CHÀO MỪNG CÁC BẠN ĐẾN VỚI TRANG TTĐT TRUNG TÂM VĂN HÓA - THỂ THAO VÀ TRUYỀN THANH - TRUYỀN HÌNH HUYỆN ĐẠI LỘC

Hôm nay:22/11/2024

Phát triển ngành nông nghiệp ở huyện Đại Lộc

ụ đông xuân 2016 - 2017, ngành nông nghiệp Đại Lộc đứng trước nhiều rủi ro, thách thức lớn, song địa phương đã nỗ lực vượt khó, ổn định sản xuất, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật nhằm tăng giá trị, sản lượng.

Vượt khó, ổn định sản xuất

Vụ đông xuân năm nay, hàng nghìn héc ta hoa màu trên địa bàn huyện Đại Lộc  chịu ảnh hưởng nặng nề bởi hai đợt lũ trái mùa đã được khôi phục, màu xanh đã trở lại trên các cánh đồng nhờ sự nỗ lực vượt khó của chính quyền và người dân địa phương. Vụ mùa này, toàn huyện có diện tích đất màu trên 3.800ha, cơ bản đã được nông dân gieo trồng hết, dù năng suất sẽ thấp do tác động của lũ lụt, thời tiết xấu. Một số vùng trũng, đất thịt nặng vẫn chưa thể xuống giống do đất còn ướt.  Ông Trần Quốc Khánh - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Đại Lộc cho biết, những vùng bị bồi cát như Đại Hồng, Đại Nghĩa, nông dân đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý như trồng dưa, bí hồ lô. Với những vùng khó cải tạo, địa phương đã vận động doanh nghiệp khai thác cát bồi, trả lại hiện trạng đất cho dân sản xuất. Cùng với đó, chính sách hỗ trợ thiệt hại trên cây màu 5 triệu đồng/ha tiền mặt từ trung ương, tỉnh, huyện và nguồn hỗ trợ 10 tấn giống bắp, 1 tấn giống hạt rau từ trung ương đã được chuyển đến các xã cấp phát trực tiếp đến nông dân, giúp nông dân ổn định sản xuất.

Tập huấn kỹ thuật sản xuất VietGAP tại Bàu Tròn.  Ảnh: H.LIÊN
Tập huấn kỹ thuật sản xuất VietGAP tại Bàu Tròn. Ảnh: H.LIÊN

Về cơ cấu sản xuất cây lúa, vụ này toàn huyện gieo sạ 4.300ha, song tới thời điểm này, vẫn còn hàng trăm héc ta lúa lai hai dòng sẽ được gieo sạ bằng mạ sau tết. Theo ông Khánh, việc tổ chức gieo sạ của bà con nông dân đảm bảo đúng cơ cấu lịch thời vụ, cả huyện đồng loạt xuống giống và kết thúc vào 10.1. Những diện tích bị ngập úng do mưa nhiều gây khó khăn cho việc gieo sạ như hồ Xe (Đại An), một số hố hóc ở thôn Phú Phong (Đại Tân) cũng được cấy mạ cho kịp lịch thời vụ. Trong bối cảnh nhiều hồ đập, hệ thống kênh mương bị bồi lấp, hư hại sau lũ từng bước được khắc phục, việc gieo sạ vụ đông xuân cơ bản thuận lợi, nguồn nước tưới vẫn đảm bảo do mưa nhiều. Cây lúa sau sạ cấy, đến nay dịch bệnh xuất hiện không đáng kể, song tại một số vùng trũng xuất hiện dày đặc ốc bươu vàng hại lúa. Ông Khánh cho hay, Phòng NN&PTNT huyện đã kiểm tra, chỉ đạo Trạm Bảo vệ thực vật tổ chức diệt ốc bươu vàng, hướng dẫn người dân xử lý bằng thuốc hóa học lẫn biện pháp truyền thống là bắt, diệt trừ ốc mẹ tại đồng. Trên cây màu cũng xuất hiện bệnh lở cổ rễ diễn biến do đất ẩm, mưa nhiều song do dự lường được, phun thuốc chống chết cây con nên ảnh hưởng không đáng kể.

Ông Phạm Thành (Bàu Tròn, Đại An) bên đám ớt trĩu quả. Ảnh: NHẬT DUY
Ông Phạm Thành (Bàu Tròn, Đại An) bên đám ớt trĩu quả. Ảnh: NHẬT DUY

Ông Hồ Ngọc Mẫn - Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc cho biết, ngoài chịu ảnh hưởng của lũ, ngành nông nghiệp huyện còn chịu ảnh hưởng của thời tiết cực đoan như mưa, rét lạnh kéo dài, tác động mạnh tới cây lúa lẫn cây màu. Huyện đã xác định mục tiêu phải tập trung nhiều giải pháp, quyết tâm giành thắng lợi vụ này. Toàn huyện xuống giống hết diện tích cây trồng, không bỏ đất trống. Tuy nhiên, thời tiết phức tạp, đòi hỏi việc thâm canh cần đảm bảo, nếu không cây lúa sẽ sinh trưởng kém, ngành nông nghiệp huyện chỉ đạo cho bà con tăng cường bón phân lân, kali, tổng hợp chống rét cho cây trồng cứng cây, sinh trưởng và phát triển tốt mới có thể cho năng suất cao.

UBND huyện đã chỉ đạo ngành nông nghiệp khảo sát tại các địa phương và có kế hoạch hướng dẫn bà con sản xuất, mục tiêu là nâng cao năng suất, sản lượng cây trồng, đưa năng suất đi lên, bù đắp thiệt hại trước đó. Cũng theo ông Mẫn, năm nay, một trong những khó khăn của ngành nông nghiệp là việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo kế hoạch là 150ha theo Quyết định 915 của Bộ NN&PTNT khó đạt kế hoạch đề ra vì vụ đông xuân ảnh hưởng của thời tiết khắc nghiệt. Thêm nữa, cuối năm 2016, giá cả, đầu ra một số con vật nuôi như heo, gà vịt không ổn định, giá heo hơi quay về với mức 35.000 - 36.000 đồng/kg khiến người chăn nuôi gặp khó, nhiều trang trại điêu đứng vì sản phẩm không tiêu thụ được. Đây là sự cảnh báo cho một năm ngành chăn nuôi gặp khó, vì lẽ đó, việc định hướng cho ngành chăn nuôi cũng gặp khó khăn, phức tạp.

Quyết tâm tạo đột phá

Theo định hướng của ngành nông nghiệp huyện Đại Lộc, năm 2017, toàn huyện sẽ đẩy mạnh việc nhân rộng các mô hình chăn nuôi với các đối tượng chính là trâu, bò, heo, gà vịt theo hướng gia trại, trang trại quy mô tập trung. Các mô hình nuôi thủy sản sẽ đầu tư giống mới có chất lượng, hướng tới những đối tượng có giá trị kinh tế cao, tạo sự đa dạng về chủng loại trên thị trường. Toàn huyện tiếp tục phát triển đàn bò lai, heo lai F1 theo hướng thịt, tiếp tục nhân rộng thành quả từ đàn bò lai 3B, Brahman ngoại… Người dân sống gần rừng, ven rừng và có rừng sẽ được hỗ trợ, khuyến khích chăn nuôi bò, heo để phát triển kinh tế, kết hợp trồng rừng. Việc quy hoạch các vùng chăn nuôi tập trung của huyện tới thời điểm này đã xong. Mục tiêu của Đại Lộc là từng bước di chuyển dần các cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ ra khỏi khu dân cư, tránh gây ô nhiễm môi trường.

Trên lĩnh vực lâm nghiệp, Đại Lộc chú trọng khuyến khích phát triển trồng rừng gỗ lớn, chu kỳ dài để phục vụ thị trường chế biến đồ gỗ, không đi theo hướng phát triển thị trường dăm gỗ như trước. Việc đầu tư giống mới như keo lai, keo giâm hom, keo Úc nhằm tăng hiệu quả, giá trị từ rừng được chú trọng. Được biết, năm 2015, Đại Lộc đã đầu tư trồng 25ha keo Úc, năm 2016 tiếp tục đầu tư thêm 50ha và 2017 này sẽ tiếp tục mở rộng diện tích. Việc xây dựng rừng kinh doanh, hướng tới cấp chứng chỉ rừng là cần thiết giúp nâng cao hiệu quả khai thác, giá trị từ rừng. Để làm được việc này, địa phương đang phối hợp với Sở NN&PTNT xây dựng các tiêu chí cấp chứng chỉ rừng, chất lượng rừng, gỗ rừng. Ngành nông nghiệp đang khảo sát tiềm năng trồng cây dược liệu như xạ đen, đinh lăng, ba kích dưới tán rừng, nhằm hỗ trợ, giúp người dân nâng cao giá trị, hiệu quả từ kinh tế rừng.

Theo ông Hồ Ngọc Mẫn, năm 2017, Đại Lộc hướng tới xây dựng các mô hình liên kết sản xuất với doanh nghiệp trên lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi. Ở lĩnh vực chăn nuôi, trên địa bàn có một mô hình liên kết phát triển chăn nuôi heo theo hướng công nghiệp là HTX Duy Đại Sơn (xã Đại Tân). Đây là HTX có quy mô sản xuất giống, kết nối, hình thành các tổ hợp tác sản xuất chăn nuôi, xúc tiến phát triển kinh tế, cung cấp giống, thức ăn, kỹ thuật cho các tổ hợp tác, liên kết sản xuất chặt chẽ, hỗ trợ giống, kỹ thuật, thức ăn, hướng dẫn tiêu thụ sản phẩm. Về sản xuất lúa giống, huyện đã và đang liên kết với 12 doanh nghiệp trong sản xuất lúa giống, lúa lai (1.600ha lúa giống và 300ha lúa lai) theo hướng hàng hóa). Việc liên kết trong sản xuất cây màu cũng được duy trì tại các vùng thuộc xã Đại Lãnh, Đại Hồng, Đại Hưng với ba đối tượng cây trồng chính là cây ớt, thuốc lá, đậu xanh. Nét mới của ngành nông nghiệp Đại Lộc là huyện đã quy hoạch 1 - 2 khu sản xuất ứng dụng công nghệ cao, gắn liền với tích tụ ruộng đất, dự kiến mỗi khu được quy hoạch 30 - 50ha đất. Đây cũng là nền tảng của tái cơ cấu ngành nông nghiệp Đại Lộc, hướng tới đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao năng suất, giá trị trên cùng đơn vị diện tích.

HOÀNG LIÊN (Báo Quảng Nam)

Tin mới đăng

Xem nhiều nhất