CHÀO MỪNG CÁC BẠN ĐẾN VỚI TRANG TTĐT TRUNG TÂM VĂN HÓA - THỂ THAO VÀ TRUYỀN THANH - TRUYỀN HÌNH HUYỆN ĐẠI LỘC

Hôm nay:22/11/2024

Khó khôi phục sản xuất sau lũ

Việc khắc phục, tái sản xuất ở Đại Lộc đang gặp nhiều khó khăn do tình trạng bồi lấp, xói lở xảy ra nghiêm trọng sau hai đợt mưa lũ liên tiếp vừa qua.

Đoàn công tác của Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) khảo sát tại vùng biến động đất Đại Cường. Ảnh: BÍCH LIÊN
Đoàn công tác của Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) khảo sát tại vùng biến động đất Đại Cường. Ảnh: BÍCH LIÊN

NHỮNG ngày qua, nhiều đoàn công tác của tỉnh, của trung ương đã về khảo sát tình hình thiệt hại lũ lụt tại Đại Lộc. Qua khảo sát, hàng loạt khó khăn từ thực tế đặt ra cho nhà quản lý, nhà chức trách trong việc tìm hướng khắc phục sản xuất và hỗ trợ nhân dân vùng bị thiệt hại nặng.

Hai đợt lũ “trái mùa” vừa qua đã cuốn trôi hàng nghìn héc ta hoa màu ở Đại Lộc. Đáng chú ý là nguy cơ mất trắng đất sản xuất bởi tình trạng xói lở, bồi lấp đã gây biến động 500ha đất sản xuất của Đại Lộc mà nặng nhất là ở các vùng Đại Cường, Đại Hồng, Đại Nghĩa, Đại Phong, Đại Lãnh... Chưa kể, có tới hơn 50 trạm bơm, nhiều tuyến kênh mương nội đồng bị xuống cấp, bồi lấp nặng sau lũ. Cánh đồng thôn Hà Vy (xã Đại Hồng) là nơi chịu thiệt hại lớn từ hai đợt mưa lũ. Không chỉ mất trắng hoa màu, nông dân canh tác trên cánh đồng Hà Vy đến từ các thôn trên địa bàn xã Đại Hồng và Đại Lãnh đang đối mặt với tình trạng mất đất sản xuất khi toàn bộ vùng sản xuất này đã bị bào mòn, xói lở nặng, chỉ còn lại lớp đất sét bên dưới, không thể canh tác cây rau màu được nữa. Theo bà Nguyễn Thị Lạc - Chủ tịch UBND xã Đại Hồng, diện tích bị xói lở, bồi lấp 67,6ha. Trong đó, sạt lở nặng 2ha tại các thôn Hà Vy, Ngọc Thạch, Hòa Hữu Đông; diện tích bồi cát 17ha tại các thôn Hà Vy, Ngọc Kinh Đông, Ngọc Kinh Tây, Hòa Hữu Đông, Hòa Hữu Tây; diện tích đất xói mòn gần 29ha; ngoài ra còn có 20ha bị bồi lấp, xói mòn ở rải rác các địa phương. Tại xã Đại Cường, theo báo cáo của UBND xã, vùng bị xói lở, bồi lấp nặng có tổng diện tích 20ha, tập trung ở các thôn Ô Gia Bắc, thôn 8, 9, 10, khu vực Cồn Rừng (thôn Quảng Đại 1 và Quảng Đại 2) của xã. Chưa kể, hệ thống điện tưới cây màu cũng bị hư hỏng nặng với hàng chục trụ điện bị ngã đổ và đường dây bị hỏng nặng...

Ông Hồ Ngọc Mẫn - Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc cho biết, tổng diện tích bị xói lở, bồi lấp toàn huyện lên tới 500ha. Việc khắc phục sản xuất sau lũ hiện gặp rất nhiều khó khăn, địa phương đang tính chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên những vùng đất này, song năng suất cây trồng sẽ bị ảnh hưởng nặng. Hơn nữa, thời điểm này mà hỗ trợ giống thì nông dân cũng không biết trồng ở đâu. Chưa kể, hàng loạt trạm bơm, bể hút, hàng loạt tuyến kênh mương nội đồng hỗ trợ cho vùng sản xuất cây màu cũng đang bị bồi lấp, hư hỏng nặng, cần phải khắc phục thì mới đảm bảo nước tưới trên những vùng thủy lợi hóa đất màu này.

Ngày 21.12, trực tiếp khảo sát trên những vùng biến động lớn về đất đai này, ông Nguyễn Như Cường - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho rằng ở Đại Lộc nói riêng, Quảng Nam nói chung đã xảy ra tình trạng biến động hoàn toàn hiện trạng đất đai ở những vùng sản xuất do lũ lụt gây nên. “Một loạt vấn đề đặt ra, chứ không phải chỉ dừng lại ở việc hỗ trợ thông thường theo chính sách hiện hành. Như chúng tôi ghi nhận ở những vùng sản xuất có đá sỏi, cát rất nhiều, nếu có giống đi nữa thì cũng chẳng thể sản xuất được. Chúng tôi sẽ kiến nghị Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Chính phủ ngoài cơ chế, chính sách hỗ trợ bình thường (ví dụ như giống) theo chính sách hiện hành, thì nên quan tâm, hỗ trợ người dân để bà con có thể cải tạo được hiện trạng đất để tái sản xuất” - ông Cường nói.

BÍCH LIÊN (Báo Quảng Nam)

Tin mới đăng

Xem nhiều nhất