CHÀO MỪNG CÁC BẠN ĐẾN VỚI TRANG TTĐT TRUNG TÂM VĂN HÓA - THỂ THAO VÀ TRUYỀN THANH - TRUYỀN HÌNH HUYỆN ĐẠI LỘC

Hôm nay:08/09/2024

Xây dựng xã văn hóa – nhìn từ Đại Thắng

Tròn 10 năm phát động và triển khai thực hiện, năm 2012, Đại Thắng (Đại Lộc) được công nhận danh hiệu xã văn hóa. Hành trình 10 năm ấy là cả một quá trình phấn đấu không ngừng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương, để lại nhiều kinh nghiệm quý.

Kế thừa và phát huy giá trị di sản của cha ông

Nằm ven sông Thu Bồn, Đại Thắng từ lâu đã có vị trí khá quan trọng trong giao lưu kinh tế, văn hoá của vùng B Đại Lộc. Chợ Phú Thuận vốn là một trong những chợ sầm uất nhất ở Đại Lộc vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, từng được lưu danh trong cuốn Đại Nam nhất thống chí. Bằng trí thông minh, ham học hỏi, nhân dân Đại Thắng đã sáng tạo và nuôi dưỡng nhiều vốn quý văn hoá còn lưu truyền đến ngày nay như tuồng cổ, sắc bùa và các làn điệu dân ca đặc sắc cùng những giai thoại cười kỳ thú, thấm đẫm chất trí tuệ, biểu hiện rõ ý thức chống bất công xã hội, chống cường quyền phong kiến. Đại Thắng còn là nơi sinh danh sĩ Tú Quỳ, nhà thơ Trinh Đường và nhiều nhân vật khác nổi tiếng cả nước.


Cổng chào của tổ đoàn kết số 4-thôn Xuân Đông do nhân dân đóng góp xây dựng

Trong những năm tháng mưa bom bão đạn, "một mất, một còn" với kẻ thù, địa đạo Phú An - Phú Xuân là nơi đứng chân của Tỉnh uỷ Quảng Đà và nhiều cơ quan lãnh đạo của tỉnh, huyện và là bàn đạp quan trọng để các lực lượng vũ trang trụ bám đánh Mỹ ở đồng bằng. Sinh thời, đồng chí Phạm Đức Nam, nguyên Chủ tịch UBND cách mạng tỉnh Quảng Đà đã nhận xét rất sâu sắc rằng: địa đạo Phú An - Phú Xuân là "công lao đóng góp to lớn của nhân dân Đại Thắng đối với sự nghiệp cả tỉnh". Và, chính trên bãi cát Giảng Hoà nằm bên dòng sông Thu Bồn, Tiểu đoàn 1 (mang mật danh R20) - Tiểu đoàn tập trung đầu tiên của các lực lượng vũ trang Quảng Đà đã ra đời trong sự đùm bọc, nuôi dưỡng của nhân dân địa phương, để rồi trở thành đơn vị Anh hùng LLVTND, nổi tiếng về thành tích đánh giặc: "Trên trời có phản lực cơ/ Dưới đất có R20". Kết thúc các cuộc kháng chiến trường kỳ nhưng anh dũng của dân tộc, Đại Thắng vinh dự là địa phương đầu tiên của huyện Đại Lộc được tuyên dương danh hiệu Anh hùng LLVTND (năm 1978). Toàn xã có 5 cá nhân Anh hùng LLVTND và trên 160 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng.

Ông Mai Xuân Anh, Bí thư Đảng ủy xã Đại Thắng khẳng định: giá trị các di sản của cha ông là nền tảng và điểm tựa rất quan trọng để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương xây dựng xã văn hóa. Với nhận thức đó, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, song Đại Thắng vẫn quyết tâm đầu tư xây dựng và hoàn thành Khu di tích lịch sử cách mạng Tượng đài Chiến thắng cầu Ông Nở- di tích lịch sử cấp tỉnh- với tổng kinh phí đầu tư trên 1,5 tỷ đồng- công trình trân trọng và ghi nhớ những chiến công đánh Mỹ nổi tiếng của du kích xã phối hợp với bộ đội huyện và Tiểu đoàn 1 (R20) tại đây, có tác dụng cổ vũ mạnh mẽ tinh thần và quyết tâm đánh Mỹ và thắng Mỹ với câu ca: "Lấy xác Mỹ xây cầu Ông Nở/ Cho Long - An nối lại Phú Bình". Đại Thắng cũng đã phối hợp, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các cơ quan chức năng của tỉnh tổ chức trùng tu di tích lịch sử cấp quốc gia địa đạo Phú An - Phú Xuân- một "địa chỉ đỏ" giáo dục lòng yêu nước và truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.  Hào khí cách mạng của quê hương anh hùng còn được Đại Thắng khơi dậy và phát huy thông qua việc tổ chức sưu tầm, biên soạn và phát hành các tập sách "Lịch sử Đảng bộ xã Đại Thắng" (giai đoạn 1930- 1975 và 1975- 2010) và đĩa nhạc dân ca- bài chòi "Hát về Đại Thắng anh hùng" (sưu tầm những bài dân ca, hò vè viết về đất và người Đại thắng qua các thời kỳ).


Các ấn phẩm đã được Đại Thắng phát hành, có tác dụng giáo dục lòng yêu nước
và truyền thống cách mạng của quê hương.

Đã trở thành thông lệ, nhân kỷ niệm năm chẵn hoặc năm tròn ngày đón nhận danh hiệu Anh hùng LLVTND, xã tổ chức Lễ mit-ting toàn dân ôn lại truyền thống đấu tranh cách mạng của quê hương, qua đó phát động nhân dân tích cực tham gia xây dựng xã văn hóa.

Chú trọng xây dựng đời sống văn hóa cơ sở.

Xác định phương châm: xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở chính là quá trình phát huy nội lực tại chỗ cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, trong những năm qua, Đại Thắng đã huy động từ nhiều nguồn lực để đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa- thể thao. Các cụm văn hoá thôn đều có từ 5 hạng mục trở lên, trong đó có sân thi đấu thể thao và sân khấu ngoài trời phục vụ tốt cho việc tổ chức hoạt động trong cộng đồng khu dân cư. Một số tổ đoàn kết ở các thôn: Xuân Đông, Xuân Nam, Bình Tây đã xây dựng cổng chào, trị giá mỗi cổng từ 20 - 40 triệu đồng. Tổng giá trị các công trình do nhân dân đóng góp xây dựng trong năm 2012 gần 400 triệu đồng. Bên cạnh đó, địa phương cũng đã bố trí 7.200m2 đất để phục vụ công trình văn hoá thể thao; đầu tư nâng cấp sân vận động xã và nhà đa năng xã với tổng trị giá gần 1,4 tỷ đồng. Cùng với đầu tư cơ sở vật chất về văn hóa, toàn xã có 12 câu lạc bộ thơ, dân ca, cầu lông và 8 câu lạc bộ dưỡng sinh (của Hội Người cao tuổi) duy trì hoạt động thường xuyên, thu hút đông đảo hội viên tham gia.

  Điểm đáng ghi nhận nữa ở Đại Thắng là phong trào xây dựng đời sống văn hoá từng bước đi vào chiều sâu, gắn kết với cuộc vận động gia đình “No ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc” do Hội Nông dân và Hội Liên hiệp Phụ nữ xã phát động. Năm 2012, có 1.545 gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hoá, 5 thôn được phúc tra công nhận danh hiệu thôn văn hóa cấp huyện (trong đó có 1 thôn đề nghị công nhận thôn văn hoá cấp tỉnh). Bên cạnh việc xây dựng thôn văn hóa, gia đình văn hóa, địa phương đã phát động xây dựng tổ đoàn kết văn hóa với các tiêu chí cụ thể- coi đây là một trong những "nền tảng" để đảm bảo tính bền vững của phong trào xây dựng thôn, xã văn hóa. Đây là nét mới của Đại Thắng so với các địa phương khác trong huyện.

Hằng năm, ngoài việc tuyên dương, khen thưởng trong Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc (18/11) tại các thôn, Đại Thắng còn tổ chức Hội nghị tổng kết, tuyên dương các gia đình văn hóa tiêu biểu, đồng thời đánh giá rút kinh nghiệm những công việc làm được, chưa làm được. Nhờ vậy, cán bộ, đảng viên và nhân dân càng nhận thức đầy đủ hơn trách nhiệm của mình trong việc xây dựng xã văn hóa; mặt khác, còn tạo được sự gắn kết hơn giữa các thành viên trong cộng đồng khu dân cư cũng như giữa bà con Đại Thắng xa quê với quê nhà.

Kết hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa phát triển văn hóa và kinh tế

 Những năm qua, Đại Thắng đã đầu tư mạnh và có hiệu quả cho lĩnh vực văn hóa- xã hội. Công tác giáo dục- đào tạo được chăm lo đúng mức, chất lượng dạy và học được nâng lên, số lượng học sinh thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp ngày càng tăng. Đến nay, xã đã được công nhận đạt chuẩn về phổ cập tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập THCS; các trường trên địa bàn xã được công nhận đạt chuẩn quốc gia giai đoạn I. Mạng lưới y tế từ xã đến thôn được tăng cường, thực hiện tốt các chương trình y tế quốc gia, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân. Là địa phương có số lượng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng và gia đình chính sách, người có công nhiều nhất huyện, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Đại Thắng luôn dành sự quan tâm lớn đối với công tác đền ơn đáp nghĩa, góp phần chia sẻ và làm vơi đi những mất mát, đau thương của các thương binh, gia đình liệt sĩ, gia đình có công với nước. Đã có hơn 150 nhà tình nghĩa được xây dựng và bàn giao. Các đối tượng xã hội, người già neo đơn, trẻ em mồ côi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời. Đại Thắng đã được cấp trên công nhận là xã xóa xong nhà dột nát. Tỷ lệ  hộ nghèo giảm xuống còn 8,56% (theo tiêu chí mới).

   Những kết quả đạt được trên lĩnh vực văn hóa- xã hội gắn liền với nỗ lực và kết quả của địa phương trong phát triển kinh tế. Những ai từng chiến đấu, công tác ở Lộc Quý (tên gọi của Đại Thắng thời chống Mỹ) khi trở lại không khỏi ngỡ ngàng trước sự "thay da, đổi thịt" một cách ngoạn mục của một vùng đất từng là "vành đai trắng" trong chiến tranh hủy diệt của kẻ thù. Tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm đạt 14 %; cơ cấu chuyển dịch theo hướng tích cực, giảm dần tỷ trọng ngành nông nghiệp. Xuất hiện ngày càng nhiều mô hình sản xuất cho thu nhập từ 50 – 100 triệu/năm/ha. Sau công tác "dồn điền, đổi thửa", địa phương đã tăng cường đưa cơ giới hoá vào đồng ruộng nhằm giải phóng sức lao động, nâng cao năng suất cây trồng và đầu tư xây dựng cánh đồng mẫu tại thôn Bình Tây để sản xuất lúa giống, tăng thêm thu nhập 800 nghìn đồng/sào so với sản xuất thóc thịt. Các ngành nghề truyền thống như chằm nón, kết chổi, đan đát ở các thôn: Giảng Hoà, Phú An, Xuân Đông được phục hồi và phát triển. Chợ Phú Thuận được đầu tư và nâng cấp, hoạt động hiệu quả, từng bước tiến đến xây dựng chợ văn hoá. "Nếu như trong kháng chiến chống ngoại xâm, phương châm "hai chân, ba mũi giáp công" đã góp phần làm nên một Đại Thắng anh hùng thì ngày nay chính nhờ kết hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa "hai chân", đó là phát triển văn hóa và kinh tế, đã hình thành diện mạo một xã văn hóa, tạo tiền đề thuận lợi để xã chúng tôi phấn đấu đạt mục tiêu cao hơn: được công nhận xã nông thôn mới vào năm 2018"- Chủ tịch UBND, Trưởng Ban chỉ đạo phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" xã Đại Thắng Hồ Văn Chín nhấn mạnh.

- Vân Trình -

Tin mới đăng

Xem nhiều nhất