CHÀO MỪNG CÁC BẠN ĐẾN VỚI TRANG TTĐT TRUNG TÂM VĂN HÓA - THỂ THAO VÀ TRUYỀN THANH - TRUYỀN HÌNH HUYỆN ĐẠI LỘC

Hôm nay:22/11/2024

Đốt đồng sau khi thu hoạch lúa- lợi bất cập hại!

          Đốt đồng là hình ảnh khá quen thuộc từ xưa đến nay ở nhiều nơi trong huyện ta sau khi thu hoạch mỗi vụ lúa, nhất là vụ Đông Xuân hàng năm.Theo quan niệm của bà con nông dân xưa nay thì việc đốt đồng sẽ có nhiều cái lợi, đó là không tốn công và chi phí xử lý rơm rạ trên đồng ruộng sau mỗi vụ lúa. Đồng thời, tiêu diệt được mầm mống dịch hại và một phần cỏ dại  có trên đồng ruộng. Ngoài ra còn tạo ra một lượng tro làm phân bón  trả lại cho đất. Song, theo các nhà khoa học thì việc đốt rơm rạ trực tiếp trên đồng ruộng đã gây ra những tác hại lớn hơn gấp nhiều lần so với những lợi ích mà nó mang lại cho đồng ruộng.

Một góc cánh đồng ở thôn Liên Thuận, xã Đại Nghĩa bị đốt đen

sau thu hoạch.           

          Trước hết là khi đốt đồng, các chất hữu cơ trong rơm rạ và trong đất sẽ biến thành các chất vô cơ, nên tro than của rơm rạ cũng chỉ cung cấp được một lượng dinh dưỡng rất nhỏ cho đồng ruộng mà thôi. Trong khi đó, việc nung đốt ở nhiệt độ cao sẽ làm cho một lượng nước lớn trong đất bị bốc hơi,  đồng ruộng bị khô. Nếu đốt đồng nhiều lần và lâu dài  sẽ làm cho đất biến chất và trở nên chai cứng. Một tác hại khác của đốt đồng là gây ô nhiễm môi trường, ô nhiễm bầu không khí ở nông thôn. Theo GS Nguyễn Lân Dũng, việc đốt lượng phế thải nông nghiệp khổng lồ này sẽ tạo ra một lượng lớn các khí CO, CO2, NO2, SO2, H2O, và hàng trăm hợp chất khác có hại cho sức khỏe con người, làm tăng lượng khí thải vào bầu khí quyển, gây ảnh hưởng không nhỏ đến lưới điện. Hơn nữa, khói rơm rạ thường có tính cay, làm chảy nước mắt, gây kích thích phản ứng ở họng, làm người ta ho, hắt hơi, lợm giọng, buồn nôn, thở khò khè, hoặc có cảm giác ngạt thở... Đặc biệt, vào những ngày trời ẩm hoặc đứng gió, khói rơm khuếch tán chậm trong không khí còn gây tác hại dài ngày. Và những hạt khói bụi nhỏ, bụi nano, từ đốt rơm rạ này có khả năng chui sâu vào ảnh hưởng đến cả nhân tế bào. Các nhà chuyên môn ước tính, hàng năm nước ta có khoảng 80 triệu tấn rơm rạ và vỏ trấu, nếu chỉ đốt khoảng 50% thì sẽ cho khoảng 8 triệu tấn CO2,  trên 2,5 ngàn tấn khí CH4 và gần 100 ngàn tấn khí  CO … Tất cả đều bay vào khí quyển, gây ô nhiễm môi trường,  góp phần tạo ra hiệu ứng nhà kính trong không gian sống. Hơn nữa, thành phần chủ yếu của rơm rạ là chất xenlulozơ, hemixenlulozơ và các chất hữu cơ kết dính… khi đốt cháy sẽ tạo ra các loại khí độc, mà khi con người hít vào sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe, nhất là sẽ dễ mắc các chứng bệnh về đường hô hấp, gây co thắt  phế quản, và không loại trừ nguy cơ gây ung thư phổi

          Đốt đồng còn là một sự lãng phí do đã bỏ đi nguồn dinh dưỡng lớn có trong đất. Theo tính toán của các nhà chuyên môn, 1 ha đất trồng lúa với năng suất bình quân là 5 tấn, thì  sẽ lấy đi trong đất một lượng đạm khoảng 50 kg, lượng lân 25 kg, và lượng kali là 130 kg. Trong khi đó, trong rơm rạ có chứa đủ các chất dinh dưỡng. Cứ 1 tấn rơm rạ có khoảng 7 kg chất đạm, tương đương 15 kg phân urê, 1 - 1,5 kg lân, 25 - 27 kg phân kali, 65 - 70 kg silic và nhiều các chất trung và vi lượng khác...Khi đốt thành than thì chất đạm bay hết, chất lân cũng bị biến đổi, chỉ còn lại kali, canxi và một số chất trung và vi lượng. Trên 85% chất xơ chứa trong rơm rạ sau khi đốt chỉ còn lại chất Carbon (than). Số lượng chất xơ này lại rất quan trọng, đó là chất hữu cơ, trong quá trình phân giải sẽ tạo thành chất mùn. Trong chất mùn có chứa các chất axit humic, axit fulvic, các humine là các chất dinh dưỡng rất tốt cho cây. Mùn làm cho đất tơi xốp, là chỉ tiêu rất quan trọng về độ phì nhiêu của đất, có nhiệm vụ giữ phân hóa học lại cho cây sử dụng dần; làm đất tơi xốp và cũng là thức ăn và nơi trú ngụ của các loại trùn đất, các vi sinh vật có lợi cho đất và cây; giúp đất giữ ẩm, giữ nước để kháng hạn, kháng rét cho cây. Khi đốt rơm rạ thì những mặt lợi này sẽ không còn. Do vậy, đốt bỏ rơm rạ cũng có nghĩa là đã bỏ đi 1 lượng phân bón, chất dinh dưỡng cần thiết cho cây lúa, thay vì trả lại cho đất thông qua việc xử lý rơm rạ thành phân hữu cơ để bón trở lại cho đồng ruộng.

          Việc đốt đồng còn có tác hại lớn là tiêu diệt nhiều vi sinh vật đất có ích, góp phần làm mất cân bằng sinh thái ruộng lúa – một trong những nguyên nhân gây bộc phát sâu bệnh trên đồng ruộng, buộc bà con nông dân phải sử dụng một lượng lớn thuốc bảo vệ thực vật để phòng trừ, khiến cho việc sản xuất lúa ngày càng trở nên khó khăn, chi phí cao, hiệu quả thấp.

          Chưa kể, đốt rơm rạ còn là một trong những tác nhân gây ra hỏa hoạn cho những hộ dân sống gần các cánh đồng. Chỉ một phút bất cẩn của người đốt đồng mà cơ nghiệp của nhiều người sẽ thành tro khói, nhất là trong mùa nắng nóng hiện nay. Mới đây, trưa ngày 24.4.2019, tại thôn Mỹ Liên trước đây, nay là thôn Liên Thuận, xã Đại Nghĩa nếu người dân không phát hiện và dập tắt kịp thời các đốm lửa lớn do người đốt đồng nào đó vô ý thức gây ra thì hậu quả chưa biết thế nào mà lần khi mà lửa đã bắt cháy các đụn rơm và vườn chuối xung quanh nhà dân.

         

Đốt đồng đã gây cháy vườn chuối sát cánh đồng trưa ngày 24.4.2019, suýt gây hỏa hoạn lớn.

          Từ thực tế trên, bà con nông dân trồng lúa cần xem xét lại cách xử lý rơm rạ sau mỗi vụ lúa sao cho thân thiện với môi trường, theo hướng sản xuất nông nghiệp bền vững mà không nhất thiết phải đốt rơm trên đồng. Theo khuyến cáo của các nhà khoa học, để xử lý lượng rơm rạ trên đồng sau mỗi vụ lúa một cách hợp lý, thì giải pháp đầu tiên là nên mang hết rơm ra khỏi ruộng, sau đó tận dụng lượng rơm này trồng nấm để tăng thêm nguồn thu nhập. GS Nguyễn Lân Dũng ước tính ra rằng cứ 1 tấn rơm rạ đem đi trồng nấm sẽ thu được 780 kg nấm rơm tươi! Ngoài ra, những bã rơm mục sau khi thu hoạch nấm xong, có thể dùng làm phân bón hữu cơ cung cấp lại cho đồng ruộng, sẽ tạo cho đất tơi xốp và duy trì được độ màu mỡ cho đât, giúp tiết kiệm được một lượng lớn phân hóa học bón cho đồng ruộng.  Một biện pháp khác cũng được khuyến cáo thực hiện là sử dụng nguồn phụ phẩm rơm để làm thức ăn chăn nuôi trâu, bò. Rơm lúa là nguồn thức ăn xơ rất tốt để phối hợp với thức ăn nhuyễn. Có thể cho gia súc ăn rơm khô hoặc ủ với  4 – 5%  urê sẽ làm tăng khả năng tiêu hóa. Sau đó sử dụng  nguồn phân chuồng ủ hoai mục bón lại cho đồng ruộng là rất tốt.

          Rơm rạ còn là “đầu vào” để sản xuất phân bón hữu cơ với các công đoạn sau: Cho chế phẩm vi sinh cùng với nước và phân NPK lên rơm, rạ; phủ nilon và trát bùn kín. Sau 3 tuần, rơm rạ mủn ra thành phân bón cho cây trồng. Dùng phân hữu cơ để bón lót, sẽ giảm được 30% lượng phân bón hóa học và tăng năng suất cây trồng lên 7%. Tập đoàn Biogroup Việt Nam đã sản xuất thành công chế phẩm sinh học Fito-Biomix RR để xử lý rơm rạ thành phân bón hữu cơ và chuyển giao công nghệ cho một số địa phương như Hòa Bình, Hà Nội, Bắc Giang, Bắc Ninh, Thái Bình, Nam Ðịnh, Bạc Liêu...

          Trường hợp nếu không có điều kiện đem rơm ra khỏi đồng ruộng thì cần sử dụng máy gặt đập liên hợp để cắt nhỏ rơm rạ và cày vùi để duy trì lượng đạm trong đất. Khi rơm rạ được cày vùi trong đất lâu ngày sẽ bị phân hủy thành phân hữu cơ. Tuy nhiên, để cho rơm rạ phân hủy tốt hơn, nhanh hơn, không gây ngộ độc hữu cơ cho ruộng lúa, bà con có thể bón vôi hay dùng nấm Trichoderma phun trực tiếp vào rơm rạ, để 3 - 4 ngày rồi cày vùi. Việc cày vùi rơm rạ vào đất  sẽ tạo cho đất có nhiều chất hữu cơ, giúp cho cây lúa bén rễ tốt hơn. 

          Hiện nay, số lượng rơm rạ được tận dụng một cách có ích chỉ chiếm một phần rất nhỏ sau mỗi vụ lúa do tập quán đốt đồng, nhất là ở vụ Đông Xuân. Với tầm nhìn mới và tư duy mới trong xây dựng nông thôn mới, nhà nông Đại Lộc hãy chấm dứt việc đốt đồng vìmục đích bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, chống hỏa hoạn và duy trì độ màu mỡ của đất đai!

Vân Thu

 

Tin mới đăng

Xem nhiều nhất