CHÀO MỪNG CÁC BẠN ĐẾN VỚI TRANG TTĐT TRUNG TÂM VĂN HÓA - THỂ THAO VÀ TRUYỀN THANH - TRUYỀN HÌNH HUYỆN ĐẠI LỘC

Hôm nay:23/11/2024

Lúa lai bội thu

Vụ đông xuân này, trong khi nhiều cánh đồng năng suất bị giảm sút thì tại thị trấn Ái Nghĩa (Đại Lộc), nông dân có được vụ mùa bội thu với giống lúa lai F1.

Năng suất cao

Vụ đông xuân 2015 - 2016, cánh đồng khu Trung An và các khu vực lân cận trên địa bàn thị trấn Ái Nghĩa được quy hoạch thành 3 cánh đồng sản xuất giống lúa lai F1 với tổng diện tích 176ha. Trên vùng sản xuất hạt giống lúa lai này, có khoảng 200 hộ dân tham gia sản xuất, dưới sự điều hành của HTX Nông nghiệp Ái Nghĩa. Dù thời tiết khô hạn, nhưng nhờ vùng chuyên canh hạt giống lúa lai được đầu tư hệ thống kênh mương thủy lợi, trạm bơm kiên cố nên nguồn nước tưới đảm bảo. Khâu điều hành, chỉ đạo được tiến hành chặt chẽ, xuyên suốt, có sự phối hợp nhịp nhàng giữa công ty sản xuất lúa giống, nông dân, HTX và Nhà nước nên sản lượng, chất lượng lúa giống tăng cao. Ông Trương Cảm - Chủ tịch HĐQT HTX Nông nghiệp Ái Nghĩa cho biết, đây là năm thắng lợi lớn trong sản xuất lúa giống F1 từ trước tới nay. Bình quân năng suất trên 1ha là 4 tấn (lúa lai F1) và sau quy đổi là 16 tấn/ha (lúa ăn). Được biết, vụ đông xuân này, HTX chỉ đạo sản xuất hạt giống lúa lai 3 dòng giống Nhị ưu 838 với tổng diện tích 60ha, năng suất bình quân đạt 3,4 tấn/ha, tổng sản lượng đạt 205 tấn, giá trị ước đạt 5 tỷ đồng. Diện tích giống lúa lai 2 dòng là 113,4ha (giống TH3-5, VI20, HC1), năng suất đạt khoảng 4 tấn/ha, tổng sản lượng đạt 453,6 tấn, giá trị ước đạt 11,2 tỷ đồng. Về thu lúa bố thương phẩm đạt 800kg/ha, tổng sản lượng đạt 140,8 tấn/176ha, bình quân thu nhập 97,7 triệu đồng/ha/vụ.

Nông dân phấn khởi vì lúa lai đạt năng suất cao. Ảnh: HOÀNG LIÊN
Nông dân phấn khởi vì lúa lai đạt năng suất cao. Ảnh: HOÀNG LIÊN

Ông Trần Văn A (khu phố 3, thị trấn Ái Nghĩa) chia sẻ, vụ này gia đình ông làm 2,5 sào lúa giống TH3-5, năng suất 250kg tươi/sào, quy đổi thành 625kg, đạt gấp 3 lần so với các năm. Với giá thu mua của HTX ngay tại ruộng là 20 nghìn đồng/kg tươi, mỗi sào lúa cho thu nhập 5 triệu đồng, với 2,5 sào, gia đình ông thu về hơn 12 triệu đồng. Thời điểm này, 2 tổ thu mua của HTX đã tới tận cánh đồng lúa giống thu mua lúa tươi của người dân ngay tại đồng ruộng, việc làm này đảm bảo chất lượng hạt giống không bị sâu mọt, không bị lẫn. Ông Ngô Văn Nhích - cán bộ kỹ thuật Công ty CP Nông nghiệp kỹ thuật cao Hải Phòng chia sẻ, vụ đông xuân 2015 - 2016, công ty liên kết với HTX và bà con xã viên sản xuất 40ha lúa lai F1 giống Việt Lai 20. Trong khi những năm trước, năng suất chỉ tầm 3 - 3,5 tấn/ha thì năm nay sản lượng tăng đột biến, trên 4 tấn/ha, chất lượng đảm bảo theo yêu cầu. “Hiện, công ty đã thu gom được 7ha, với tình hình thu gom này, trong vòng 10 ngày là chúng tôi sẽ thu mua xong” - ông Nhích nói.

Ứng dụng công nghệ cao

Có thể nói, vùng sản xuất hạt giống lúa lai F1 tại thị trấn Ái Nghĩa điển hình về ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất lúa giống, liên kết trong sản xuất nông nghiệp, xây dựng cánh đồng mẫu. Bên cạnh hội đủ các yếu tố thuận lợi như vùng sản xuất lúa giống được quy hoạch, đầu tư đồng bộ về hạ tầng kênh mương thủy lợi, trạm bơm, giao thông nội đồng với tổng kinh phí đầu tư 20 tỷ đồng… phải nói đến vai trò, sự điều hành hiệu quả, thiết thực của HTX Nông nghiệp Ái Nghĩa. Ngay từ đầu vụ, HTX đã tiến hành chọn địa bàn sản xuất, khoanh vùng phù hợp, thích ứng với điều kiện sản xuất theo yêu cầu của các công ty liên kết. HTX tiến hành họp dân, thông qua lô trà, các điều kiện sản xuất trên cánh đồng. Cán bộ kỹ thuật của HTX thường xuyên sâu sát, phối hợp với đội ngũ kỹ thuật của các công ty sản xuất lúa giống tập huấn, triển khai kỹ thuật đến từng hộ sản xuất. Các khâu làm đất, thủy lợi, phân bón, ủ giống, gieo sạ, tình hình sinh trưởng phát triển của cây lúa, khâu khử lẫn… đều được đội ngũ kỹ thuật đứng điểm của HTX và kỹ thuật viên của công ty theo dõi sát sao. Hội đồng quản trị HTX chủ động đứng ra liên kết giữa nhà nông - nhà doanh nghiệp - nhà khoa học - nhà nước; bao tiêu toàn bộ sản phẩm tại đồng ruộng ngay sau khi nông dân thu hoạch, đưa về hệ thống nhà máy sấy, bảo quản hạt giống đạt chuẩn để cung ứng cho doanh nghiệp theo hợp đồng. “Hiện, các khâu từ sản xuất cho tới thu hoạch, phơi sấy, tiêu thụ tại Ái Nghĩa đều tiến hành theo quy trình khép kín. Nhờ đó, năng suất, chất lượng hạt giống lúa lai F1 trên cánh đồng chuyên canh của Ái Nghĩa không ngừng tăng lên, được doanh nghiệp thu mua đánh giá cao” - ông Trương Cảm chia sẻ.

Xác định phát triển sản xuất trên đồng ruộng theo hướng công nghệ cao là mục tiêu của phát triển, giai đoạn tới, HTX đặt ra mục tiêu phấn đấu đạt 70% diện tích sản xuất ứng dụng công nghệ cao, tăng thu nhập trên một diện tích đất canh tác cùng nhóm sản phẩm trong một năm ít nhất từ 30% trở lên. Cụ thể, tăng năng suất 0,3 - 0,4 tấn/ha so với những diện tích đối chứng không ứng dụng công nghệ cao vào những năm đến. Khâu liên kết “4 nhà” sẽ tiếp tục được đẩy mạnh nhằm đảm bảo đầu ra ổn định cho nông sản, tăng giá trị, sản lượng cho nông sản. Để đảm bảo chất lượng hạt giống lúa lai, ngoài 3 lò sấy công suất 60 tấn/ngày đêm được đầu tư năm 2012, HTX vừa đầu tư thêm 2 lò sấy, đảm bảo lúa gặt từ đồng về không bị ảnh hưởng trong điều kiện thời tiết bất thường, mưa bão. Được biết, việc liên kết sản xuất lúa lai F1 chỉ tiến hành trong vụ đông xuân, còn vụ hè thu này, HTX cơ cấu sản xuất lúa thương phẩm và gạo an toàn. Hiện, 10ha sản xuất lúa an toàn đã được quy hoạch riêng, hướng tới sản xuất theo hướng an toàn. “Từ nguồn hỗ trợ của tổ chức Hà Lan là 4.000 euro cho việc xây dựng chương trình tập huấn, tham quan các mô hình kỹ thuật sản xuất an toàn theo hướng VietGAP, sắp tới, HTX sẽ cử cán bộ kỹ thuật, nông dân đi tham quan, tập huấn kỹ thuật sản xuất lúa an toàn theo hướng VietGAP, nhằm tạo sản phẩm gạo sạch để đưa ra thị trường” - ông Cảm nói.

HOÀNG LIÊN (Báo Quảng Nam)

Tin mới đăng

Xem nhiều nhất