận dân chủ Đông Dương, Mặt trận dân tộc thống nhất phản đế Đông Dương, ngày 19-5 –1941, theo sáng  kiến của lãnh tụ yêu nước Nguyễn Ái Quốc, Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh( gọi tắt là Mặt trận Việt Minh) chính thức ra đời, phất cao cờ đỏ sao vàng kêu gọi toàn dân đánh Pháp, đuổi Nhật cứu nước, cứu nhà. Từ đấy, toàn bộ phong trào chống phát xít Pháp, Nhật của nhân dân ta mang tên là phong trào Việt Minh- cái tên tiêu biểu cho lòng yêu nước, chí khí quật cường của dân tộc ta, cái tên đầy ý nghĩa động viên tinh thần dân tộc và thể hiện rõ chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc.

Ngày 2/9/1945 Bác Hồ đọc Bản Tuyên ngôn độc lập tại Vườn hoa Ba Đình (Hà Nội). Ảnh tư liệu

          Khác với các Mặt trận trước đó, Mặt trận Việt Minh được đặt trong phạm vi dân tộc Việt Nam  chứ không đặt chung cho toàn thể Đông Dương. Điều này đã phát huy mạnh mẽ tinh thần dân tộc của nhân dân ta. Mặt khác, đã phá tan được âm mưu của kẻ thù hòng chia rẽ dân tộc Việt Nam với các dân tộc láng giềng trên bán đảo Đông Dương  (Khơ- me, Lào), tạo điều kiện cho các dân tộc đó tập hợp được lực lượng để kề vai sát cánh với dân tộc Việt Nam chống kẻ thù chung là đế quốc, thực dân, phát xít và bè lũ tay sai của chúng ở mỗi nước.

          Với cương lĩnh đúng đắn thể hiện tinh thần dân tộc và dân chủ, Mặt trận Việt Minh đã đoàn kết được các đảng phái dân chủ, các đoàn thể quần chúng, các giai cấp trong nhân dân, các dân tộc đa số và thiểu số, các tôn giáo tạo thành một đội quân chính trị quần chúng mạnh mẽ cho cuộc khởi nghĩa giành chính quyền vào tháng 8-1945, lật nhào ách thống trị của thực dân, phát xít và phong kiến, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.

          Thành công của Mặt trận Việt Minh 74 năm trước bắt nguồn từ các yếu tố. Trước hết, đó là nhờ Đảng ta đã phân biệt rõ bạn và thù của cách mạng, đánh giá đúng đắn các giai cấp, các tầng lớp nhân dân và có chính sách phù hợp với nguyện vọng thiết thân và quyền vọng của quần chúng. Tháng 5- 1941, Hội nghị TW 8 của Đảng Cộng sản  Đông Dương xác định mâu thuẫn của dân tộc Việt Nam với bọn đế quốc pháp xít Pháp - Nhật là mâu thuẫn chủ yếu đòi hỏi phải được giải quyết một cấp bách. Hội nghị nhấn mạnh: “Trong lúc này quyền lợi của bộ phận, của giai cấp phải đặt dưới sự sinh tử, tồn vong của quốc gia, của dân tộc. Trong lúc này nếu không giải quyết được dân tộc giải phóng, không đòi được độc lập  tự do cho toàn thể dân tộc, thì chẳng những toàn thể quốc gia, dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận, giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được. Để phân hoá hơn nữa hàng ngũ của giai cấp địa chủ , Hội nghị khẳng định cần tiếp tục chủ trương tạm gác khẩu hiệu "cách mạng ruộng đất", chỉ tịch thu ruộng đất của bọn đế quốc và Việt gian và đề thêm khẩu hiệu “giảm tô, giảm tức, chia lại ruộng công, tiến tới thực hiện người cày có ruộng”. Ngay sau Hội nghị TW 8, ngày 6-6-1941, đồng chí Nguyễn Ái Quốc gửi thư kêu gọi: " Trong lúc này quyền lợi dân tộc giải phóng cao hơn hết thảy. Chúng ta phải đoàn kết lại đặng đánh đổ bọn đế quốc và bọn Việt gian, đặng cứu giống nòi ra khỏi nước sôi lửa bỏng", " Hỡi đồng bào yêu quý: Việc cứu nước là việc chung, ai là người Việt Nam đều kề vai gánh vác một phần trách nhiệm...".

          Thành công của Cách mạng Tháng Tám còn bắt nguồn từ việc Đảng ta có những hình thức tổ chức thích hợp và phong phú, động viên được tinh thần dân tộc của toàn dân, tạo điều kiện cho từng cá nhân yêu nước đều có thể đứng vào hàng ngũ Mặt trận, làm những công việc vừa sức mình để phục vụ Tổ quốc. Còn nhớ, tháng 12 năm 1941,Trung ương Đảng ra Chỉ thị về công tác tổ chức, trong đó nhấn mạnh: về tổ chức quần chúng, phải có nhiều hình thức tổ chức thích hợp với từng giai cấp, từng tầng lớp nhân dân và từng lứa tuổi. Cần phân biệt rõ tổ chức Đảng với tổ chức quần chúng: Đảng là một tổ chức gồm những người giác ngộ nhất, trung thành và  hăng hái nhất của giai cấp vô sản. Vì vậy tổ chức Đảng phải thật sự chặt chẽ, nghiêm ngặt, còn tổ chức quần chúng thì phải rộng rãi, nhẹ nhàng. Theo chủ trương trên, ngoài các đoàn thể cứu quốc (Hội công nhân cứu quốc, Hội nông dân cứu quốc, Hội phụ lão cứu quốc, Hội Thanh niên cứu quốc, Hội Phụ nữ cứu quốc, Hội Nhi đồng cứu quốc, Hội Văn hoá cứu quốc…), còn có nhiều tổ chức  quần chúng đơn sơ, không điều lệ, công khai để thu hút đông đảo quần chúng .

          Nét nổi bật trong Cách mạng Tháng Tám- 1945 là Đảng ta đã thực hiện quyền lãnh đạo của giai cấp công nhân đối với Mặt trận dựa trên cơ sở liên minh công nông vững chắc. Đảng xác định: Mặt trận thống nhất càng được mở rộng bao nhiêu thì Cách mạng càng có điều kiện cô lập kẻ thù  bấy nhiêu. Nhưng điều cốt yếu là mở rộng với những người đáng mở rộng và khối đoàn kết dân tộc rộng rãi phải do giai cấp công nhân lãnh đạo dựa trên cơ sở liên minh công nông vững chắc. Liên minh công nông là cơ sở đồng thời cũng là xương sống của Mặt trận dân tộc thống nhất chống chủ nghĩa đế quốc. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh:“Chỉ có khối liên minh công nông do giai cấp công nhân lãnh đạo mới có thể kiên quyết và triệt để đánh đổ các thế lực phản cách mạng, giành lấy và củng cố chính quyền của nhân dân lao động, hoàn thành nhiệm vụ lịch sử của cách mạng dân tộc dân chủ và tiến lên chủ nghĩa xã hội ”

          74 năm sau ngày Cách mạng Tháng Tám thành công, bài học về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vẫn đang được Đảng ta hết sức chú trọng. Nghị quyết Đại hội XII của Đảng khẳng định: “Đoàn kết toàn dân tộc là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam, là động lực và là nguồn lực to lớn trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Nền tảng bảo đảm cho đoàn kết toàn dân luôn bền vững là: “Lấy mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” làm điểm tương đồng; tôn trọng những điểm khác biệt không trái với lợi ích chung của quốc gia, dân tộc...”.Đối với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, yêu cầu đặt ra là cần phát huy đầy đủ vị trí, vai trò được Đảng ghi nhận trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011), được hiến định tại Điều 9 Hiến pháp năm 2013 và được cụ thể hóa trong Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015. Là bộ phận cấu thành của hệ thống chính trị, cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp cần không ngừng được củng cố, kiện toàn tổ chức, đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, đa dạng hóa các hình thức vận động, tập hợp đoàn kết các giai cấp, tầng lớp, dân tộc, tôn giáo và các thành phần trong xã hội; kịp thời tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến các tầng lớp nhân dân, nhằm tạo sự thống nhất nhận thức và hành động trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội; phát huy quyền làm chủ của các tầng lớp nhân dân, tăng cường đồng thuận xã hội; tham gia giám sát và phản biện xã hội; tập hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân để phản ánh, kiến nghị với Đảng, Nhà nước; tăng cường hoạt động đối ngoại nhân dân... Thông qua đó, tiếp tục góp phần tích cực vào những thành tựu chung của đất nước./.

Vân Trình

Tin mới đăng

Xem nhiều nhất