Hôm nay:05/12/2024
Vậy là đã bốn mươi năm! Bốn mươi năm, non sông liền một dải! Bốn mươi năm nói sao cho hết những niềm vui đạt được của Quảng Nam. Ở đây, tôi chỉ phác họa vài nét về đời sống ở nơi chôn nhau cắt rốn của tôi: huyện Đại Lộc!
Là người con xa xứ đã lâu, nhưng mỗi lần về thăm quê, lòng tôi không khỏi bồi hồi xúc động, bởi sau ngày đất nước bước vào thời kỳ Đổi mới (1986), quê nhà Đại Lộc của tôi cứ như được thay da đổi thịt từng ngày. Cái thời mưa bùn nắng bụi không còn. Cái thời ngọn đèn hột vịt lập lòe trong đêm như ánh đuốc ma Hời dọa nạt trẻ con không còn… Đường liên xã, liên thôn ở Đại Lộc bây giờ không trải nhựa thì cũng được đổ bê tông. Bây giờ, không ít nhà dùng giếng đóng, có bể lọc, bắt ống nước vào những nơi cần nước như ở chốn thị thành, nên cái ảng nước phủ rêu, cái gáo dừa đen láng theo thời gian, cái cán gáo bóng lên bởi tay cầm… trở thành vật quý hiếm. Cái cối đá giã gạo, cối đá xay bột cũng đã đóng mốc đóng meo nơi bụi tre, gốc duối, hoặc “trơ gan cùng tuế nguyệt” nơi góc vườn yên ả. Đi khắp huyện tìm cái nhà tranh để giới thiệu cho bạn bè, con cái hiểu thêm về cái nghèo khó một thời cũng không dễ, thậm chí chỉ còn biết tìm trong mộng…
Đại Lộc bây giờ đã có đội ngũ công nhân bản địa, vì có nhiều nhà máy được bà con xa quê về đầu tư, hoặc giới thiệu những nhà đầu tư đến với Đại Lộc. Hiện nay, Đại Lộc có tỷ trọng công nghiệp hóa cao, nhưng lĩnh vực nông nghiệp cũng chẳng hề yếu. Phần lớn người dân quê nhà đã biết làm giàu trên mảnh đất của mình bằng trí tuệ, chứ không chỉ bằng sự cần cù như lớp ông cha. Nông dân Đại Lộc bây giờ biết sản xuất rau sạch, biết chọn cây giống, con giống nào tốt nhất, có hiệu quả nhất để trồng trọt, chăn nuôi cho thu nhập ngày một khá hơn, chứ không phải “xưa bày nay bắt chước”… Trường học mở mang rộng khắp và đã có 58 trường đạt chuẩn quốc gia – con số nghe đơn giản nhưng không phải quận/ huyện nào trên đất nước này muốn là được. Năm nào, Đại Lộc cũng có hàng trăm cháu đỗ vào các trường đại học công lập.
Tròn bốn mươi năm nhìn lại, không chỉ bà con quê nhà mà còn có những người đi xa làm ăn nên nổi. Về những đồng hương mà tôi đã gặp, đã biết qua các phương tiện thông tin đại chúng, tôi thấy cơ bản họ đã ý thức được rằng không ai có thể lựa chọn nơi mình sinh ra, nhưng ai cũng có quyền chọn cho mình cách sống, con đường để sống; sống được với đời là vui, là có cơ hội đổi thay tất cả, nếu con người biết “tận nhân lực”, nên phần đông những người Đại Lộc xa quê đều thành công trên nhiều lĩnh vực. Mỗi dịp họp mặt đồng hương,… tôi rất lấy làm tự hào về những người con Đại Lộc xa quê.
Nhiều người nói với tôi, con dân Đại Lộc của thế kỷ XXI, không còn tha phương cầu thực, mà tha phương cầu danh, cầu lợi. Nghĩ lại, tôi thấy cũng… có khi như thế, bởi ngày nay, miếng cơm manh áo đối với người dân quê tôi chẳng phải là chuyện xa vời, nên nếu chấp nhận “tha phương” thì chắc không còn ai “cầu thực” nữa rồi.
VU GIA