-
Lãnh đạo tỉnh thăm Nhà giáo ưu tú Đỗ Xuân Thưởng - 2024-11-22
Hôm nay:22/11/2024
Theo Quyết định số 270/QĐ-UBND của UBND huyện Đại Lộc ngày 10.3.2014 phê duyệt Quy hoạch tổng thể mặt bằng khu chợ Đại Hiệp (Đại Lộc) trên diện tích tổng thể 6.651m2. Theo đó, khu TM-DV chợ Đại Hiệp sẽ bao gồm: khu phố thương mại với 38 công trình trên diện tích hơn 3.000m2. Trung tâm thương mại - dịch vụ gồm 1 công trình với diện tích gần 895m2. Nhà lồng chợ 514,2m2, chợ ngoài trời 616,4m2, bãi xe máy, đường giao thông, vỉa hè, cây xanh - thảm cỏ với diện tích 272,8m2…Tuy nhiên, nhiều tháng qua, dù chợ Đại Hiệp mới đã được xây dựng hoàn chỉnh, song chưa thể bố trí tiểu thương vào bởi đa phần tiểu thương tỏ ra bất bình, chê chợ mới…
Tìm hiểu vấn đề này, chúng tôi được biết việc khá đông tiểu thương chợ Đại Hiệp xôn xao, bất bình, không chịu vào chợ Đại Hiệp mới vừa được xây dựng để kinh doanh, buôn bán đã diễn ra nhiều tháng qua. Theo ý kiến của phần đông tiểu thương sở dĩ bà con không chịu vào chợ mới vì không đồng tình với yêu cầu của nhà đầu tư thông báo trước đó là mỗi tiểu thương phải nộp 10 triệu đồng tiền giữ chỗ và tăng tiền thu phí chợ lên 500.000 đồng/tháng, trong khi lâu nay họ chỉ phải đóng tiền thuế hằng tháng từ 35- 40.000 đồng. “Chợ của dân, của nhà nước, người dân chúng tôi chỉ nộp thuế cho nhà nước. Nguyên nhân chính khiến chúng tôi không muốn vào chợ mới là bởi lẽ nhà đầu tư (Công ty Đại Phúc Gia) đã xây chợ không đúng quy cách và không phù hợp với chợ truyền thống. Chợ mới lại nằm quá xa quốc lộ, nằm sau lưng các dự án và nền nhà được công ty phân lô, khuôn viên không thông thoáng, quá sát nhà dân, việc tụ họp buôn bán sẽ vô cùng khó khăn, ô nhiễm môi trường là không tránh khỏi” - bà Đinh Thị Bích Hoa, một tiểu thương đã có 30 năm buôn bán tại chợ bộc bạch.
Không kém vẻ bức xúc, tiểu thương Huỳnh Thị Mỹ Hạnh cũng lên tiếng: “Chợ cũ lâu nay xuống cấp quá rồi, nếu chỉ nâng cấp chợ cũ đáp ứng nhu cầu buôn bán, mua sắm của người dân thì không nói gì. Hoặc giả sử có triển khai dự án gì đi nữa thì nhà đầu tư và địa phương cũng cần tính toán bố trí chợ mới ở vị trí thông thoáng, thuận tiện hơn chứ không thể dồn ép vào khu trong cùng nhỏ hẹp để nhường đất cho những dự án đắc địa”…
Theo ý kiến người dân thì toàn bộ khuôn viên đất chợ Đại Hiệp cũ từng là khu đất do 7 hộ dân trên địa bàn xã hiến để lập chợ nông thôn phục vụ dân sinh. Bà con bất bình vì đất do dân hiến để xây chợ, nhưng nay người dân lại không được buôn bán trên mảnh đất này mà lại do doanh nghiệp xẻ năm xẻ bảy.
Trao đổi với chúng tôi Ông Đỗ Thanh Cảng, PCT UBND xã Đại Hiệp khẳng định “việc xây dựng khu thương mại - dịch vụ chợ Đại Hiệp là chủ trương lớn, chương trình tạo điểm nhấn của xã. Phát triển khu thương mại hợp với Nghị quyết 125 của HĐND tỉnh. Đây là chợ hạng 3 nằm trong khu dân cư được quy hoạch phù hợp với nông thôn mới, Việc xây dựng nông thôn mới cần sự đồng thuận của nhân dân, song ở đây tiểu thương quá cố chấp. Chợ cũ vốn nhếch nhác, mất an toàn thực phẩm, ô nhiễm môi trường, gây mất trật tự an toàn giao thông vì quá sát đường tỉnh lộ, việc xây chợ mới hoàn toàn phù hợp với mục tiêu phát triển chung. Ngoài ra, chính quyền xã Đại Hiệp còn cho biết “ Việc nhà thi công bố trí khuôn viên chợ tương đối hẹp, khoảng cách giữa các ki ốt và lối đi cũng tương đối chật là chính xác gây ảnh hưởng cho việc buôn bán của người dân và không phù hợp với chợ truyền thống như bà con phản ánh…Tuy nhiên, chính quyền xã Đại Hiệp cũng đã nhắc nhở, yêu cầu nhà đầu tư cải thiện cho đúng quy cách, thuận lợi để bà con buôn bán và phía nhà đầu tư đã khắc phục. Không có chuyện nhà đầu tư quản lý chợ, mà khi chợ mới được bàn giao cho UBND xã, phía UBND xã sẽ quản lý, tiểu thương chỉ có nghĩa vụ đóng thuế cho nhà nước với mức phí 1,2 triệu đồng/năm, tức 35.000 đồng/người/tháng. Còn việc bà con phàn nàn việc thu phí giữ chỗ do doanh nghiệp yêu cầu, địa phương đã sớm chấn chỉnh việc này, doanh nghiệp đã cam kết chấp hành.
Xác định việc xây dựng chợ là phù hợp với chủ trương của Đảng và nhà nước nhằm thay đổi diện mạo NTM của xã nhà nên UBND xã Đai Hiệp đã phối hợp cùng các ban ngành đoàn thể tổ chức tuyên truyền vận động cho người dân, đặc biệt là các tiểu thương để họ hiểu được những chủ trương, đường lối của Đảng, nhà nước. "Chính quyền sẽ có những biện pháp tuyên truyền và phải hoàn tất việc phải đưa cho được người dân vào chợ để hoàn thành tiêu chí số 7 và người dân phải hiểu rằng chợ ở đây là chợ của toàn dân chứ không phải chợ của tiểu thương" ông Cảng chia sẻ.
Có thể nói, bắt đầu thực hiện chương trình xây dựng Nông thôn mới từ năm 2011 đến nay sau 3 năm triển khai từ sự đồng lòng của ban ngành lãnh đạo và toàn thể nhân dân đến nay xã Đại Hiệp đã cơ bản hoàn thành 19/19 tiêu chí đề ra, bộ mặt nông thôn, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên rõ rệt, hầu hết các con đường đều được bê tông hóa, nhà cửa khang trang, sạch sẽ, đời sống người dân ấm no và hạnh phúc. Đó là sự thành công, một sự cố gắng của cả một hệ thống chính trị.
Bích Liễu