CHÀO MỪNG CÁC BẠN ĐẾN VỚI TRANG TTĐT TRUNG TÂM VĂN HÓA - THỂ THAO VÀ TRUYỀN THANH - TRUYỀN HÌNH HUYỆN ĐẠI LỘC

Hôm nay:23/11/2024

Rau màu được mùa, được giá

Năm nay, dù đối diện với thời tiết khô hạn, cực đoan, song tại nhiều vùng quê ở Đại Lộc, nhà nông phấn khởi vì được mùa, giá cả và đầu ra nông sản khá ổn định.

Đầu ra ổn định

Những cánh đồng rau màu Bàu Tròn (Đại An), Tây An (Đại Minh), Thuận Mỹ (Đại Phong), thôn 6 (Đại Hưng)… đang hứng chịu đợt nắng nóng khủng khiếp của những ngày hè. Song, với tập quán sản xuất cần mẫn, chịu khó, người dân trong vùng vẫn kiên trì bám đồng. Thời điểm này, giá cả các mặt hàng nông sản không biến động lớn như dịp lễ, tết mà vẫn giữ mức ổn định, đầu ra dễ dàng nên nhân dân yên tâm sản xuất. Dưới cái nắng hè, bà Xuân (xã Đại An) vẫn cần mẫn thu hoạch khổ qua để cung cấp cho các tiểu thương. Bà Xuân cho biết, có thời điểm khổ qua có giá tới 20 - 30 nghìn đồng/kg, còn gần đây thì mức giá khoảng 5 nghìn đồng/kg, bán tại ruộng. Các mặt hàng khác như dưa leo 5 - 7 nghìn đồng/kg, đu đủ xanh 7 nghìn đồng/kg, ớt tươi 7 - 8 nghìn đồng/kg (có thời điểm lên tới 15 - 20 nghìn đồng/kg)…, nhìn chung giá cả ổn định. Dù sản lượng không cao như vụ đông xuân nhưng nhờ giá cả ổn định, đầu ra dồi dào nên đời sống của người dân sản xuất rau màu vẫn đảm bảo.

Nông dân trồng bí hồ lô vùng bãi bồi ven sông Vu Gia phấn khởi vì giá cao, đầu ra ổn định. Ảnh: TRIÊU NHAN
Nông dân trồng bí hồ lô vùng bãi bồi ven sông Vu Gia phấn khởi vì giá cao, đầu ra ổn định. Ảnh: TRIÊU NHAN

Lâu nay, nông sản của người dân ở các vùng trồng rau màu của Đại Lộc luôn được các công ty liên kết sản xuất bao tiêu sản phẩm hoặc được thương lái tới tận nơi thu gom để bỏ mối tại các chợ. Nhờ đó, cung - cầu về nông sản luôn ổn định. Ông Hoàng Văn Hạo, một chủ đại lý thu gom ở Bàu Tròn cho hay, do nắng hạn, nguồn cung không nhiều nên mỗi ngày cơ sở ông chỉ thu gom chừng 1 tạ hàng các loại: khổ qua, dưa leo, bí đỏ, ớt, đu đủ, đậu cô ve… đi chợ đầu mối. Không chỉ ở vùng Bàu Tròn, ông Hạo còn bao tiêu nông sản tại các vùng khác trên địa bàn huyện. Ngoài các tiểu thương trong vùng, HTX Nông nghiệp Đại An cũng đứng ra bao tiêu cho nông dân một số mặt hàng, đầu tư hệ thống đường bê tông đến các cánh đồng, thủy lợi hóa đất màu, khoan giếng đóng nước tại đồng để chủ động nước tưới trong mùa hạn.

Ngoài Bàu Tròn, các cánh đồng Tây An, Ấp Bắc (Đại Minh), gành Mỹ Hảo, Thuận Mỹ (Đại Phong), thôn 6 (Đại Hưng)… cũng trở thành những điểm cung ứng nông sản của vùng Đại Lộc. Ở Tây An, Ấp Bắc, mùa nắng này bà con chỉ trồng ớt, khổ qua, dưa leo, bí đao chanh, đậu đũa, đậu cô ve… Ông Nguyễn Hữu Hiệp, một người dân canh tác tại Tây An chia sẻ, gia đình tôi canh tác cả thảy 7 sào đất, trong đó trồng một sào rưỡi ớt, kể cả bán tươi lẫn khô được 25 triệu đồng, diện tích còn lại trồng cà chua, đậu cô ve, đậu đũa, dưa leo…, thương lái tới tận nơi thu gom với giá 5 - 10 nghìn đồng/kg... Ngày nào cũng có người đến gom hàng, năng suất không cao do khô hạn nhưng bù lại, giá cả ổn định, nhà nông duy trì đều đặn nguồn thu để đảm bảo đời sống. Hơn nữa, làm cây màu có giá trị kinh tế cao hơn hẳn so với trồng lúa nên nhiều nông dân thuê đất sản xuất.

Nông sản chủ lực

Vụ đậu xanh xuân hè này, nhiều hộ ở Đại Minh và các vùng khác cũng xuống giống và đạt năng suất khá, bình quân 1 sào đậu xanh cho thu nhập khoảng 5 triệu đồng. Theo thống kê, vụ xuân hè 2016, nông dân toàn huyện Đại Lộc gieo trồng hơn 578ha đậu xanh, tập trung nhiều nhất ở khu vực bãi bồi ven sông và vùng đất lúa chuyển đổi. Các xã Đại An, Đại Cường, Đại Phong, Đại Quang, Đại Nghĩa, Đại Lãnh... là những địa phương có diện tích trồng lớn. Trong số 578ha nói trên, có 300ha thuộc vùng liên kết sản xuất hạt đậu xanh giống với Công ty Giống cây trồng miền Nam và 85ha đậu xanh được gieo trồng trên đất lúa chuyển đổi do khó khăn về nguồn nước tưới. Đến thời điểm này, nông dân đang tiến hành thu hoạch, năng suất đậu xanh bình quân 1ha từ 18 đến 20 tạ. Với giá bán dao động 25 - 26 nghìn đồng/kg, 1ha đậu xanh xuân hè giúp nông dân thu lãi khoảng 40 triệu đồng.

Trong khi đó, vùng cát bồi ven sông Vu Gia thuộc ghềnh Mỹ Hảo và thôn Thuận Mỹ (xã Đại Phong), nơi được xem là vựa bí đỏ với hàng chục héc ta, nông dân đang phấn khởi vì bí đỏ đạt năng suất cao, giá cả cao gấp 3 - 4 lần so với thời điểm năm trước. Theo ông Nguyễn Đức Khôi, một người dân thôn Mỹ Hảo, 1 sào đất bồi trồng bí đỏ hồ lô nếu đầu tư tưới ổn định cho năng suất khoảng 500kg, với giá bán 6 - 7 nghìn đồng/kg, nông dân thu lãi ròng 2,5 - 3 triệu đồng. Giống bí hồ lô trái nhỏ, chặt thịt, thơm ngon, được thị trường ưa chuộng, đến kỳ thu hoạch, thương lái tới tận nơi thu gom nên bà con đỡ vất vả trong khâu tiêu thụ. Hơn nữa, giống này nhiều năm qua được trồng khá thuận lợi ở vùng đất bồi cát ven sông Thuận Mỹ và ghềnh Mỹ Hảo này. Chỉ tính riêng tổ 1 của thôn Mỹ Hảo có hơn 50% số hộ trồng bí với diện tích lên tới hàng chục héc ta. Hộ trồng ít nhất khoảng 2 sào, hộ trồng nhiều lên tới 5 sào hoặc cả mẫu. Riêng hộ ông Nguyễn Đức Khôi trồng đến 7 sào, thu hoạch cả thảy, gia đình ông thu lãi 18 - 20 triệu đồng/vụ. “Giống bí hồ lô dễ trồng, ít tốn công chăm sóc, lại hợp với thổ nhưỡng nên được người dân vùng này trồng nhiều. Nhưng để có năng suất, đòi hỏi bà con phải tưới đủ nước trong mùa khô. Rất mong Nhà nước cấp điện ở vùng chuyên canh rau màu ở Mỹ Hảo (cột, dây điện đã có) để bà con thuận lợi trong việc tưới tiêu” - ông Khôi nói.

Mùa này, tại các xã Đại Sơn, Đại Hồng, giá cả của thơm (dứa) không cao đột biến như dịp tết, nhưng cũng khá ổn định. Trung bình mỗi chục dứa (10 trái) loại lớn có giá dao động 70 - 80 nghìn đồng. Thu hoạch một vụ dứa, nhiều người có trong tay vài chục triệu đồng. Nơi mảnh đất nghèo khó vùng tây Đại Lộc, cây dứa đã giúp cư dân các xã Đại Sơn, Đại Lộc thoát nghèo. Chiều nào, tầm 2 giờ trở đi, bến đò Hội Khách (Đại Sơn) là điểm giao thương, trung chuyển thơm từ trên núi bằng đường sông về để tập kết, đưa lên các xe tải chờ sẵn đưa về xuôi tiêu thụ. Ngoài bến Hội Khách, người trồng thơm vùng tây Đại Lộc còn vận chuyển hàng từ núi về điểm tập kết Khe Hoa bằng cộ do trâu kéo, nơi thương lái chờ sẵn.

Có thể nói, đây là thời điểm giá cả nông sản không nhảy vọt, không tăng đột biến, song chính sự duy trì khá ổn định về giá cả và đầu ra giúp nhiều nông dân Đại Lộc có nguồn thu nhập đáng kể.

TRIÊU NHAN (Báo Quảng Nam)

Tin mới đăng

Xem nhiều nhất