CHÀO MỪNG CÁC BẠN ĐẾN VỚI TRANG TTĐT TRUNG TÂM VĂN HÓA - THỂ THAO VÀ TRUYỀN THANH - TRUYỀN HÌNH HUYỆN ĐẠI LỘC

Hôm nay:07/05/2024

Đổi thay ở vùng chiến khu xưa Thượng Đức

          Chiến tranh đã lùi xa, diện mạo vùng đất chiến khu xưa giờ đã có nhiều thay đổi, kinh tế - xã hội có những chuyển biến tích cực, an ninh lương thực đảm bảo, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, đời sống của người dân ngày càng được cải thiện và nâng cao. Đến nay, Đại Lãnh đã đạt 14/19 tiêu chí trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, số hộ gia đình nghèo còn 58 hộ, hộ cận nghèo 120 hộ. Cơ sở hạ tầng ở Đại Lãnh đã được quan tâm đầu tư đáng kể. Qua 6 năm triển khai xây dựng NTM, Đại Lãnh đã huy động tổng nguồn vốn đạt trên 6,2 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách tỉnh, TW là 5,5 tỷ đồng; ngân sách huyện 320.000 triệu đồng; vốn ngân sách xã và nguồn nhân dân đóng góp 345.000 triệu đồng. Từ vùng đất mang trên mình vết thương chiến tranh năm xưa, Đại Lãnh hôm nay đã thay da đổi thịt. Xen giữa màu xanh của rừng và những thửa ruộng đang thì con gái là những ngôi nhà nồng mùi sơn mới. Bà Trương Thị Thu Thủy, thôn Tịnh Đông Tây, xã Đại Lãnh phấn khởi nói: Cái ngày mới giải phóng thì không được như bây giờ, nhà cửa còn thô sơ, đường xá thì chỉ có những con đường mòn để người ta đi bằng xe be, xe thồ để đi vào rừng để lấy cây. Nhưng sau ngày giải phóng, nhân dân và nhà nước cùng làm thành ra bây giờ xây dựng nhiều con đường mà ở xa họ vẫn đổ bê tông, đổ nhựa để vào tới vườn, tới rẫy. Đời sống bà con bây giờ, nhà cửa sửa sang, nhà nghỉ san sát, gần gủi với nhau, bà con ở đây sống rất tốt. Theo tôi thấy bây giờ, cuộc sống mỗi ngày càng đi lên, đối với xã hội cũng vậy. Bà con nhân dân ở đây rất là phấn khởi vì cuộc sống đã có cái tự do, thỏa mái nhiều.

          Xác định cơ cấu kinh tế của xã chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, xã tập trung đưa cơ giới hóa vào sản xuất; đẩy mạnh đầu tư thâm canh, sử dụng các giống cây, con có giá trị, năng suất cao; ứng dụng tiến bộ khoa học- kỹ thuật vào sản xuất... Bên cạnh đó, xã khuyến khích phát triển sản xuất tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, thương mại, ưu tiên phát triển chế biến nông lâm sản và đẩy mạnh liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm,… thu hút và tạo việc làm cho nhiều lao động tại chỗ. Đến nay, trên địa bàn xã có 120 cơ sở sản xuất, chế biến nguyên vật liệu; 234 hộ tham gia hoạt động thương mại, dịch vụ nhỏ và vừa phục vụ nhu cầu của nhân dân địa phương và các vùng lân cận. Đi đôi với phát triển kinh tế, các hoạt động thông tin, văn hóa, thể thao trong xã luôn được duy trì và phát triển. Việc cưới, việc tang, lễ hội, mừng thọ được tổ chức trang trọng, tiết kiệm. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn được giữ vững... Đồng chí Ngô Xuân Yến, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Đại Lãnh cho biết: Những năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương đã đẩy mạnh công tác lãnh đạo, chỉ đạo tập trung phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới. Cuộc sống của người dân trong xã đã được cải thiện cả về vật chất và tinh thần. Đến nay, tỉ lệ hộ nghèo của địa phương giảm còn 2,47% ( vào cuối năm 2018); thu nhập bình quân đầu người đạt 36,16 triệu đồng/ người/ năm; tỉ lệ lao động có việc làm thường xuyên chiếm 4228 người đạt 73.84%.

          Nhìn lại chặng đường đã qua, càng tự hào về sự hy sinh anh dũng của các thế hệ đi trước, Đảng bộ và nhân dân Đại Lãnh càng ý thức hơn trách nhiệm của mình, chung sức, chung lòng, vượt qua mọi khó khăn thách thức, xây dựng Đại Lãnh ngày càng khởi sắc đi lên./.

X.Trinh

Tin mới đăng

Xem nhiều nhất