-
Lãnh đạo tỉnh thăm Nhà giáo ưu tú Đỗ Xuân Thưởng - 2024-11-22
Hôm nay:23/11/2024
KỶ NIỆM 74 NĂM CÁCH MẠNG THÁNG TÁM VÀ QUỐC KHÁNH 2/9
(02/9/1945-02/9/2019)
NGÀY HỘI ĐẠI ĐOÀN KẾT CÁC DÂN TỘC KINH - THƯỢNG Ở ĐẠI LỘC 74 NĂM TRƯỚC
Ngày 15.8.1945, phát xít Nhật đầu hàng Đồng Minh và Liên Xô vô điều kiện. Chớp lấy thời cơ "ngàn năm có một" này, Tỉnh ủy Quảng Nam quyết định phát động ngay toàn dân trong tỉnh nổi dậy khởi nghĩa mà không phải ngồi chờ Trung ương và Xứ uỷ cho chỉ thị.
Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người khởi xướng, xây dựng và hết lòng chăm lo cho khối đại đoàn kết toàn dân tộc (ảnh tư liệu)
Ở Đại Lộc, sau khi giành được chính quyền ở huyện lỵ (Đông Lâm, Đại Quang) và ở các tổng, xã vùng đồng bằng, Uỷ ban bạo động khởi nghĩa huyện nhanh chóng cử lực lượng đi hạ đồn Postes Six (Giằng) và đồn Bến Hiên, kết thúc trọn vẹn việc giành chính quyền trên địa bàn huyện (lúc bấy giờ, các vùng Hiên, Giằng thuộc huyện Đại Lộc).
Trong khí thế Cách mạng Tháng Tám thắng lợi, được sự hướng dẫn của ông Trần Tường (tức Trần Tiến) và các già làng, đồng bào dân tộc thiểu số ở Bến Hiên, Bến Giằng tổ chức đoàn biểu tình về xuôi mừng chính quyền về tay nhân dân.
Còn nhớ 3 năm trước đó, đã từng có chuyến về xuôi của đồng bào thiểu số gây chấn động dư luận bấy giờ. Chuyện là, năm 1942, phong trào đấu tranh chống bắt xâu ở miền núi Quảng Nam diễn ra quyết liệt. Các vị bô lão ở Bến Giằng họp và quyết định cử đoàn đại biểu gồm 10 bô lão, do Trgia dẫn đầu, đi gặp viên đồn trưởng đồn Postes Six đưa yêu cầu miễn xâu, được tự do đi lại mua bán với thương lái người Kinh. Đoàn đi đến đâu cũng được nhân dân đón tiếp trọng thị và xin đăng ký tham gia. Đến đồn Postes Six, số lượng người đã lên đến trên 100. Trgia quyêt định đi xuống Tòa Công sứ Pháp tiếp tục kêu kiện. Được thương lái Hà Nha ủng hộ ghe thuyền, 20 người tiêu biểu nhất của các làng đi Hội An. Trước sự đấu tranh kiên quyết của đồng bào, tên Công sứ Đuy-cơ-rê đã phải chấp nhận yêu sách, đồng thời hứa sẽ có ý kiến buộc tên đồn trưởng Postes Six chấm dứt việc mở các cuộc hành quân lên vùng cao, bắt dân đi xâu và ngăn trở việc mua bán giữa đồng bào dân tộc với thương lái Bến Giằng.
Trở lại với cuộc biểu tình sau Cách mạng Tháng Tám mà qui mô lớn hơn và mục đích cũng hoàn toàn khác trước. Sáng ngày 25.8.1945, đại biểu các làng đã có mặt ở Đầu Gò (tổng Phú Khê) để dự mít tinh. Tất cả đều mặc trang phục truyền thống dân tộc theo nghi thức lễ hội. Tại đây, các làng lâu nay vốn có hiềm khích, đã tạm gác hận thù, cùng nhau uống chung chén rượu đoàn kết và cùng chịu đi chung trong một đoàn biểu tình. Được sự chỉ đạo của Huyện ủy, nhân dân vùng xuôi cũng đã huy động 10 chiếc thuyền rước 200 đại biểu dân tộc xuôi dọc sông Vu Gia về tận nơi đón tiếp.
Đoàn biểu tình của các dân tộc thiểu số Hiên, Giằng lần lượt diễu hành qua Hà Tân, Hà Nha, Đông Lâm, Ái Nghĩa và Quảng Huế, giương cao cờ đỏ sao vàng cùng với ná, dụ, khiên; người đi đầu là Cónh Ngươn (người làng Pa Đhôr). Đoàn vừa diễu hành vừa hô khẩu hiệu:"Acoon Kinh, Acoon Cóh đoàn kết Đớơp Arập Nhật - Pháp zư càtiêc cruung" (Kinh Thượng đoàn kết chống giặc Nhật - Pháp giữ đất nước).
Tối ngày 25.8, cuộc liên hoan đoàn kết các dân tộc do Uỷ ban nhân dân Cách mạng lâm thời huyện Đại Lộc tổ chức tại cơ quan huyện. Đông đảo đồng bào Kinh đến chung vui cùng đoàn đồng bào dân tộc. Đồng chí Trần Hồng Chu, đại diện Uỷ ban phát biểu ý kiến, trong đó nêu rõ: "Đồng bào Kinh cũng như đồng bào Thượng đều có chung một nỗi khổ, cùng chịu ách áp bức của giặc Pháp, giặc Nhật, cho nên đồng bào ta phải đoàn kết, sống chết có nhau, cùng nhau đánh giặc, giữ gìn độc lập tự do".
Sau một ngày đêm giao lưu với nhiều hoạt động sôi nổi trên tinh thần đại đoàn kết, sáng ngày 26.8, Mặt trận Việt Minh huyện lưu luyến làm lễ tiễn đưa đoàn đại biểu đồng bào Hiên và Giằng về lại với núi rừng. Buổi tiễn đưa có hàng ngàn đồng bào Kinh tham dự với những lời nhắn nhủ ân tình, sâu sắc: "Đồng bào về giữ núi rừng, đoàn kết một lòng không để bọn phản động phá núi, phá rừng. Hễ thấy thực dân Pháp, phát xít Nhật vẫn còn ẩn náu nơi đâu thì bắt giao cho Việt Minh".
Hơn 7 thập kỷ đi qua, song ký ức về ngày hội đại đoàn kết các dân tộc Kinh- Thượng ở Đại Lộc được tổ chức sau Cách mạng Tháng Tám luôn sống động trong lòng người với những dấu ấn không thể phai mờ. Bởi, đây là lần đầu tiên trong lịch sử ở Quảng Nam mới có một cuộc hội ngộ Kinh- Thượng như vậy và cũng là lần đầu tiên mới có một cuộc biểu dương lực lượng của các dân tộc thiểu số trong khung cảnh hoà bình. Từ đây, mở ra một chương mới rất tốt đẹp cho mối quan hệ đoàn kết, gắn bó keo sơn giữa các dân tộc anh em cùng chung sống trên đất Quảng anh hùng. Sự kiện độc đáo trên cũng chứng tỏ rằng, chỉ có Cách mạng Tháng Tám do Đảng ta lãnh đạo mới tạo ra quyền bình đẳng thực sự và cung cấp cho cho các dân tộc thiểu số những khả năng mới để tham gia Cách mạng một cách tự nguyện, tự giác, gắn vận mệnh của mình với vận mệnh đất nước, quê hương./.
Vân Trình