Những năm qua, ngành chăn nuôi của huyện nhà đã có nhiều chuyển biến rõ nét, nhiều gia đình nông dân đã vươn lên làm giàu chính đáng, tuy nhiên thực tế cho thấy dịch bệnh vẫn thường xuyên bùng phát, chi phí đầu tư lớn, giá bán sản phẩm không ổn định nên lĩnh vực này phát triển thiếu bền vững. Vì vậy, trong thời gian tới, muốn tạo ra bước đột phá trong lĩnh vực chăn nuôi thì ngành chăn nuôi huyện phải cần nhiều giải pháp đồng bộ, thực thi để hướng đến chăn nuôi phát triển theo hướng bền vững
Trong tổng kết phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi giai đoạn 2012-2014, toàn huyện đã bình chọn được 9.601 hộ nông dân SXKDG các cấp, tăng 2.000 hộ so với giai đoạn 2010-2012. Không chỉ phát triển về số lượng, 3 năm qua, phong trào nông dân SXKDG Đại Lộc còn phát triển cả về chiều rộng lẫn chiều sâu khi số hộ đạt danh hiệu cấp tỉnh và trung ương chiếm 268/7644 hộ. Toàn huyện có hơn 7 trang trại và 60 gia trại, trong đó chủ yếu là các gia trại, trang trại đầu tư chăn nuôi đem lại hiệu quả kinh tế cao. Khiến cho bức tranh kinh tế huyện nhà đã từng bước chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng dần tỷ trọng của ngành chăn nuôi và giảm dần tỷ trọng của ngành trồng trọt. Từ những mô hình thành công, nhiều nông dân đã cải thiện thu nhập, trở nên khá giàu như mô hình nuôi gà đẻ trứng thương phẩm, gà thả vườn, dê, ba ba, cá nước ngọt thì nhiều hộ nông dân trên địa bàn huyện hướng đến mô hình nuôi bò lai, bò vỗ béo, nuôi heo siêu nạc… được xem như lựa chọn tốt nhất để hướng đến chăn nuôi theo hướng bền vững.
Tính đến cuối tháng 8.2014 tổng đàn bò của huyện Đại Lộc đạt 15.980 con, trong đó bò lai chiếm tỷ lệ 74%. Hiện nay toàn huyện đã hình thành gần 5 trang trại và vài chục gia trại chăn nuôi bò lai phổ biến ở một số xã như Đại Chánh, Đại Cường, Đại Lãnh, Đại Quang bình quân mỗi mô hình trang trại thả nuôi 10 -15 con, còn gia trại 3 – 5 con. Theo nhiều nông dân, bây giờ chỉ cần nuôi 4 con bò nái lai là mỗi năm họ đã thu về 60 - 70 triệu đồng từ tiền bán bò con. Còn đối với bò đực lai thì nuôi 1 con trong vòng 10 tháng sẽ kiếm được 11 triệu đồng tiền lãi mà đầu ra tương đối ổn định, ít dịch bệnh.
Ngoài chăn nuôi bò lai, nhiều nông dân trên địa bàn huyện cũng quan tâm đến việc đầu tư xây dựng mô hình chăn nuôi heo hướng nạc. Chị Lưu Thị Thu, một hộ chăn nuôi heo tại xã Đại Nghĩa cho biết : Mỗi năm gia đình chị nuôi 3 lứa, mỗi lứa 15 - 20 con heo thịt. Nhờ tiêm phòng triệt để nên lứa heo nào cũng phát triển tốt và không bị dịch bệnh gây hại. Hàng năm, trừ mọi chi phí, chị thu lãi ròng gần 100triệu đồng”.
Tuy ngành chăn nuôi trong những năm gần đây đã tạo được bước chuyển biến tích cực nhưng thực tế cho thấy ngành chăn nuôi của huyện vẫn còn gặp quá nhiều rủi ro. Năm nào dịch cúm A/H5N1, bệnh tai xanh, lở mồm long móng, dịch tả, phó thương hàn, tụ huyết trùng… cũng tái bùng phát và gây hại trên diện rộng tại một số địa phương. Ngoài ra, do giá thức ăn, con giống đầu vào ở mức cao, trong khi giá bán sản phẩm thấp và rất bấp bênh nên số tiền lãi mà người chăn nuôi thu được quá ít. Cũng từ những nguyên nhân đó mà nhiều năm nay lĩnh vực chăn nuôi chiếm tỷ trọng thấp trong tổng giá trị sản xuất của ngành nông nghiệp.Vì vậy, muốn đưa ngành chăn nuôi phát triển mạnh theo hướng hàng hóa và bền vững thì trước tiên phải đảm bảo an toàn dịch bệnh bằng việc tăng cường kiểm dịch bệnh, kiểm soát giết mổ và nhất là công tác tiêm phòng vacin, tiến tới nhân rộng mô hình dịch vụ thú y trọn gói. Bên cạnh đó phải tập trung kiện toàn lực lượng thú y cơ sở và thường xuyên tập huấn, đào tạo nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ này. Đây được xem là lực lượng chủ lực trong vấn đề tiêm phòng vắc xin cũng như đối phó với dịch bệnh.
Nhanh chóng quy hoạch những vùng chăn nuôi tập trung để xóa bỏ dần hình thức chăn nuôi nhỏ lẻ trong nông hộ nhằm hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường ở khu dân cư và ngăn chặn nguy cơ bùng phát các loại dịch bệnh. Để tạo được nhiều vùng chăn nuôi tập trung thì Nhà nước nên mạnh dạn giao đất, cho thuê đất dài hạn nhằm giúp các cá nhân và doanh nghiệp yên tâm sản xuất. Đặc biệt, nên có cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng như điện, đường, nước sạch… tại những khu chăn nuôi tập trung này.
Bích Liễu