Được viết ngày Thứ hai, 29 Tháng mười hai 2014 08:39
Lượt xem: 833
Đại Tân, một xã miền núi thuộc vùng B của huyện Đại Lộc được thành lập cách đây 20 năm. Khoảng thời gian không dài nhưng chứa đựng trong đó là cả một sự bền bỉ, cố gắng và kiên định của quân và dân để làm nên một diện mạo Đại Tân đầy sức sống. Được biết, Đại Tân được sát nhập từ các thôn Mỹ Nam của xã Đại Phong, Xuân Tây và ½ thôn Phú Phong của xã Đại Thắng, thôn Thạnh An của xã Đại Chánh theo quyết định 102/NĐ –CP của thủ tướng chính phủ vào ngày 28/8/1994 về việc điều chỉnh địa giới hành chính và thành lập một số xã mới của huyện Đại Lộc. Những ngày đầu thành lập, xã Đại Tân chỉ có 04 thôn với 1.712 hộ gia đình và 6.969 nhân khẩu, dân cư chủ yếu sống trên các gò, đồi, đời sống hết sức khó khăn, cơ sở vật chất thiếu thốn nhất là điện, nước, cái đói, cái nghèo luôn đeo bám người dân. Cơ sở vật chất, nơi làm việc của cán bộ xã chưa có nên phải mượn tạm nhà dân. Cứ tưởng chừng như bao nhiêu khó khăn, vất vả đó có thể làm nản lòng, chùn bước những người cán bộ trẻ và người nông dân nơi đây.
Xác định nông - lâm nghiệp là ngành kinh tế then chốt của địa phương, qua từng giai đoạn, từng thời kì chính quyền xã Đại Tân đã có những chủ trường, đường lối đúng đắn nhằm đầu tư, xây dựng các phương án phát triển phục vụ sản xuất, tổ chức nhiều hoạt động giúp nông dân vươn lên thoát nghèo, nâng cao thu nhập bằng việc hỗ trợ giống, con vật nuôi chất lượng tốt, phổ biến các kĩ thuật chăn nuôi , hội thảo đầu bờ cho người dân. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên những vùng đất xấu, treo nước cho năng suất thấp sang trồng những loại cây thích hợp...Vậy nên từ những ngày đầu khó khăn, thường xuyên bị thiếu đói Đại Tân đã trở thành xã tự chủ về nguồn lương thực, đời sống người dân dần khá lên. Để phong trào xây dựng NTM thực sự lan rộng, ảnh hưởng trong nhân dân. Các cấp ban ngành xã Đại Tân đã tuyên truyền phổ biến dưới nhiều hình thức như hội thảo, tọa đàm, treo băng rôn, pano....về 19/19 tiêu chí NTM. Phối hợp với các ban ngành, đoàn thể xã như Hội phụ nữ, hội nông dân, CCB... tổ chức nhiều phong trào như“ Nuôi heo đất tiết kiệm’’, “ góp vốn quay vòng’’, “ giúp nhau phát triển kinh tế’’, “gia đình văn hóa, tộc họ văn hóa’’ gắn với phong trào “ Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa trong KDC’’...Đến nay, sau 3 năm triển khai xây dựng NTM đời sống người dân đã được nâng lên, diện mạo Đại Tân dần thay đổi. Trong 6 tháng đầu năm 2014, giá trị toàn ngành ước đạt 44,7 tỉ đồng, đạt 53,92 % kế hoạch đề ra, tăng 21,47 % so với cùng kì năm 2013. Sản lượng lương thực cây có hạt đạt 2.031 tấn ( trong đó lúa 1981 tấn, cây có hạt khá 50 tấn), năng suất bình quân đạt 65,51 tạ/ha.Lâm nghiệp cũng được quan tâm, chú trọng với tổng diện tích đạt 497 ha chiếm 34,5 % tổng diện tích tự nhiên tập trung ở phía Tây và Tây Bắc của xã. Mỗi héc ta đất lâm nghiệp mang lại thu nhập ổn định cho người dân từ 10 - 20 triệu đồng/năm. Ngoài ra, UBND xã còn tranh thủ các nguồn kinh phí hỗ trợ của huyện, nguồn tài trợ của các tổ chức phi chính phủ như AOG để làm tốt công tác tư vấn về kỉ thuật chăn nuôi và hỗ trợ giống, cây trồng cho những hộ nông dân nghèo trồng thí điểm nhằm phát triển kinh tế. Chương trình laisind hóa đàn bò tiếp tục được phát triển, tỷ lệ bò laisind chiếm 50 % tổng đàn. Hiện tại, toàn xã có hơn 10, 488 km đường liên thôn, liên xã được bê tông hóa, nguồn nước tưới khá ổn định nhờ hệ thống thủy lợi Khe Tân và hồ Hố Chình tưới tiêu cho gần 416.8282 ha đất sản xuất nông nghiệp, 6,638kmkênh mương được kiên cố, 14 cống tưới tiêu đã được đầu tư nâng cấp, nhiều cánh đồng mẫu cho năng suất lúa cao, áp dụng trồng rau sạch theo tiêu chuẩn Vietgap, thu nhập bình quân đầu người đạt gần 15 triệu đồng/ năm. Tỉ lệ hộ nghèo năm 2014là 20,1 %, giảm 3,3 % so với năm 2013. Toàn xã có 1.344/1.520 gia đình đạt danh hiệu gai đình văn hóa chiếm 88,4%, 2 thôn đạt danh hiệu thôn văn hóa đó là thôn Xuân Tây và thôn Phú Phong, 943/1241 giếng nước hợp vệ sinh đạt 75,99 %, 1088/1400 Hố xí Hợp vệ sinh đạt 77,71%, 794/1049 nhà tắm hợp vệ sinh đạt 75,69%. Tình hình ANTT được giữ vững, ANQP đạt được những thành tựu vượt bậc trong công tác tuyển quân với phương châm “ Quân không thiếu một người”, nhiều năm liền ANQP xã đạt danh hiệu đơn vị tiên tiến được huyện trao tặng giấy khen. Chất lượng chuyên môn của đội ngũ cán bộ, đảng viên xã đang dần được trẻ hóa để đáp ứng yêu cầu của tình hình mới. Có thể nói, với đức tính cần cù, sáng tạo cộng thêm lòng nhiệt huyết đầy trách nhiệm của quân và dân, khoảng thời gian 20 năm không đủ dài để mảnh đất nghèo khó này vươn mình bức phá…nhưng khát vọng vươn mình vẫn đang từng ngày được thắp lên trên quê hương Đại Tân. Về Đại Tân hôm nay, mọi người sẽ dễ dàng nhận thấy màu xanh ngút mắt trải dài khắp các cánh đồng, những khoảnh rừng keo nguyên liệu đã thay thế hoàn toàn đất trống, đồi trọc do vết tích chiến tranh và do nạn phá rừng. Đó là màu xanh của sự no ấm, màu của sự thoát nghèo. Nam Ngãi