-
Lãnh đạo tỉnh thăm Nhà giáo ưu tú Đỗ Xuân Thưởng - 2024-11-22
Hôm nay:24/11/2024
Hai bên dòng sông Vu Gia thuộc thôn Phú Lộc xã Đại An và thôn 10 Đại Cường đã được nối đôi bờ nhờ chiếc cầu phao do anh Lê Tất Dũng tự bỏ tiền ra xây dựng.
Anh Dũng làm cầu phao
Người dân hồ hỡi tham gia làm cầu
Ngày trước sản xuất nông nghiệp nơi đây rất trở ngại, nguyện vọng lớn nhất của người nông dân là có được cây cầu tốt để đi lại và vận chuyển nông sản một cách dễ dàng. Trước đây, nơi đây có tên gọi là bến đò Dốc Đá, nói dốc đá vì ở đây dốc dữ lắm người dân muốn di chuyển từ bên này sông qua bên kia sông phải tốn rất nhiều công sức đi đò. Vì vất vả quá người ta mới cho làm cây cầu tre nhưng cũng chỉ được một thời gian ngắn, mỗi mùa nước lũ đi qua cây cầu lại cuốn trôi theo dòng nước.
Hoàn thành giai đoạn cuối cây cầu phao
Được biết lượng người lưu thông qua nơi này rất nhiều, đặc biệt là người dân thôn 10, xã Đại Cường. Được coi như là ốc đảo bao quanh sông nước, người dân ở đây làm gì cũng vất vả, đời sống rất khó khăn. Xây dựng cây cầu, là xây dựng biết bao ước mơ của người dân nơi đây. Biết được trăn trở của những người dân cũng như ý định nung nấu từ lâu. Anh Lê Tất Dũng người con quê hương thôn Phú Lộc - Đại An đã mạnh dạng dùng số tiền đã dành dụm hơn 20 năm của mình để xây dựng cây cầu phao, giúp người dân trong các thôn thuận lợi lưu thông qua khu vực này. Anh âm thầm lặng lẽ một mình tự bỏ tiền túi, tự thiết kế và thi công một cây cầu phao bắt qua sông Vu Gia. Anh Lê Tất Dũng tâm sự: “Trước đây mình thấy người dân đi cầu tre quá nguy hiểm. Nhiều lần chứng kiến cảnh người và xe máy đi trên cầu tre rớt xuống sông rất đau lòng, hơn nữa mỗi lần thấy người dân gồng gánh phân tro qua sông để sản xuất cực khổ là mình cảm thấy áy náy vô cùng. Cũng chính nhờ động lực này mà mình nung nấu ý định xây cầu, dành dụm được bao nhiêu tiền mình quyết tâm thực hiện nó. Bản thân mình làm cây cầu này với mong muốn góp phần nhỏ của mình vào xây dựng quê hương, chứ lợi ích thì chưa dám nghĩ tới.”
Bằng lòng quyết tâm, sự nỗ lực của bản thân cũng như sự giúp đỡ của bà con. Cuối cùng cây cầu cũng được hạ thủy với tổng chiều dài 78mét, chiều rộng mặt cầu là 2mét, trọng tải 750kg. Nhiều người dân biết tin anh Dũng xây dựng cây cầu đã tình nguyện làm cùng anh từ khâu vận chuyện vật liệu đến việc lắp ráp cây cầu phao này. Cảm kích tấm lòng của anh chính quyền địa phương đã quyết định cho anh 5 sào đất để canh tác, biết là nhỏ so với những gì anh bỏ ra, nhưng đấy cũng là món quà khích lệ tinh thần cho anh. Ông Huỳnh Sáu - Chủ tịch UBND xã Đại An cho biết, xã Đại An có hơn 100 ha đất sản xuất nông nghiệp bên kia sông Vu Gia. Hằng năm người dân nơi đây bỏ ra vài chục triệu đồng, hàng trăm ngày công để làm cầu tre nhưng đến lũ tiểu mãn tháng tư thì cầu đã trôi, nhiều lần địa phương đã kiến nghị các cấp để xây dựng một cây cầu như đến nay vẫn chưa thực hiện được. Đối với anh Lê Tất Dũng tuy rất khó khăn về nhà ở nhưng anh đã bỏ tiền, công sức để xây dựng cây cầu phao, đến nay cây cầu đã được khánh thành và đưa vào sử dụng, bà con nhân dân rất phấn khởi. Theo ông Nguyễn Văn May, trưởng thôn Phú Lộc tâm sự, anh Dũng sống rất giản dị, anh được mọi người quý mến rất và khâm phục. Dù nhà cửa chưa xây dựng kiên cố, cuộc sống còn khó khăn chật vật nhưng anh đã dùng hết số tiền đã dành dụm hơn 250 triệu đồng để làm cầu phao. Biết được việc làm ý nghĩa thiết thực của anh Dũng, UBND huyện Đại Lộc đã hỗ trợ cho anh 20 triệu đồng, bà con nhân dân trong thôn hỗ trợ 140 ngày công, bạn đọc báo khắp nơi đã hỗ trợ cho anh gần 50 triệu đồng và một số vật liệu khác.
Ngôi nhà tạm bợ của anh Dũng
Hai bên dòng sông Vu Gia thuộc thôn Phú Lộc xã Đại An và thôn 10 Đại Cường đã được nối đôi bờ nhờ chiếc cầu phao do anh Lê Tất Dũng tự bỏ tiền ra xây dựng. Và từ đây chắc rằng mỗi khi ngang qua chiếc cầu đầy nghĩa tình này, người dân sẽ luôn luôn nhắc đến anh, người đã tình nguyện làm nhịp cầu nối đôi bờ.
Cắt băng khánh thành cầu phao Phú Lộc