-
Lãnh đạo tỉnh thăm Nhà giáo ưu tú Đỗ Xuân Thưởng - 2024-11-22
Hôm nay:22/11/2024
Chương trình OCOP – Hướng đi hiệu quả trong phát triển nông nghiệp, nông thôn Đại Lộc
X.Trinh
Với mục tiêu đưa các sản phẩm chủ lực ở nông thôn vươn xa và có chỗ đứng trên thị trường, thời gian qua huyện Đại Lộc đã tích cực triển khai thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, gọi chung là (OCOP). Chất lượng đảm bảo, nguồn gốc rõ ràng, an toàn vệ sinh môi trường, phạm vi phân phối rộng… là những tiêu chí mà huyện ta đang tập trung để nâng cao chất lượng các phẩm OCOP của địa phương.
Năm 2018, Đại Lộc có 1 sản phẩm tiêu biểu đại diện cho địa phương tham gia chương trình bình chọn OCOP cấp tỉnh là Bánh tráng Đại Lộc của HTX Nông nghiệp Ái Nghĩa. Kết quả, sản phẩm Bánh tráng Đại Lộc được công nhận và xếp hạng 4 sao.
Từ kinh nghiệm của năm đầu tiên tham gia bình chọn sản phẩm OCOP, bước sang năm 2019 huyện Đại Lộc xác định rõ chủ trương: Không chạy đua số lượng mà tập trung nâng cao chất lượng; các sản phẩm khi tham gia cần phải đảm bảo đầy đủ 3 nhóm tiêu chí gồm sức mạnh cộng đồng, khả năng tiếp thị và chất lượng sản phẩm. Để Chương trình OCOP đạt hiệu quả cao hơn, ngay từ đầu năm 2019, huyện Đại Lộc đã tổ chức hội nghị triển khai một cách đồng bộ và sâu rộng cho 18 xã, thị trấn trên địa bàn. Cũng trong năm này, Đại Lộc có 3 sản phẩm công, nông nghiệp tham gia bình chọn sản phẩm OCOP gồm: Gạo an toàn Ái Nghĩa của HTX Nông nghiệp Ái Nghĩa, Hương trầm Kỳ Nam của Tổ hợp tác Kỳ Nam Đại Đồng và Nấm Sò Đại Hiệp của HTX Tân Phú Quý. Tất cả các sản phẩm tham gia đều đạt sản phẩm OCOP 3 sao. Ông Nguyễn Văn Quang, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cho biết: Điều thuận lợi trong chương trình OCOP qua các năm là hầu hết các đơn vị đều đã định hình được hệ thống các sản phẩm chủ lực, thế mạnh với những đặc trưng riêng của địa phương mình. 100% đơn vị đã hoàn thành việc xây dựng lộ trình phát triển cho sản phẩm và đăng ký tham gia bình chọn sản phẩm OCOP các cấp. Mục tiêu mà huyện đặt ra hằng năm là có ít nhất 2 sản phẩm đạt 3 sao và 1 sản phẩm thăng hạng 4 sao. Để thực hiện được mục tiêu này, điều tiên quyết đó là cần phải chú trọng nâng cao chất lượng của các sản phẩm.
Trên cơ sở đó, bên cạnh việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền về lợi ích, ý nghĩa và cơ hội mà chương trình OCOP mang lại, mở rộng các hoạt động quảng bá giới thiệu sản phẩm, huyện Đại Lộc đã tổ chức nhiều lớp tập huấn chuyên sâu về chương trình OCOP cho các chủ thể sản xuất, Giám đốc HTX như: Tập huấn phát triển sản phẩm OCOP; kỹ năng phát triển thị trường cho sản phẩm… Thường xuyên tổ chức các buổi khảo sát thực tế quá trình sản xuất và hướng dẫn trực tiếp tại từng cơ sở; tiến hành hỗ trợ cho các sản phẩm, ý tưởng có tiềm năng; khuyến khích và tạo mọi điều kiện cho các chủ thể đầu tư mở rộng quy mô, đẩy mạnh ứng dụng khoa học - kỹ thuật tiên tiến vào quá trình sản xuất. Đồng thời, tích cực đồng hành với các chủ thể trong xây dựng thương hiệu cũng như suốt quá trình hoàn thiện hồ sơ đăng ký tham gia chương trình OCOP.
Là năm đầu tiên tham gia bình chọn OCOP, sản phẩm Chè BanCha An Bằng của HTX Đại Thạnh Phát đã được biết đến với danh hiệu sản phẩm nông nghiệp đạt chuẩn 3 sao trong tốp đầu của tỉnh năm 2020. Để đảm bảo các yêu cầu và chuẩn bị kỹ càng các điều kiện tham gia chương trình OCOP, HTX Đại Thạnh Phát đã chủ động đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, ứng dụng nhiều loại máy móc thiết bị vào sản xuất và xây dựng được chiến lược phát triển thị trường có hiệu quả. Cùng với hỗ trợ của các cấp, ngành, HTX đã đầu tư thêm gần 500 triệu đồng để mua sắm các loại máy móc, trang thiết bị phục vụ sản xuất, kinh doanh… Hiện nay, trung bình mỗi tháng HTX Đại Thạnh Phát cung cấp ra thị trường trên 100 kg chè khô, tương đương 1.000 gói Chè BanCha An Bằng, thu về cho HTX 60 triệu đồng. Ông Ngô Văn Chi, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX chia sẻ: Năm 2020, sản phẩm chè Bancha An Bằng được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao. Với khẩu hiệu: “Chất liệu tạo nên thương hiệu”, HTX chúng tôi với quyết tâm đưa sản phẩm này đến tay người tiêu dùng bằng chất lượng tuyệt đối. Sản phẩm chúng tôi cam kết sạch 100%, không thuốc trừ sâu, không phân bón hóa học. Tin rằng, sản phẩm của chúng tôi sẽ mở rộng thị trường tiêu thụ, tiến xa hơn nữa.
Không chỉ Chè BanCha An Bằng mà năm 2020, có 7 sản phẩm tiêu biểu khác cũng được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao trở lên gồm: Dầu phụng an toàn Đại Thắng, Đại Hồng; Bột ngũ cốc Hồng An; Ổ Qua rừng sấy khô Đại Lộc Phát; Trà Bí đao Phương Vân; Nấm Bào ngư tím; Ổi an toàn Hồ Lộc. Nhờ chú trọng nâng cao chất lượng, các sản phẩm OCOP của huyện năm 2020 được Hội đồng OCOP tỉnh đánh giá cao.
Sau gần 3 năm triển khai thực hiện chương trình OCOP, huyện Đại Lộc đã thu hút trên 20 hồ sơ sản phẩm đăng ký tham gia. Trong đó có 12 sản phẩm đã được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao trở lên và khẳng định được uy tín trên thị trường, nhất là Bánh tráng Đại Lộc, Hương trầm Kỳ Nam, Nấm Sò, Dầu Phụng, Chè Bancha An Bằng,… Ông Trương Cảm, Giám đốc HTX Nông nghiệp Ái Nghĩa cho biết: Khi mà Bánh tráng Đại Lộc chưa xây dựng thương hiệu thì đầu ra rất yếu. Sau khi HTX chọn sản phẩm này tham gia Chương trình OCOP năm 2018 và đã được công nhận 4 sao thì sản phẩm này tiêu thị rất mạnh. Từ đầu ra rất thấp, đến nay các siêu thị lớn của các tỉnh thành trong cả nước liên hệ với chúng tôi để tham gia vào các siêu thị sạch.
Từ những thành công đạt được bước đầu trong triển khai Chương trình OCOP, nhận thức của cán bộ và người dân trên địa bàn huyện về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc phát triển các sản phẩm OCOP được nâng lên. Nhiều sản phẩm truyền thống, sản phẩm thế mạnh của địa phương đang được hoàn thiện theo quy chuẩn; một số sản phẩm tạo được vị thế vững chắc trên thị trường. Đây là nền tảng vững chắc để Chương trình OCOP trở thành hướng đi hiệu quả trong phát triển nông nghiệp, nông thôn Đại Lộc trong những năm đến./.