CHÀO MỪNG CÁC BẠN ĐẾN VỚI TRANG TTĐT TRUNG TÂM VĂN HÓA - THỂ THAO VÀ TRUYỀN THANH - TRUYỀN HÌNH HUYỆN ĐẠI LỘC

Hôm nay:18/10/2024

Hiệu quả từ các mô hình “Dân vận khéo”

Bài:   Hiệu quả từ các mô hình “Dân vận khéo”

                                                                                                   Nhật Duy –Bích Liễu

          Đến thăm mô hình “Vườn cây ăn quả” của gia đình ông Mai Văn Trò, thôn Thái Chấn Sơn, xã Đại Hưng chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước màu xanh mướt mắt của vườn cây trĩu quả với các loại trái cây nhưbưởi da xanh, hồng trụ, mít Thái Lan, cam Vinh, vú sữa Lò Rèn… Được biết, trước đây gia đình ông Trò thuộc hộ khó khăn trong thôn và được chính quyền địa phương xã Đại Hưng vận động cải tạo vườn tạp để trồng cây ăn quả. Nhận thấy khí hậu, thổ nhưỡng khá phù hợp với việc trồng cây ăn quả, gia đình ông đã mạnh dạn đầu tư với diện tích gần 1 ha. Những ngày đầu phát triển kinh tế với mô hình mới, gia đình ônggặp không ít những khó khăn, vất vả do thiếu kiến thức và kinh nghiệm về trồng cay ăn quả nên năm đầu tiên vườn cây của ông ra ít trái. Nhưng với quyết tâm phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo, ông đã tích cực tìm hiểu, học hỏi thêm nhiều kiến thức về trồng trọt, tích cực tham gia các lớp tập huấn về trồng và chăm sóc cây ăn quả do các tổ chức Hội, đoàn thể ở địa phương tổ chức. Đồng thời,áp dụng những tiến bộ khoa học-kỹ thuật mới vào trồng trọt. Đến nay, vườn trái cây của gia đình ông cho doanh thu khoảng 200 triệu đồng/ năm. Với nguồn thu nhập ổn định, ông đã xây dựng được nhà cửa khang trang, con cái ăn học tới nơi tới chốn.

          Để giúp người dân vươn lên phát triển kinh tế, xã Đại Hưng đã chú trọng công tác “Dân vận khéo”, thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân cải tạo vườn tạp để trồng các loại cây ăn quả và bước đầu đã được đông đảo người dân đồng tình. Đến nay, toàn xã đã thực hiện chuyển đổi được 20,2 ha sang trồng cây ăn quả cho hiệu quả kinh tế cao. Hiện đã có hơn 50 hộ tham gia với diện tích hơn 10 ha. Nhờ trồng cây ăn quả mà nhiều hộ gia đình từ chỗ khó khăn nay đã vươn lên thoát nghèo bền vững.

          Mô hình “Tổ tiết kiệm mua bảo hiểm y tế cho phụ nữ nghèo” do Chi hội Phụ nữ thôn Giao Thủy (xã Đại Hòa) xây dựng cũng là một trong những mô hình trong công tác “Dân vận khéo”nhằm tạo điều kiện cho phụ nữ nghèo có điều kiện mua BHYT gia đình với số tiền góp chỉ 50 ngàn đồng đến 100 nghìn đồng/ tháng. Từ thực tế tiết kiệm chi tiêu để mua BHYT cho cả gia đình vốn không đơn giản, nhất là nhiều gia đình có người ốm đau thường xuyên, có người già, trẻ nhỏ cần sử dụng thẻ bảo hiểm trong khám chữa bệnh... Trước nhu cầu đó, Chi hội Phụ nữ thôn Giao Thủy đã vận động hội viên đăng ký mua thẻ BHYT từ số tiền tiết kiệm hàng tháng. Chi hội ưu tiên những hộ nghèo, gia đình có người già và trẻ nhỏ, người đau ốm được mua thẻ bảo hiểm sớm nhất sau khi nộp tiền đóng góp tháng đầu tiên, những hộ thẻ chưa hết hạn được cấp sau cùng. Để người dân và hội viên phụ nữ trong thôn hiểu được ý nghĩa mô hình, những người làm công tác Hội đã tích cực vận động tuyên truyền, đến từng gia đình thu tiền hàng tháng, nhắc nhở chị em ham gia vì chính lợi ích của bản thân và gia đình. Đến nay, toàn xã Đại Hòa đã thu hút được 100 gia đình hội viên phụ nữ tham gia đăng ký và mua thẻ BHYT. 

          Những năm qua, các phong trào thi đua yêu nước trên địa bàn huyện Đại Lộc gắn với các mô hình “Dân vận khéo” đã phát huy hiệu quả tích cực. Trong đó, phải kể đến công tác vận động nhân dân đóng góp công sức, tiền của để thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM như: phát triển hạ tầng kinh tế- xã hội; bảo đảm vệ sinh môi trường; xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Hằng năm, các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội tập trung chỉ đạo thực hiện các phong trào thi đua yêu nước gắn với thi đua “Dân vận khéo” như: Phong trào “vì người nghèo gắn với an sinh xã hội” của UBMTTQVN huyện, Hội Liên hiệp Phụ nữ với phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”; Liên đoàn Lao động huyện với phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, “phong trào giỏi việc nước, đảm việc nhà”; phong trào thi đua ATVSTP và PCCN”; đoàn thanh niên huyện với phong trào thi đua “5 xung kích xây dựng và bảo vệ tổ quốc”, “4 đồng hành cùng thanh niên lập thân, lập nghiệp”…. 

          Có thể nói, từ mô hình “Dân vận khéo”, nhiều địa phương, đơn vị đã có được những cách làm hay, giải pháp sáng tạo và đúc kết được nhiều kinh nghiệm quý trong công tác vận động hội viên, đoàn viên và nhân dân trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới các cấp, các ngành và các địa phương trong huyện tích cực xây dựng các mô hình “Dân vận khéo” một cách cụ thể, thiết thực, góp phần tháo gỡ và giải quyết những khó khăn, bức xúc trong nhân dân; tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân; xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể ngày càng vững mạnh toàn diện./.

Tin mới đăng

Xem nhiều nhất