CHÀO MỪNG CÁC BẠN ĐẾN VỚI TRANG TTĐT TRUNG TÂM VĂN HÓA - THỂ THAO VÀ TRUYỀN THANH - TRUYỀN HÌNH HUYỆN ĐẠI LỘC

Hôm nay:19/05/2024

TỪ CHIẾN THẮNG THƯỢNG ĐỨC ĐẾN ĐẠI THẮNG MÙA XUÂN 1975

KỶ NIỆM 45 NĂM CHIẾN THẮNG THƯỢNG ĐỨC (07/8/1974 - 07/8/2019)

TỪ CHIẾN THẮNG THƯỢNG ĐỨC ĐẾN ĐẠI THẮNG MÙA XUÂN 1975

          Ngày 06 tháng 6 năm 1974, tại sở chỉ huy Sư đoàn 304 đặt ở khu vực ngầm sông Bung, trên trục đường số 14, Thượng tướng Chu Huy Mân, Tư lệnh Quân khu 5 giao nhiệm vụ cụ thể cho Sư đoàn 304 đánh Thượng Đức - một cụm cứ điểm kiên cố vững chắc án ngữ vòng ngoài ở phía Tây Nam căn cứ liên hợp hải lục không quân khổng lồ Đà Nẵng của địch. Đồng chí nhấn mạnh: "Chiến dịch này phải thắng cả về quân sự và chính trị. Quân sự là diệt gọn quân địch, chính trị là giải phóng và bảo đảm đời sống cho hơn một vạn dân".

          Chi khu quận lỵ Thượng Đức nằm trên một địa bàn rất hiểm yếu, ba bề là núi cao có nhiều dốc dựng đứng, phía Đông bằng phẳng lại là nơi hợp lưu của hai dòng sông Côn và Vu Gia nước sâu chảy xiết. Sông và núi bao bọc Thượng Đức tạo ra một vị trí chốt điểm cực kỳ lợi hại. Lợi dụng triệt để thế hiểm yếu của địa hình, địch tập trung xây dựng chi khu quận lỵ Thượng Đức thành một vị trí phòng thủ mạnh để bảo vệ chi khu quận lỵ Ái Nghĩa và thành phố Đà Nẵng từ xa. Tại đây, chúng có một hệ thống giao thông hào liên hoàn cùng 35 lô cốt bê tông cốt thép nửa chìm, nửa nổi, nhiều công sự có nắp và một hệ thống nhà hầm và hầm ngầmkiên cố. Mọi hoạt động của bọn sĩ quan chỉ huy lúc xảy ra tác chiến đều trong hầm ngầm. Khu thông tin, chỉ huy pháo binh, bệnh viện, kho đều nằm sâu trong lòng đất. Ngoài ra, địch còn thiết lập nhiều hỏa điểm bí mật, bãi mìn dày đặc. Quanh khu trung tâm Thượng Đức còn có tới 7 lớp hàng rào rộng từ 60 - 70 mét.

Trung đoàn phó Trung đoàn 66 (Sư đoàn 304) Phạm Xuân Thệ (bìa bên phải, người cầm súng ngắn) cùng các chiến sĩ Sư đoàn 304 trong lực lượng thọc sâu của Quân đoàn 2 đánh chiếm Dinh Độc Lập bắt tổng thống Dương Văn Minh và thủ tướng Vũ Văn Mẫu ra Đài phát thanh Sài Gòn tuyên bố đầu hàng.

                Địa hình bố trí phòng thủ của địch chia thành từng cụm cứ điểm liên hoàn với 3 tiền đồn A, B, C ở các điểm cao phía Tây và Tây Bắc. Lực lượng của địch ở Thượng Đức gồm có tiểu đoàn 79 biệt động quân biên phòng, 2 đại đội bảo an, 1 đại đội cảnh sát dã chiến, 16 trung đội vũ trang và bộ máy chính quyền quân và các tổ chức đảng phái phản động. Quân số của chúng vào thời điểm chiến đấu lên đến 1.600 tên, được trang bị hỏa lực khá mạnh. Ngoài lực lượng tại chỗ, yểm trợ cho Thượng Đức còn có các trận địa pháo ở Núi Lở, Ái Nghĩa và khu vực lân cận. Khi động binh địch có thể huy động hàng chục lượt máy bay chiến đấu trên một ngày từ Đà Nẵng lên chi viện. Sư đoàn 3 và sư đoàn dù của ngụy cũng có thể tăng cường cho Thượng Đức khi cần. Bên cạnh đó, địch còn dồn trên 13.000 dân ở các xã Lộc Bình, Lộc Vĩnh, Lộc Ninh vào Hà Tân làm lá chắn bảo vệ vòng ngoài nhằm chống lại các cuộc tấn công, pháo kích của ta.

          Với những ưu thế về địa hình và lực lượng quân sự mạnh như vậy, căn cứ quân sự Thượng Đức thật sự là một trở ngại lớn cho các cuộc tấn công của quân ta. Trong những năm 1969, 1970, ta đã tổ chức đánh chi khu quận lỵ Thượng Đức nhưng không thành công. Và, sau mỗi lần ta đánh, địch lại tăng cường phòng ngự kiên cố hơn. Vì vậy, địch chủ quan, huênh hoang cho rằng, nơi đây là bất khả xâm phạm (!). Tổng thống ngụy quyền Sài Gòn Nguyễn Văn Thiệu đã từng tặng cho Thượng Đức cái tên khá mỹ miều: "Mắt ngọc của đầu rồng", còn tên tỉnh trưởng Quảng Nam mệnh danh Thượng Đức là "Cánh cửa thép của Quảng Nam - Đà Nẵng". Chúng công khai thách thức: "Bao giờ nước sông Vu Gia chảy ngược thì Việt Cộng mới lấy được Thượng Đức".

          Đúng như kế hoạch, sau thời gian chuẩn bị khẩn trương của quân và dân ta, vào lúc 5 giờ ngày 29/7/1974 hai phát pháo hiệu xanh đỏ vút lên không trung và tín hiệu "bão táp" được truyền đi các hướng: Chiến dịch Thượng Đức (mang mật danh K.711) bắt đầu. Với bản chất ngoan cố, cậy vào địa thế hiểm yếu và hệ thống phòng thủ kiên cố, địch điên cuồng chống trả. Qua 3 ngày chiến đấu, mặc dù đã chiếm được một số vị trí nhưng bộ đội ta vẫn chưa tiến sâu vào trung tâm chỉ huy của địch. Trước tình thế khó khăn này, sư đoàn 304 lệnh cho trung đoàn 66 ngừng tiến công và chuyển sang phòng ngự giữ bàn đạp đã chiếm, củng cố lực lượng chuẩn bị tổ chức đợt tiến công mới.

          Quyết tâm tiêu diệt hoàn toàn cứ điểm Thượng Đức, sáng ngày 06/8/1974, bộ đội ta tiếp tục đồng loạt tiến công các mục tiêu. Đúng 8 giờ 30 phút ngày 07/8/1974, lá cờ Cách mạng của Đảng bộ và nhân dân Quảng Đà trao cho Sư đoàn 304 tung bay phất phới giữa chi khu quận lỵ, chính thức báo tin vui: Thượng Đức hoàn toàn giải phóng ! Cánh cửa thép bảo vệ vòng ngoài Đà Nẵng của địch bị mở toang ! Hơn 13.000 dân được giải phóng khỏi ách kèm kẹp suốt mấy chục năm trời.

Chi khu quận lỵ Thượng Đức bị quân ta đánh chiếm ngày 7/8/1974

          Mất Thượng Đức là một đòn nặng cả về quân sự lẫn tâm lý đối với địch. Chính vì vậy, Bộ tổng tham mưu ngụy quyết định điều phần lớn sư đoàn dù từ Quảng Trị vào Quảng Đà mở cuộc hành quân tái chiếm Thượng Đức. Ngày 08/8/1974, sư đoàn dù đến Đà Nẵng. Tại đây, sư đoàn trưởng sư dù hung hăng tuyên bố trước các nhà báo: Sẽ đánh bật lực lượng ta ra khỏi vùng Đại Lộc trong tháng 8/1974 và "nếu không tái chiếm được Thượng Đức thì xin thượng cấp giải tán sư đoàn dù" (!)

          Cũng xin được nhắc lại rằng, với quân đội ngụy Sài Gòn, sư đoàn dù là lực lượng tổng dự bị chiến lược số 1. Trong tiền lệ hành quân giải tỏa, sư đoàn này thường được chi viện tối đa về hỏa lực. Bản thân nó có 75 khẩu pháo từ 105 đến 155 ly, bắn mỗi ngày 3.000 viên đạn. Binh lính sư đoàn dù được bọn chỉ huy mua chuộc bằng vật chất, kích động về tâm lý "đàn anh" và "chỉ có chiến thắng" nên rất hung hăng, kiêu ngạo.

          Về phía ta, trước việc địch điều động lực lượng tổng dự bị chiến lược "vào cuộc", Bộ Tổng tham mưu đã giao nhiệm vụ cho Quân đoàn 2 phải giữ vững khu vực Thượng Đức mới giải phóng, đánh bại cuộc hành quân "tái chiếm Thượng Đức" của sư đoàn dù; tuyệt đối không được để thành tiền lệ là "quân dù đi đến đâu là giải tỏa được đến đó". Đại tướng Văn Tiến Dũng, Tổng Tham mưu trưởng chỉ thị: "Việc giữ Thượng Đức và đánh bại quân dù đi giải tỏa có một ý nghĩa chính trị, quân sự lớn đối với địch cũng như đối với ta. Vì vậy, vấn đề nóng bỏng của quân đoàn hiện nay là Thượng Đức. Phải tìm mọi cách làm suy yếu, giam chân quân dù trên chiến trường này càng lâu càng tốt, suốt cả mùa Xuân năm 1975 để tạo điều kiện cho các nơi khác hoạt động".

          Như vậy, mặt trận Thượng Đức đã trở thành nơi đọ sức giữa lực lượng chủ lực cơ động của ta phối hợp cùng lực lượng tại chỗ với lực lượng tổng dự bị động viên của địch.

          Cuộc chiến đấu gian khổ và ác liệt diễn ra suốt 4 tháng trời, bắt đầu từ ngày 16/8/1974. Địch cậy có lợi thế về pháo binh, máy bay cộng với quân số đông nên liên tục lấn dũi giành giật với ta từng điểm cao, đặc biệt là ở điểm cao 1062 suốt trong tháng 10 và tháng 11. Vượt lên sự thiếu thốn về vũ khí, lương thực, kiên cường chịu đựng thời tiết khắc nghiệt (mưa nhiều), với tinh thần quả cảm và quyết tâm cao, các lực lượng của ta đã làm phá sản chiến thuật "lấn dũi" của địch, tiêu diệt và bắt sống gần 5.000 tên địch. Các tiểu đoàn dù 2, 3, 9 của địch bị tiêu diệt, các tiểu đoàn còn lại đều bị đòn đau. Ngày 20/12/1974, sư đoàn dù mình đầy thương tích nhục nhã tháo chạy khỏi chiến trường. Kế hoạch "tái chiếm Thượng Đức" của địch bị thất bại hoàn toàn.

          Viết về chiến thắng Thượng Đức, trong hồi ký "Những năm tháng quyết định", Đại tướng Hoàng Văn Thái nhận định : "... Cùng với Nông Sơn, Trung Phước và các hướng khác, việc quân ta tiêu diệt Thượng Đức và đánh bại các đợt phản kích của sư đoàn dù cơ động, xương sống của ngụy, cho phép khẳng định : Lực lượng so sánh trên chiến trường đã thay đổi, quân ta có thể tiến công địch trong công sự kiên cố, diệt cụm cứ điểm quận lỵ địch và giữ được mục tiêu mới chiếm ... Điều có thể khẳng định là chủ lực cơ động của ta đã hơn hẳn chủ lực cơ động của địch. Kết luận đó có liên quan không nhỏ đến quyết tâm chiến lược của ta ...".

          Đại tướng Văn Tiến Dũng cũng cho biết : "... Từ trận Thượng Đức này và các trận tiêu diệt quân chủ lực địch ở Chư Nghé, Đắc Pét ở Tây Nguyên ... Bộ Tổng tham mưu đi đến nhận định và báo cáo với Quân ủy Trung ương : Khả năng chiến đấu của bộ đội chủ lực cơ động củ ta đã hơn hẳn quân chủ lực cơ động của địch. Chiến tranh đã bước vào giai đoạn cuối, so sánh lực lượng đã thay đổi, ta mạnh lên, địch yếu đi. Do đó, ta có thể cần phải chuyển từ đánh nhằm tiêu diệt sinh lực địch là chính, sang đánh chẳng những tiêu diệt địch mà còn nhằm giải phóng nhân dân và giữ đất; từ chỗ quân chủ lực ta lấy tiêu diệt quân chủ lực địch trên chiến trường rừng núi là chủ yếu sang tiêu diệt và giải phóng nhân dân, giải phóng đất ở cả vùng giáp ranh, đồng bằng và thành phố" (1).

          Nhận định trên là hết sức quan trọng, là cơ sở để các Hội nghị Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp vào tháng 10 năm 1974 và tháng 01/1975 đi đến thống nhất nhận định có tính chiến lược rằng : "... So sánh lực lượng địch - ta trên phạm vi cả nước cũng như trên chiến trường miền Nam đã có những chuyển biến cơ bản, rõ rệt có lợi cho Cách mạng, ta đã mạnh hơn địch ... Chúng ta đang đứng trước thời cơ chiến lược lớn, chưa bao giờ ta có điều kiện đầy đủ về quân sự và chính trị như hiện nay để hoàn thành Cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, để tiến tới hòa bình thống nhất Tổ quốc"

          Trên cơ sở phân tích đúng đắn và khoa học đó, Hội nghị quyết định: "Động viên nỗ lực lớn nhất của toàn Đảng, toàn dân ở cả hai miền, trong thời gian 1975 - 1976, đẩy mạnh đấu tranh quân sự và đấu tranh chính trị kết hợp với đấu tranh ngoại giao làm thay đổi nhanh chóng và toàn diện so sánh lực lượng trên chiến trường miền Nam theo hướng có lợi cho ta, tiến hành rất khẩn trương và chuẩn bị mọi mặt, khi điều kiện chín muồi, tiến hành tổng công kích - tổng khởi nghĩa, tiêu diệt và làm tan rã ngụy quân, đánh đổ ngụy quyền từ trung ương đến địa phương, giành chính quyền về tay nhân dân". Đồng thời, Hội nghị nhấn mạnh : Ngoài kế hoạch chiến lược cơ bản hai năm 1975 - 1976, phải ra sức chuẩn bị về mọi mặt để "khi thời cơ lịch sử đến vào đầu hoặc cuối năm 1975 thì lập tức tập trung lực lượng của cả nước giải phóng miền Nam ngay trong năm 1975"

          Lịch sử sau đó đã diễn ra đúng như vậy. Chỉ trong vòng chưa đầy hai tháng, cuộc tổng tiến công và nổi dậy của quân và dân ta trong mùa Xuân 1975 đã Đại thắng, kết thúc 21 năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước vô cùng gian khổ nhưng vĩ đại, Nam - Bắc sum họp một nhà.

Vân Trình

 
 

Tin mới đăng

Xem nhiều nhất