CHÀO MỪNG CÁC BẠN ĐẾN VỚI TRANG TTĐT TRUNG TÂM VĂN HÓA - THỂ THAO VÀ TRUYỀN THANH - TRUYỀN HÌNH HUYỆN ĐẠI LỘC

Hôm nay:08/09/2024

Chấn chỉnh và tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh DTLCP

          Trên địa bàn huyện Đại Lộc, ổ dịch tả lợn Châu phi (DTLCP) đầu tiên xảy ra vào ngày 19/6/2019 tại thôn Mỹ Phước, xã Đại Phong; tính đến 16h ngày 07/10/2019 bệnh DTLCP đã xảy ra ở 1.555 hộ, 89 thôn, của 16 xã, thị trấn (các xã Đại Hòa, Đại An chưa phát hiện ổ dịch) với tổng số lợn mắc bệnh chết, tiêu hủy theo quy định là 5.751 con, trọng lượng tiêu hủy trên 356 tấn. Tình hình dịch bệnh đang có chiều hướng lây lan nhanh, số lượng lợn mắc bệnh, chết buộc phải tiêu hủy liên tục gia tăng.

Ảnh minh họa.

          Trước diễn biến phức tạp của bệnh DTLCP, trên cơ sở các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp & PTNT, chỉ đạo của UBND tỉnh Quảng Nam, Sở Nông nghiệp & PTNT và các cơ quan chuyên môn ở tỉnh; UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và các địa phương thực hiện quyết liệt công tác phòng chống bệnh DTLCP, đã đạt được một số kết quả nhất định.

          Tuy nhiên, thời gian qua, công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện phòng, chống DTLCP còn những tồn tại, hạn chế làm cho dịch bệnh lây lan nhanh, gây thiệt hại cho người chăn nuôi, ảnh hưởng đến kinh tế như: Việc tiêu hủy lợn bệnh chưa đúng quy trình từ khâu lập biên bản kiểm tra xác định lợn mắc bệnh, lợn chết đến lập biên bản tiêu hủy; phương tiện, cách thức vận chuyển lợn, tiêu độc khử trùng từ chuồng trại đến nơi chôn lấp chưa đảm bảo; hố chôn hầu hết không có biển báo…

          Để khắc phục các tồn tại, hạn chế nêu trên và tổ chức thực hiện  công tác phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn trong thời gian đến đạt hiệu quả tốt hơn, UBND huyện yêu cầu UBND các xã, thị trấn, các ngành có liên quan khẩn trương thực hiện một số nội dung sau:

Các xã, thị trấn:

          - Tiếp tục tăng cường thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn.

         - Chỉ đạo thú y cơ sở, người chăn nuôi thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình diễn biến dịch bệnh để kịp thời phát hiện, báo cáo cơ quan chuyên môn (Trung tâm Kỹ thuật Nông nghiệp) để lấy mẫu xét nghiệm hoặc lập biên bản kiểm tra xác định lợn mắc bệnh, lợn chết theo đúng quy định.

          - Chỉ đạo việc tiêu hủy lợn bệnh khi có dịch xảy ra đảm bảo theo đúng quy định và hướng dẫn của cơ quan chuyên môn, hạn chế lây lan dịch bệnh, không để xảy ra ô nhiễm môi trường gây bức xúc trong nhân dân.

          - Thành lập đội tiêu hủy: có đủ số người để thực hiện nhóm công việc như: đào hố chôn, làm chết lợn, cân trọng lượng lợn, vận chuyển lợn đến nơi tiêu hủy, phun thuốc sát trùng…

        - Tổ chức tiêu độc khử trùng đảm bảo đúng nguyên tắc, đúng tần suất.(liên tục 01 lần/ngày trong vòng một tuần đầu tiên kể từ thời điểm phát sinh ổ dịch; 03 lần/tuần trong 2-3 tuần kế tiếp)

       - Chỉ đạo nhân viên thú y cấp xã cập nhật và báo cáo tình hình dịch bệnh về Trung tâm KTNN, UBND cấp xã. (theo quy định tại điểm a, khoản 2, điều 7, thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT).

Phòng Nông nghiệp và PTNT:

          Chủ trì phối hợp với Trung tâm Kỹ thuật Nông nghiệp tham mưu cho UBND huyện trong công tác chỉ đạo các địa phương thực hiện việc phòng chống bệnh DTLCP; Tăng cường hướng dẫn, giám sát việc chỉ đạo công tác phòng chống bệnh DTLCP ở các địa phương.

Trung tâm Kỹ thuật Nông nghiệp:

          Chuẩn bị đầy đủ hóa chất, trang thiết bị phục vụ công tác phòng chống DTLCP cho BCĐ phòng chống DTLCP cấp huyện (trang phục bảo hộ, nhiệt kế, dụng cụ lấy, gửi mẫu xét nghiệm…). Thường xuyên bám sát địa bàn, phối hợp hướng dẫn địa phương chỉ đạo tốt các hoạt động phòng chống dịch. Theo dõi tình hình diễn biến của các ổ bệnh, thực hiện chế độ báo cáo theo quy định.

                                                                                   Văn Tuấn

Tin mới đăng

Xem nhiều nhất