CHÀO MỪNG CÁC BẠN ĐẾN VỚI TRANG TTĐT TRUNG TÂM VĂN HÓA - THỂ THAO VÀ TRUYỀN THANH - TRUYỀN HÌNH HUYỆN ĐẠI LỘC

Hôm nay:22/11/2024

Đại Lộc đầu tư hạ tầng giao thông chiến lược

Dành nguồn lực, đồng thời tranh thủ sự hỗ trợ của cấp trên, huyện Đại Lộc đang từng bước tập trung đầu tư để phát triển hạ tầng giao thông mang tính chiến lược, kết nối liên vùng.

Nhà thầu Công ty CP Đầu tư và xây dựng 501 thi công đường dẫn cầu Xuân Nam. Ảnh: CT

Nhà thầu Công ty CP Đầu tư và xây dựng 501 thi công đường dẫn cầu Xuân Nam. Ảnh: CT

Nỗ lực đầu tư

Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, nhiều công trình cầu, đường qua địa bàn huyện Đại Lộc đã được tỉnh bố trí nguồn vốn đầu tư nâng cấp, mở rộng hoặc xây dựng mới, góp phần khơi mạch giao thông mang tính chất liên vùng. Điển hình là việc nâng cấp, mở rộng một số đoạn tuyến trên các tỉnh lộ (ĐT) gồm ĐT609, ĐT609B hay đường huyện (ĐH) như tuyến ĐH3.ĐL. Đặc biệt, cầu Giao Thủy hoàn thành đưa vào sử dụng đã kết nối thông suốt quốc lộ (QL) 14H với ĐH609B, QL14B ra Đà Nẵng và ngược lại, liên hoàn các huyện Nông Sơn - Duy Xuyên - Đại Lộc với Đà Nẵng.

Trên tuyến ĐT609, đã xây mới 2 cây cầu Quan Âm và Ái Nghĩa để tháo “nút thắt cổ chai”. Tỉnh đã và đang tiếp tục cho nâng cấp, mở rộng tuyến ĐT609 đoạn qua 2 xã Đại Lãnh và Đại Hưng; cùng với đó là cải tạo bề mặt tuyến ĐT609B đoạn ngã ba Đại Hiệp - ngã ba Hòa Đông, mở đường kết nối ĐT609B tại ngã ba Hòa Đông ra giáp QL14B.

Trên tuyến ĐH3.ĐL, qua khỏi cầu Quảng Huế, người tham gia giao thông có thể lựa chọn rẽ về phía trái để đi vào tuyến ĐH6.ĐL. Cung đường nối liền 2 xã Đại Cường và Đại Thắng này chạy gần sát bờ sông, ven đó là hàng tre xanh ôm phía bên trái tuyến tạo cho khung cảnh làng quê thêm thơ mộng, tỏa bóng mát rượi lúc trời nắng. Đến cuối đường ĐH6.ĐL, phương tiện muốn hướng về xã Đại Thạnh, nơi có chợ Bến Dầu nổi tiếng mặt hàng chè An Bằng, dầu rái… một cách nhanh nhất có thể đi tiếp theo tuyến ĐH7.ĐL.

Tuy nhiên, cả hai tuyến giao thông gần như liên hoàn vừa nêu đều chung một hạn chế khi cầu Khe Gai (ĐH6.ĐL) và cầu Xuân Nam (ĐH7.ĐL) xuống cấp, bề rộng nhỏ hẹp khiến 2 ô tô không thể đi ngược chiều qua cầu. Trước tình trạng trên, ông Đoàn Ngọc Quang - Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc cho hay, được sự hỗ trợ của tỉnh, địa phương đã quyết tâm dành nguồn lực để đầu tư xây dựng mới cả hai cầu nhằm thay thế cầu cũ. Qua đây tăng cường năng lực vận tải của ĐH6.ĐL và ĐH7.ĐL, đảm bảo giao thông thông suốt, phục vụ chạy lũ, cứu hộ cứu nạn, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, kết nối các xã vùng B với trung tâm huyện lỵ Đại Lộc.      

Ưu tiên công trình trọng điểm

Ông Đoàn Ngọc Quang cho biết, các công trình giao thông đang và chuẩn bị triển khai trên địa bàn do huyện Đại Lộc làm chủ đầu tư đều mang tính trọng tâm, trọng điểm. Trong đó, tổng mức đầu tư cầu Khe Gai gần 22 tỷ đồng (ngân sách tỉnh gần 20 tỷ đồng) và cầu Xuân Nam 24 tỷ đồng (ngân sách tỉnh 15 tỷ đồng). Hai cây cầu đều rộng 8m, gồm phần xe chạy rộng 7m và gờ lan can mỗi bên rộng 0,5m. Huyện cũng làm chủ đầu dự án xây dựng công trình cầu Hội Khách - Tân Đợi có tổng mức 140 tỷ đồng (ngân sách tỉnh 98 tỷ đồng); đường giao thông từ tuyến ĐH3.ĐL, địa bàn xã Đại An đi trung tâm hành chính huyện Đại Lộc tổng mức 60 tỷ đồng (ngân sách tỉnh 54 tỷ đồng).

Ngoài ra, dự án đường tránh phía tây Ái Nghĩa đã được phê duyệt với tổng mức đầu tư 100 tỷ đồng (ngân sách tỉnh 70 tỷ đồng). Với dự án cầu Hội Khách - Tân Đợi, địa phương đã thực hiện xong các thủ tục liên quan, đang chuẩn bị đấu thầu để triển khai thi công. Khi hoàn thành, cây cầu này sẽ đảm bảo an toàn vào mùa mưa lũ, tạo kết nối vùng thông qua QL14B và ĐT609, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giải bài toán giảm nghèo bền vững của xã Đại Sơn nói riêng và vùng A nói chung.

Để tiếp tục tháo gỡ những điểm nghẽn trong “mạch máu” lưu thông trên địa bàn, địa phương mong muốn tỉnh kéo dài các đề án kiên cố hóa mặt đường ĐH, kiên cố mặt đường giao thông nông thôn. Theo ông Trần Văn Mai - Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc, cử tri địa phương mong tỉnh quan tâm đầu tư cải tạo, xây dựng các cây cầu trên tuyến ĐT609, gồm cầu Lộc Mỹ, Ba Khe 1, Ba Khe 2, Ba Khe 3 và Hà Tân hiện trạng chật hẹp, thấp lụt và đang xuống cấp nặng. Vẫn tuyến ĐT609, nhân dân kiến nghị cần bổ sung nâng cấp, mở rộng nền mặt đường, xây dựng cầu Bà Làng và hệ thống thoát nước đoạn từ cầu Hà Tân (km37+407) đến cầu Bà Làng (km37+712) để đảm bảo an toàn giao thông, khớp nối hoàn chỉnh toàn tuyến. Làm hệ thống thoát nước đoạn qua xã Đại Quang (tại km20+330), xã Đại Đồng (km26+650-km27+250) để khi trời mưa không bị ngập nước nghiêm trọng, ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân.

Cạnh đó, ngành chức năng cho kiểm tra, tiến hành nạo vét, khơi thông hệ thống hố ga, cống thoát nước các tuyến đường Hùng Vương, Nguyễn Tất Thành (thuộc ĐT609) qua thị trấn Ái Nghĩa bị ứ đọng nước gây bốc mùi hôi thối. Sau khi cầu Giao Thủy đưa vào khai thác, mật độ lưu thông trên tuyến ĐT609B đoạn từ thôn Giao Thủy đến thôn 4 (xã Đại Hòa) đông đúc, gây mất an toàn giao thông, huyện kiến nghị cấp trên áp dụng các giải pháp nhằm đảm bảo an toàn, tránh gây thiệt hại về người và tài sản của nhân dân.

 CÔNG TÚ (báo quảng nam)

Tin mới đăng

Xem nhiều nhất