CHÀO MỪNG CÁC BẠN ĐẾN VỚI TRANG TTĐT TRUNG TÂM VĂN HÓA - THỂ THAO VÀ TRUYỀN THANH - TRUYỀN HÌNH HUYỆN ĐẠI LỘC

Hôm nay:26/04/2024

HUỲNH NGỌC HUỆ - CON NGƯỜI CỦA TÀI NĂNG VÀ NHÂN CÁCH

KỶ NIỆM 105 NĂM NGÀY SINH ĐỒNG CHÍ HUỲNH NGỌC HUỆ (9/8/1914 – 9/8/2019)

HUỲNH NGỌC HUỆ - CON NGƯỜI CỦA TÀI NĂNG VÀ NHÂN CÁCH

          Huỳnh Ngọc Huệ cất tiếng khóc chào đời vào ngày 9.8.1914 tại làng Mỹ Hoà, tổng Mỹ Hoà (nay thuộc xã Đại Hoà, huyện Đại Lộc), một làng quê hiền hoà, thơ mộng - nơi hội tụ của hai dòng sông lớn của đất Quảng là Thu Bồn và Vu Gia. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo, từ thuở nhỏ, Huỳnh Ngọc Huệ là một cậu bé chăm học, chăm làm và rất thông minh.

Huỳnh Ngọc Huệ sinh năm 1914 tại làng Mỹ Hòa, tổng Mỹ Hòa (nay thuộc xã Đại Hòa, huyện Đại Lộc)

          Sau khi tốt nghiệp tiểu học, tháng 9.1934, Huỳnh Ngọc Huệ thi đỗ vào trường Kỹ nghệ thực hành Huế (nay là trường Công nhân kỹ thuật Thừa Thiên- Huế). Tốt nghiệp loại giỏi, ông đựơc nhà trường giữ lại làm giáo viên. Chính tại đây, ông được giác ngộ Cách mạng và trở thành một trong những hạt nhân của phong trào Cách mạng nhà trường và của thành phố Huế. Tháng 3.1938, Huỳnh Ngọc Huệ (cùng các đồng chí Tố Hữu, Đào Duy Zếnh) được cử vào Ban lãnh đạo Đoàn Thanh niên dân chủ Huế. Ông đã tham gia tổ chức diễn thuyết, lãnh đạo đấu tranh chống áp bức, đòi dân sinh dân chủ. Cuối năm 1939, Huỳnh Ngọc Huệ bị địch bắt. Trong gần 7 năm, dù bị giam cầm tại nhiều nhà lao: Đắk Lay, Đăktô, Thừa Phủ, Hoả Lò, Đà Nẵng ..., song ý chí chiến đấu và tấm lòng người cộng sản trong ông không hề phai mờ. Ở mỗi nơi, ông đều có những hình thức đấu tranh thích hợp, sáng tạo, kiên cường, thể hiện rõ sự mưu trí, thông minh, coi đấu tranh là lẽ sống của người chiến sĩ  cách mạng trong lao tù. Huỳnh Ngọc Huệ khẳng khái trả lời địch: "Tôi làm Cách mạng là để chống kẻ bóc lột, không có mục đích nào khác, dù các ông muốn bắn cũng thế thôi. Tôi tin rằng nếu tôi chết, thì sẽ có những người bị bóc lột khác đứng lên đấu tranh chống kẻ bóc lột". Nhà thơ Tố Hữu, người bạn tù thân thiết cùng tham gia vựơt ngục với Huỳnh Ngọc Huệ đầu năm 1942 nhớ lại: "...Trong những ngày gần gũi, làm việc với nhau ở Đăklay cũng như ở Huế, tôi được biết đồng chí Huỳnh Ngọc Huệ là một đồng chí có tinh thần Cách mạng kiên cường, tính tình trung hậu, chất phác, chân thành và ngay thẳng với đồng chí và bạn bè, là người cộng sản trung thành, mẫu mực....."

          Thoát khỏi nhà tù sau ngày Nhật đảo chính Pháp (9.3.1945), Huỳnh Ngọc Huệ trở lại ngay với phong trào Cách mạng, tích cực tham gia xây dựng lực lượng và tổ chức sản xuất vũ khí để chuẩn bị tổng khởi nghĩa (ngoài việc bí mật tổ chức sản xuất thô sơ và sửa chữa súng tại các công xưởng ở Đà Nẵng, ông còn lập xưởng sản xuất vũ khí tại nhà máy ươm tơ Giao Thuỷ - Đại Lộc). Những đóng góp của ông đã được Hội nghị Tỉnh ủy Quảng Nam họp vào tháng 5.1945 tại bến đò ông Đốc (nay thuộc thôn Vân Ly, xã Điện Hồng) ghi nhận và đánh giá cao. Cũng tại Hội nghị này, ông được tín nhiệm bầu bổ sung vào Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và được cử làm Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng, trực tiếp phụ trách Ban Công vận. Là người rất nhạy bén với thời cuộc, khi nghe tin Nhật đầu hàng Đồng Minh, từ Đà Nẵng ông đã nhanh chóng vào Tam Kỳ báo tin cho Hội nghị Tỉnh ủy - lúc này đang họp tại làng Bích Ngô- và cùng Tỉnh ủy đi đến một quyết định đúng đắn và có tính lịch sử: phát động ngay toàn dân vùng lên giành chính quyền mà không phải chờ chỉ thị của Trung ương và Xứ uỷ Trung kỳ. Ở Đà Nẵng, Huỳnh Ngọc Huệ đã cùng Ban Chấp hành  Mặt trận Việt Minh và Uỷ ban khởi nghĩa thành phố khôn khéo tập hợp lực lượng, biết cách trung lập hoá quân Nhật (lúc này có tới hơn 2000 lính Nhật đóng tại Đà Nẵng và Hoà Vang), lãnh đạo khởi nghĩa thắng lợi nhanh, gọn và không đổ máu. Ngày 28.8.1945, tại sân vận động Chi Lăng, thay mặt Thành bộ Việt Minh Đà Nẵng, trước đông đảo quần chúng nhân dân, ông tuyên bố xoá bỏ chính quyền bù nhìn của Nhật, thành lập chính quyền nhân dân.

          Sau Cách mạng Tháng Tám thành công, Huỳnh Ngọc Huệ đã chỉ đạo một số cán bộ kỹ thuật nghiên cứu chế tạo thành công súng tiểu liên Sten kiểu Pháp. Từ đây đưa đến sự hình thành các binh công xưởng Phan Đăng Lưu, Cao Thắng, rồi tiến đến thành lập các xưởng vũ khí QB140, QB 150, QB 160 và Hạ Lào  để trang bị vũ khí cho lực lượng vũ trang ta trong những năm đầu gian khó của cuộc kháng chiên trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược.

          Tháng 10.1945, Huỳnh Ngọc Huệ là Thường vụ Xứ uỷ Trung kỳ phụ trách Công vận, đựơc giao nhiệm vụ Thư ký Hội công nhân cứu quốc Trung bộ, Chủ nhiệm kiêm Thư ký toà soạn Báo "Tay thợ" và tham gia chuẩn bị thành lập Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam( với tư cách sáng lập viên), sau đó làm Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và là Uỷ viên Ban Chấp hành Liên hiệp Công đoàn thế giới. Năm 1946, ông được Mặt trận Việt Minh tỉnh QN-ĐN giới thiệu ra ứng cử đại biểu Quốc hội khoá I và đã trúng cử (cùng với 3 đại biểu khác đều là người Đại Lộc:  Lê Thị Xuyến, Trần Đình Thi, Trần Tống). Cuối năm ấy, Huỳnh Ngọc Huệ được giao thêm nhiệm vụ trực tiếp chuẩn bị chiến trường Quảng Nam - Đà Nẵng, đồng thời làm Chính uỷ Mặt trận này. Ông cũng được bầu làm Phó Bí thư Xứ uỷ Trung Kỳ. Cuối năm 1947, Huỳnh Ngọc Huệ trở lại làm Thư ký Liên hiệp Công đoàn Khu 5. Đầu năm 1949, ông được bầu Phó Bí thư Đảng uỷ Khu 5.

          Điều rất đáng trân trọng là dù ở đâu, làm việc gì Huỳnh Ngọc Huệ vẫn luôn thể hiện nhân cách cao đẹp của một con người. Nói về ông, bạn bè, đồng chí đều chung nhận định: "Ở anh cái  đẹp hội tụ toàn diện. Nếu là học sinh thì đó là một học sinh xuất sắc . Nếu là thầy giáo đó là người thầy kết hợp giữa lý thuyết với thực hành. Nếu là người thợ, là một người thợ vừa hồng vừa chuyên. Nếu là chiến sĩ, là một chiến sĩ kiên cường, không ngại hy sinh, gian khổ và nếu là người bạn, thì đó  là người bạn chân thành, nghĩa tình trọn vẹn". Thượng tướng Trần Văn Trà đã từng khẳng định: "Tôi thường đánh giá ngang nhau giữa hai đồng chí mà tôi yêu mến. Đó là đồng chí Huỳnh Ngọc Huệ và đồng chí Nguyễn Chí Thanh...Đồng chí Huỳnh Ngọc Huệ đối với tôi là người thầy, một đồng chí và là một người bạn rất thân thiết. Nếu tôi có đóng góp một phần nhỏ  cho đất nước, cho nhân dân, cho Đảng  thì tôi tin đó là nhờ một phần vào công ơn giúp đỡ, hướng dẫn, đào tạo  của đồng chí Huỳnh Ngọc Huệ mà tôi kính yêu suốt đời".

          Cuối tháng 4.1949, trong lúc chuẩn bị lên đường ra Việt Bắc nhận công tác mới, không may Huỳnh Ngọc Huệ bị nhiễm vi trùng uốn ván và qua đời ngày 27.4.1949 tại Quảng Ngãi trong niềm tiếc thương vô hạn của đồng chí, đồng bào, giữa lúc tài năng đang độ toả sáng. Cũng xin được nhắc lại, trước hôm mất, trong túi chỉ còn 300 đồng tín phiếu nhưng Huỳnh Ngọc Huệ đã gửi số tiền này cho người liên lạc cũ đang học lớp trung học bình dân ở Quảng Ngãi. Và, thật cảm động biết bao khi:

"Anh ra đi, tập vở dày đang đọc

Gia tài riêng: chồng sách ở đầu giường

Cùng giấy tờ xếp gọn trong rương

Hai bộ áo màu xanh vải thợ"

                                                          (Tưởng niệm - Lê Đào)

           Huỳnh Ngọc Huệ - "bông hoa Huệ quý" - như cách gọi trìu mến của bạn bè, đồng chí - luôn sống mãi cùng với tài năng và nhân cách một con người!

Vân Trình

Tin mới đăng

Xem nhiều nhất