CHÀO MỪNG CÁC BẠN ĐẾN VỚI TRANG TTĐT TRUNG TÂM VĂN HÓA - THỂ THAO VÀ TRUYỀN THANH - TRUYỀN HÌNH HUYỆN ĐẠI LỘC

Hôm nay:19/05/2024

Vai trò to lớn của quân và dân Đại Lộc trong chiến thắng Thượng Đức

                                                                                                          Nguyễn Thị Tuyết

          Sau Hiệp định Paris (tháng 01/1973) nhưng địch ngoan cố không thực hiện những điều khoản đã ký kết. Chúng thực hiện phương châm “lấn chiếm và bình định” nhằm khôi phục lại tầm ảnh hưởng ở miền Nam Việt Nam. Ở Đại Lộc lúc bấy giờ, chính quyền ngụy tăng cường lực lượng quân sự và trang bị vũ khí đẩy nhanh mưu đồ “tái chiếm” ở các xã vùng B, một phần các xã vùng A. Tính đến cuối tháng 5/1973, chúng đã hoàn thành kế hoạch lấn chiếm 7 xã vùng B Đại Lộc và một số vùng lân cận quận lỵ Thượng Đức, quận lỵ Ái Nghĩa. Chúng thành lập nhiều chốt điểm nhằm kiểm soát địa bàn dân cư và hoạt động của lực lượng cách mạng trên địa bàn huyện. Đồng thời, mở nhiều đợt tấn công, càn quét hòng đánh bật lực lượng cách mạng huyện Đại Lộc ra khỏi vùng giải phóng.

          Thực hiện sự chỉ đạo của Trung ương và khu V, Ban Thường vụ Đặc khu ủy Quảng Đà ra Chỉ thị 57 với nhiệm vụ chủ yếu là đánh bại lấn chiếm bình địch của địch, giành giữ dân, mở rộng quyền làm chủ, vận động nhân dân về quê cũ sinh sống để làm chỗ dựa cho phong trào cách mạng, tăng cường đấu tranh chính trị… Từ đầu năm 1974 đến giữa năm 1974,  dưới sự chỉ đạo của Đảng bộ, quân và dân Đại Lộc đã đánh bại nhiều cuộc càn quét, hành quân của địch, thúc đẩy phong trào cách mạng huyện nhà phát triển mạnh mẽ, sôi nổi hơn.

          Phát huy những thắng lợi trong chiến dịch Hè 1974, thực hiện chủ trương của cấp trên, Bộ Tư lệnh Quân khu V tổ chức 4 khu vực tác chiến của bộ đội chủ lực trong đợt hoạt động Thu 1974, trong đó có Thượng Đức. Đây là chi khu quân sự được Mỹ- ngụy xây dựng thành một căn cứ quân sự vô cùng kiên cố với hệ thống hầm ngầm bằng bê tông cốt thép, với lực lượng quân đội đông đảo và trang thiết bị, vũ khí hiện đại. Thượng Đức được coi là tiền đồn để bảo vệ vòng ngoài của căn cứ quân sự chiến lược Đà Nẵng, đồng thời có tác dụng ngăn chặn hành lang vận chuyển của ta từ tuyến đường Trường Sơn xuống đồng bằng theo đường sông Vu Gia và theo đường bộ 14B.

          Thực hiện chủ trương của Đặc khu ủy Quảng Đà, đồng chí Phan Thanh Thủ- Bí thư Huyện ủy Đại Lộc tham gia Ban Chỉ huy mặt trận Thượng Đức. Để đảm bảo bí mật cho chiến dịch, đồng chí Bí thư Huyện ủy trực tiếp giao nhiệm vụ cho các ngành, các đơn vị của huyện. Thời điểm đó, tất cả các ban, ngành, Mặt trận- đoàn thể của huyện đều nhận lệnh trực tiếp từ Bí thư và đều phấn đấu hết mình hoàn thành nhiệm vụ.

          Lực lượng vũ trang huyện làm nhiệm vụ trinh sát dẫn đường, phối hợp với bộ đội chủ lực trong thời gian chuẩn bị chiến dịch Thượng Đức, đồng thời có nhiệm vụ đánh vòng ngoài, ngăn chặn đường rút lui của địch. Chỉ huy trưởng các đơn vị lực lượng vũ trang đều lên kế hoạch cụ thể, phân công nhiệm vụ cho từng cán bộ, chiến sĩ. Được cấp trên động viên, khích lệ, ai cũng hăng hái chiến đấu với niềm tin vào ngày chiến thắng không xa. Lực lượng An ninh của huyện được giao nhiệm vụ nắm tình hình địch ở Thượng Đức như bộ máy chính quyền, số lượng dân ở các khu dồn… đồng thời làm nhiệm vụ bảo vệ bí mật cho việc mở đường vào Thượng Đức của bộ đội ta.  Các ban, ngành, Mặt trận và các đoàn thể của huyện cũng được phân công phụ trách nhiều việc như kéo pháo, tải đạn, dẫn đường, vận chuyển lương thực, vận động và đưa dân ra khỏi các khu dồn khi quân ta tấn công địch, ổn định tình hình ăn ở của nhân dân, vận động nhân dân tham gia đánh địch, chặn đường rút chạy của địch…

          Các xã vùng C, vùng B của huyện được phân công sẵn sàng tiếp viện cho các lực lượng tham gia trong chiến dịch Thượng Đức và chặn đường rút lui của địch ở hai hướng là Quốc lộ 14B và đường qua các xã vùng B.

          Để chuẩn bị cho chiến dịch Thượng Đức, huyện Đại Lộc đã huy động 300 người bao gồm nhân dân, dân quân, du kích của các xã ven Thượng Đức giúp bộ đội chủ lực vận chuyển pháo lên điểm cao. Do trọng lượng pháo quá lớn, nhân dân đã có sáng kiến dùng song mây làm ròng rọc kéo pháo lên đồi. Bên cạnh đó, quân và dân Đại Lộc còn huy động hàng ngàn ngày công, ngày đêm làm đường để tạo thuận lợi cho quá trình đánh chiếm Thượng Đức; đồng thời vận chuyển khoảng 13 tấn hàng hóa, vũ khí, đạn được phục vụ cho chiến dịch. Nhân dân còn đưa đò, chèo thuyền chở cán bộ, bộ đội tập kết đến những mục tiêu của chiến dịch.

          Các hội, đoàn thể của huyện được phân công tập trung di tản dân khỏi vùng tranh chấp khi quân ta nổ súng đánh Thượng Đức. Thực hiện chủ trương đó, các hội, đoàn thể đã vận động nhân dân ở quận lỵ Thượng Đức di dời đến nơi an toàn. Nhiều người dân lúc đó chưa chưa thực sự tin tưởng vào lực lượng của ta, có hộ còn kiên quyết không chịu di dời. Song, các hội, đoàn thể của huyện đã kiên trì vận động, thuyết phục để nhân dân kịp thời di dời. Việc di dân được thực hiện vào ban đêm để đảm bảo tính mạng cho nhân dân cũng như cho lực lượng làm nhiệm vụ.

Bộ đội huyện Đại Lộc được phân công đánh địch ở các thôn 12, 13, 14, 15 xã Lộc Bình (nay là xã Đại Lãnh). Khi tiếp nhận lệnh cấp trên, chỉ huy lực lượng bộ đội địa phương đã quán triệt nhiệm vụ hàng đầu và quan trọng đến từng chiến sỹ, đó là bảo vệ tính mạng và tài sản của dân; thực hiện tốt chính sách đối với tù binh, hàng binh và đảm bảo giữ bí mật tuyệt đối kế hoạch tác chiến.

          5 giờ sáng ngày 29/7/1974, Sư đoàn 304 mà chủ công là Trung đoàn 66 nổ súng tiến công Thượng Đức. Lúc này, lực lượng bộ đội địa phương cũng tấn công địch ở vùng ngoại vi. Ngay trong đêm ngày 30/7/2014, bộ đội địa phương đã phối hợp cùng các lực lượng khác của huyện đưa gần một vạn dân ở  các thôn 12, 13, 14, 15 xã Lộc Bình vượt qua làn pháo bắn cầm canh của địch, theo đường khe Sông Cùng và đường Gò Trao lên Hiệp (Hiên). Cánh Lộc Vĩnh, ta đưa gần một vạn dân lên Đầu Gò, Thạnh Mỹ, Thác Cạn. Được sự giúp đỡ của các huyện bạn, nhân dân Đại Lộc được ổn định chỗ ở.

          Sau đợt đầu tiến công Thượng Đức không thành công, bộ đội chủ lực chuyển sang chiến thuật “bao vây đánh lấn”. Kết hợp với bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương huyện Đại Lộc đã đánh bật địch ra khỏi các thôn 12, 13, 14, 15 xã Lộc Bình. Trong khi quân chủ lực ta tiếp tục tiến công Thượng Đức, huyện nhà đã chỉ đạo cho lực lượng thanh niên, nông dân xã Lộc Vĩnh (Đại Hồng hiện nay) tổ chức đóng cọc, ngăn sông làm vật cản trên sông Vu Gia nhằm ngăn chặn đường rút chạy của địch. Hàng chục tên địch bị bắt sống khi tìm cách vượt sông Vu Gia tháo chạy về Đà Nẵng. Lực lượng ở các xã Lộc Bình, Lộc Vĩnh cũng tích cực phối hợp cùng bộ đội địa phương nhận dạng địch khi địch có ý định trà trộn vào nhân dân để trốn chạy.

          Bên cạnh đó, các lực lượng du kích và nhân dân ở các địa phương khác trên địa bàn huyện cũng chuẩn bị tinh thần sẵn sàng chiến đấu, ngăn chặn quân tiếp viện của địch, nhằm phân tán lực lượng địch không cho quân tiếp viện tiếp cận Thượng Đức.

          Tham gia mặt trận Thượng Đức, quân và dân huyện Đại Lộc đã diệt và bắt sống 205 tên địch, trong đó bắt sống được 3 mâm tề ngụy ở 3 xã Lộc Bình, Lộc Ninh, Lộc Vĩnh gồm 81 tên (trong đó có 3 tên xã trưởng, 15 ấp trưởng). Đây là chiến công lớn của lực lượng bộ đội địa phương và nhân dân huyện nhà trong một chiến dịch có ý nghĩa to lớn không chỉ với huyện Đại Lộc mà còn có ý nghĩa đối với cả tỉnh Quảng Nam. 

          Chiến thắng Thượng Đức là chiến thắng vang dội của quân đội ta trong đó có những đóng góp không hề nhỏ của quân và dân Đại Lộc. Đây không chỉ là chiến thắng có ý nghĩa quân sự mà còn là chiến thắng của niềm tin vào nhân dân, vào sự đoàn kết keo sơn gắn bó, vào nghĩa tình quân dân bền chặt. Chắc chắn rằng, các thế hệ con em Đại Lộc hiện nay và mai sau sẽ luôn tự hào về Chiến thắng Thượng Đức, về tình nghĩa đoàn kết vốn có từ lâu đời của quê hương Đại Lộc anh hùng./.

Tin mới đăng

Xem nhiều nhất