-
Đại Nghĩa không còn nhà tạm, nhà bán kiên cố - 2024-11-29
Hôm nay:04/12/2024
Sáng ngày 03/4 (nhằm ngày 25 tháng 2 âm lịch), tại thôn Khương Mỹ, chính quyền và nhân dân xã Đại Cường tổ chức Lễ hội Bà Phường Chào năm 2024. Đến dự Lễ hội có ông Nguyễn Công Thanh, TUV, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; ông Lê Văn Quang, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện; ông Đặng Văn Kỳ, UVBTV Huyện ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện, lãnh đạo các ban ngành, đoàn thể của huyện, lãnh đạo xã Đại Cường cùng đông đảo bà con nhân dân trong và ngoài địa phương về tham dự.
Quang cảnh Lễ hội Bà Phường Chào năm 2024
Theo truyền thuyết dân gian và gia phả tộc Nguyễn ở Phiếm Ái châu, Bà Phường Chào sinh ngày 25-2 năm 1800 tại làng Phường Chào thuộc châu Phiếm Ái, nay là thôn Khương Mỹ, xã Đại Cường. Khi Bà sinh có điềm lạ, khói trắng che phủ một vùng. Lớn lên trở thành người con gái đẹp người đẹp nết, Bà thường bốc thuốc cứu người. Khi đã về cõi hư vô, Bà vẫn thường hiển linh, giúp đỡ dân lành, trừng trị kẻ ác. Nhờ Bà mà xóm vạn ghe ở Phiếm Ái châu bên dòng Vu Gia trở nên sầm uất, hưng thịnh. Nhân dân trong vùng lập dinh thờ Bà, gọi là Dinh Bà Phường Chào. Tương truyền, năm Tự Đức thứ 5, Bà vân du qua thôn Phước Ấm (Bình Triều, Thăng Bình), giúp dân nơi đây lập chợ, gọi là Chợ Được. Cảm ân đức bà, nhân dân lập miếu thờ và đệ đơn lên triều đình đề nghị phong chức. Vào năm Thành Thái thứ 6, Bà được phong “Dục Bảo Trung hưng Trung đẳng thần”. Đến năm Khải Định thứ 4, Bà được thăng từ “Trung đẳng thần” lên “Thượng đẳng thần”. Ngày 11 tháng Giêng âm lịch hằng năm, nhân dân vùng Chợ Được rước Cộ Bà, nhằm ngày rước sắc phong thần cho Bà ngày trước. Năm 2020, Lễ hội Bà Phường Chào đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Năm 2023, Dinh và Mộ Bà Phường Chào được UBND tỉnh Quảng Nam xếp hạng di tích cấp tỉnh.
Lễ hội Bà Phường Chào là một hình thái lễ hội dân gian, xuất phát từ mong ước cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, quốc thái dân an; là minh chứng cho sợi dây cố kết cộng đồng, tinh thần quê hương đất nước mà Đại Lộc là nơi hội tụ, giao thoa, tiếp biến văn hóa giữa miền núi với miền xuôi.
Nhật Duy