CHÀO MỪNG CÁC BẠN ĐẾN VỚI TRANG TTĐT TRUNG TÂM VĂN HÓA - THỂ THAO VÀ TRUYỀN THANH - TRUYỀN HÌNH HUYỆN ĐẠI LỘC

Hôm nay:18/10/2024

Nhà giáo ưu tú Đinh Thị Bích Nga với sự nghiệp trồng người

Dân tộc ta có truyền thống “Tôn sư trọng đạo”, nét đẹp ấy đã được bao thế hệ người Việt Nam kế thừa và phát triển. Vì vậy, từ xưa đã lưu truyền câu ca dao “Muốn sang thì bắc cầu kiều, muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy”. Sở dĩ họ được  coi trọng như vậy vì họ là tượng trưng cho những gì chuẩn mực và tốt đẹp nhất, họ chính là người thực hiện sứ mệnh cao quý “ươm mầm cho cái thế hệ”, đem đến cho đời những con người có học vấn, năng lực, nhân cách cao đẹp để giúp ích cho đời, cho dân, cho nước. Trong số đó những nhà giáo ưu tú đó có nhà giáo ưu tú Đinh Thị Bích Nga, cô là một chân dung về hình ảnh người thầy nặng lòng với  sự nghiệp “Trồng người”

Sau cái hẹn chúng tôi tìm gặp cô Đinh Thị Bích Nga, sau giờ giải lao tại trường THCS Kim Đồng ( Xã Đại Đồng, huyện Đại Lộc), dù bận rộn với công tác chuyên môn của trường nhưng cô vẫn dành thời gian tiếp đón chúng tôi. Là một Nhà giáo ưu tú với nhiều năm công tác trong nghề và đạt nhiều thành tích xuất sắc. Hiện nay, với cương vị là một Hiệu trưởng nhưng dáng vẻ bề ngoài của cô hết sức giản dị, thanh tao, có thể nói sự nhiệt tình, trách nhiệm và “say” nghề là những gì chúng tôi cảm nhận khi trò chuyện với cô.

Xã Điện Phước, huyện Điện Bàn là nơi chôn nhau, cắt rốn với đầy ắp những kỷ niệm của tuổi thơ, nhưng Đại Lộc lại chính là mảnh đất lành chim đậu để cô giáo Bích Nga sinh cơ, lập nghiệp, là quê hương thứ hai đã bồi đắp nên những tố chất, tâm hồn để người con gái ấy suốt cả cuộc đời say sưa gắn bó với sự nghiệp trồng người. Sinh ra là lớn lên trong một gia đình gia giáo nên cô thừa hưởng cái phong cách nho nhã của người bố, cộng thêm cái cần cù đôn hậu của người mẹ nên từ nhỏ cô đã được bố mẹ cô đã truyền cho nguồn cảm hứng vô tận để rồi niềm yêu mến cái nghề “ gõ đầu trẻ” đến với cô từ những năm tháng chập chững bước vào đời để sau này cô dệt lên cho cuộc đời nhiều bông hoa ngát hương.

Là sinh viên trường Đồng Khánh (Huế), năm 1982 cô giáo trẻ Bích Nga rời ghế nhà trường bước chân vào ngành giáo dục, nơi đầu tiên cô công tác là trường THCS Điện Phước, Điện Bàn, đây cũng chính là quê hương của cô. Dạy khoảng 4 năm cô được điều động đến trường THCS Phù Đổng ( xã Đại Hồng, Đại Lộc), một vùng đất nghèo, nhiều núi đồi, đường sá gập ghềnh, đời sống người dân lại bộn bề gian khó, cái đói luôn rình rập vậy nên chuyện cho con  đến trường học chữ là chuyện nằm ngoài sức tưởng tượng của người dân nơi đây. Tuy nhiên, những khó khăn đó không làm chùn bước người giáo viên trẻ đầy lòng nhiệt huyết này.

Thời gian cứ trôi, tình người bén rễ cùng mảnh đất, kỉ niệm về những lứa học trò nghèo với đôi mắt trong veo, thơ ngây đã giữ chân cô ở lại. Cô lập gia đình, sinh con và giành tâm huyết vào công việc. Vốn là giáo viên dạy sử, cô đã truyền cảm hứng yêu sử nhà vào tâm hồn các lứa học sinh “Dân ta phải biết sử ta” vậy nên cứ mỗi lần đến tiết sử của cô thì lũ học trò lại tưng bừng, sôi nỗi phát biểu, nhiều lúc chúng ngơ ngác, ngạc nhiên khi nghe những gì cô truyền thụ cho chúng nó, đứa nào cũng sôi sục trong lòng tình yêu mến quê hương, đất nước. Những lứa học trò của cô lớn lên rồi trưởng thành nhưng đứa nào cũng nhớ mãi những bài sử cô dạy. Đến năm 2010, cô được điều đến làm Phó hiệu trưởng trường THCS Võ Thị Sáu( xã Đại Phong), một xã miền núi phía Tây của huyện Đại Lộc, để đến được đây cô phải đi vượt hơn 20 km đường đèo. Những ngày đầu mới nhận công việc tuy lạ người lạ cảnh nhưng cô vẫn làm tốt công việc được giao. Để làm gương cho cán bộ, giáo viên trong trường noi theo, bản thân cô luôn tự xây dựng cho mình một lối sống giản dị, lành mạnh, khiêm tốn học hỏi; cần kiệm, chí công vô tư; sống và làm việc vì sự nghiệp giáo dục, vì học sinh thân yêu,cô hiểu rõ trách nhiệm, sứ mệnh của mình, cô chăm sóc quan tâm đến học sinh của mình bằng việc đến từng nhà, từng gia đình để tìm hiểu hoàn cảnh để kịp thời động viên. Kể từ ngày cô về, trường THCS Võ Thị Sáu dường như thay đổi hẳn, sân trường đầy sắc hoa tươi, lớp học thêm nhiều thiết bị, cán bộ giáo viên ngày càng mẫu mực, học trò chăm ngoan hơn…Với lối sống giản dị, nhân hậu, trung thực cô luôn được mọi người tin yêu, mến phục. Cô luôn căn dặn giáo viên của mình phải trau dồi kiến thức, yêu nghề, yêu người và luôn nêu cao tinh thần "Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức tự học, sáng tạo". Vì thế, suốt 2 năm liền kề cô giáo Nga đã góp phần rất lớn đưa trường THCS Võ Thị Sáu từ một trường trung bình trở thành trường có nhiều học sinh đạt giải trong các cuộc thi cấp huyện, tỉnh; nhiều giáo viên có sáng kiến hay…bộ mặt ngôi trường như được khoác một tấm áo mới.Năm 2012 vừa qua, cô lại một lần nữa được chuyển về công tác về trường THCS Kim Đồng, xã Đại Đồng để giữ chức vụ Hiệu trưởng cho đến bây giờ.

Với cái tuổi đã ngoài 50 nhưng lòng nhiệt huyết vẫn cháy bỏng trong lòng cô, không những dạy giỏi mà trong suốt những năm tháng công tác từ năm 1992- 2011, cô luôn liên tục đạt được những thành tích đáng tự hào khi 20 năm liền là giáo viên giỏi cấp huyện; 8 năm là chiến sĩ thi đua cấp tỉnh, cán bộ phụ trách xuất sắc cấp tỉnh, giáo viên giỏi cấp tỉnh, Đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và được nhà nước phong tặng danh hiệu “ Nhà giáo ưu tú” năm 2008. Không những thế, cô còn được Liên đoàn lao động Tỉnh công nhận danh hiệu “giỏi việc nước, đảm việc nhà” giai đoạn 2005 -2009, được UBND Tỉnh Quảng Nam tặng huy hiệu Quảng Nam 10 năm xây dựng & phát triển, được BGD &ĐT tặng huy chương vì sự nghiệp giáo dục và nhiều bằng khen khác. Nhưng có thể nói điều mà khiến nhiều thầy cô giáo trẻ và các học sinh ngưỡng mộ khi cô đạt giải nhì tại Hội thi biên soạn kế hoạch bài dạy và ứng dụng CNTT trong dạy học do GĐ Sở GD&ĐT Quảng Nam ban tặng. Điều này chứng tỏ tuổi tác không là rào cản khiến cô chùn bước trước những khó khăn khi ứng dụng CN- TT vào cách dạy.Phương châm dạy học của cô là không có sự khô cứng, ép buộcmà  thầy và trò cùng tham gia học tập và nghiên cứu một cách thoải mái, tự nhiên. Không chỉ dạy bằng những kiến thức, cô Nga còn dạy học trò bằng cả tấm lòng và sự chăm chút như chính những đứa con của mình. Có lẽ cũng chính vì thế mà bao thế hệ học trò của cô vẫn luôn thầm cảm phục về một người thầy hết lòng vì học sinh.

Giờ đây, với cương vị là Hiệu trưởng nhà trường, dù thời gian làm việc  bận rộn, ít tham gia công tác giảng dạy, nhưng cô vẫn nhiệt tình, say sưa truyền đạt những kinh nghiệm cho đồng nghiệp. Với cô Nga, thành công trên mỗi bước đi của các học trò xuất phát từ trách nhiệm của người thầy. Vì vậy, cô không bao giờ cho phép mình thỏa mãn, bằng lòng với chính mình, cô luôn tâm niệm  rằng mỗi một lần được tặng phần thưởng cao quý là một lần được hun đúc khí thế, nhân lên niềm đam mê cống hiến cho nghề nghiệp.  Có thể nói, nghề nhà giáo là “Nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý” và tấm gương về nhà giáo ưu tú Bích Nga là một trong những tấm gương tiêu biểu về hình ảnh người thầy tận tâm, tận tụy, thanh cao, sống hết lòng vì sự nghiệp giáo dục. 

                                                                                                              Bích Liễu

 

 

Tin mới đăng

Xem nhiều nhất