CHÀO MỪNG CÁC BẠN ĐẾN VỚI TRANG TTĐT TRUNG TÂM VĂN HÓA - THỂ THAO VÀ TRUYỀN THANH - TRUYỀN HÌNH HUYỆN ĐẠI LỘC

Hôm nay:16/09/2024

Đại Lộc tái cơ cấu nông nghiệp

Kế thừa thành quả thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2014-2016, năm 2017 huyện Đại Lộc quyết tâm tiếp tục triển khai đề án, góp phần đưa thêm 3 xã về đích nông thôn mới theo mục tiêu đề ra.

Đồng bộ giải pháp

Ông Hồ Ngọc Mẫn - Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc thông tin, để tạo sức bật cho ngành nông nghiệp từ việc triển khai Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, địa phương đã tập trung triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Huyện thực hiện nhiều chính sách khuyến khích phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa tập trung, an toàn dịch bệnh. Khuyến khích nâng số lượng và chất lượng tổng đàn gia súc, gia cầm cũng như đẩy mạnh ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm tạo giống vật nuôi mới, chất lượng cao. Khâu quy hoạch vùng chăn nuôi tập trung được chú trọng, với 17/18 xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã quy hoạch khu chăn nuôi tập trung trên tổng diện tích hơn 600ha. “Sau khi các địa phương hoàn thành quy hoạch, UBND huyện có cơ chế hỗ trợ, tạo điều kiện cho nông dân, doanh nghiệp đầu tư xây dựng vùng chăn nuôi tập trung, chủ yếu ở các xã Đại Tân, Đại Chánh, Đại Hiệp, Đại Hồng… Đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp liên kết, duy trì phát triển trang trại chăn nuôi heo thịt với sản lượng 2.000 - 8.000 con/năm. Mục tiêu đưa giá trị, tỷ trọng của ngành chăn nuôi bằng với trồng trọt tại địa phương” - ông Mẫn nói.

Một gia trại chăn nuôi heo bản địa tại xã Đại Sơn. Ảnh: H.LIÊN
Một gia trại chăn nuôi heo bản địa tại xã Đại Sơn. Ảnh: H.LIÊN

Qua 3 năm triển khai đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, cơ cấu giá trị sản xuất trong nội bộ ngành nông nghiệp của Đại Lộc có sự chuyển dịch tích cực. Đáng nói, trong cùng lĩnh vực trồng trọt, diện tích trồng cây lúa nước hàng năm giảm còn 8.700ha, diện tích cây nguyên liệu, cây thức ăn chăn nuôi và chế biến dầu thực vật tăng lên đáng kể; tổng đàn gia súc, gia cầm tăng 8,2%… Ông Mẫn cho biết, bên cạnh thúc đẩy chăn nuôi phát triển, huyện đã và đang tập trung khuyến khích phát triển kinh tế rừng, đặc biệt là cây keo - một trong những thế mạnh của Đại Lộc. Nếu trước đây việc trồng keo được định hướng cung ứng cho thị trường dăm gỗ thì nay định hướng phát triển rừng gỗ lớn cung ứng cho thị trường chế biến đồ gỗ vốn có giá trị cao và luôn được ưa chuộng. Ông Mẫn cho rằng: “Người dân cần đầu tư giống mới để nâng chất lượng và tỷ trọng từ rừng như giống keo lai, keo nuôi cấy mô, keo giâm hom, kết hợp chăn nuôi với trồng keo. Để giúp bà con có thêm thu nhập dưới tán rừng, huyện đang khảo sát tiềm năng trồng cây dược liệu dưới tán rừng”.

Liên kết sản xuất

Tính đến năm 2016, Đại Lộc đã xây dựng được 14 trang trại chăn nuôi gia cầm, 2 trang trại chăn nuôi heo thịt có giá trị thu nhập hơn 1,5 tỷ đồng/năm. Toàn huyện có 26 gia trại chăn nuôi gia súc, 86 gia trại chăn nuôi gia cầm và thủy cầm, 6 gia trại chăn nuôi cá lồng bè trên lòng hồ… Trong năm 2016, có 14 HTX thực liên kết sản xuất với tổng diện tích hơn 1.800ha, trong đó sản xuất 1.283ha giống lúa thuần, 300ha lúa lai F1, 300ha đậu xanh xuân hè… Năm 2017, Đại Lộc phấn đấu đạt giá trị sản xuất nông nghiệp hơn 1.255 tỷ đồng (tăng trưởng 4,5% so với năm 2016), trong đó cơ cấu giá trị ngành chăn nuôi phấn đấu đạt 36% trong nội bộ ngành nông nghiệp; thu hút 1 - 2 dự án đầu tư vào nông nghiệp; phấn đấu đưa 3 xã Đại Nghĩa, Đại Thắng và Đại Quang về đích nông thôn mới.

Nhiều năm qua, Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Ái Nghĩa là đơn vị điển hình trong khâu liên kết với doanh nghiệp và xã viên sản xuất cây lúa giống, lúa lai F1 theo hướng hàng hóa với diện tích quy hoạch hàng trăm héc ta. Vụ đông xuân 2016-2017, HTX tổ chức sản xuất lúa lai F1 trên diện tích 142ha, lúa thuần 35ha và 10ha sản xuất gạo an toàn ngoài lúa ăn. Trong số 142ha sản xuất lúa lai F1, diện tích lúa lai 3 dòng chiếm 65ha (kết thúc xuống giống đầu tháng 1.2017), cây lúa lai 2 dòng 77ha (bắt đầu 15.2 xuống giống). Ông Trương Cảm - Chủ tịch HĐQT HTX Nông nghiệp Ái Nghĩa cho hay, năm 2017 HTX tiếp tục liên kết sản xuất với 5 doanh nghiệp vốn là những đơn vị đã nhiều năm liên kết khá tốt, có tiềm lực mạnh. Bên cạnh vùng sản xuất lúa giống, HTX cũng quy hoạch vùng sản xuất gạo an toàn, đẩy mạnh thu mua gạo thương phẩm cung ứng cho thị trường. Tuy nhiên, ông Trương Cảm cho rằng, dù việc liên kết sản xuất đã giúp xã viên hưởng lợi, nâng cao thu nhập, song mô hình này còn gặp khó khăn. Nhất là việc đất sản xuất nông nghiệp vốn có hạn, lại manh mún, nhỏ lẻ, không tập trung, dẫn đến khó ứng dụng khoa học kỹ thuật, đưa cơ giới hóa vào khâu sản xuất lẫn thu hoạch; trong khi đó, lực lượng lao động tham gia sản xuất thiếu hụt... Vậy nên, bài toán tích tụ ruộng đất ở Đại Lộc hiện nay rất cấp thiết.

Trao đổi về vấn đề trên, ông Hồ Ngọc Mẫn cho hay, năm 2017 Đại Lộc sẽ thực hiện 1 đến 2 khu vực tích tụ ruộng đất, kêu gọi, thu hút doanh nghiệp tham gia. Có hai hướng tích tụ ruộng đất đang được nghiên cứu. Một là, HTX làm đơn vị trung gian thuê đất của dân rồi cho doanh nghiệp thuê lại, đây là hướng thuận lợi nhất. Hướng thứ hai là Nhà nước sẽ đứng ra thuê đất của dân, sau đó giao cho doanh nghiệp thuê lại, bìa đỏ đất đai do Nhà nước quản lý, thời hạn thuê đất hơn 20 năm. “Muốn làm được phải có doanh nghiệp vào. Vùng tích tụ ruộng đất sẽ chỉ chuyên sâu một số sản phẩm chính. Nông dân có thể làm công và được doanh nghiệp chuyển giao kỹ thuật, định hướng phát triển sản phẩm. Chỉ ưu tiên đối với doanh nghiệp có nhu cầu tổ chức sản xuất và kết nối sản phẩm. Huyện đang thỏa thuận địa điểm tại xã Đại Sơn, thu hồi đất giao cho doanh nghiệp chăn nuôi bò sinh sản, bò thịt với quy mô 2.000 - 4.000 con” - ông Mẫn thông tin.

HOÀNG LIÊN (Báo Quảng Nam)

Tin mới đăng

Xem nhiều nhất