Hôm nay:05/12/2024
Chợ tết đầu năm chỉ vọn vẹn vài ba thúng cải, đôi ba cặp xà lách, vài buồng cau, đôi ba liễng trầu, vài mẹt hoa quả. Phía xa xa cuối chợ là sự gọi mời của các chị hàng cá với vài ba thau cá đồng tươi rói, quẫy đành đạch như được bắt lên từ tinh mơ. Thường thì đi chợ đầu năm các mẹ, các chị hay mua cá trầu chủ yếu nấu cho trẻ nhỏ ăn bởi theo quan niệm loại cá này biểu tượng cho sức mạnh.
Góp vui cho không gian chợ là sự gọi mời í ới của các chị với vài ba bịch muối trên tay cũng khiến chợ tết ngày đầu năm thêm phần trọn vẹn. Sau khi bán đi những thứ mình có, ai nấy đều không quên mua về vài ba quả câu, ít lá trầu nhất là vài ba bịch muối. Bởi ông bà ta có câu “ đầu năm mua muối cuối năm mua vôi”. Theo quan niệm muối là biểu tượng của tình cảm thắm thiết, mặn nồng, gắn kết, no đủ bởi lẽ trong những thứ mặn chẳng có gì sánh được bằng…muối, mà mối quan hệ tình cảm nào cũng cần có sự quan tâm, mặn mà như thế. Ngoài ra, muối cũng biểu tượng cho sự sạch sẽ và tinh khiết.
Thường thì đi chợ mua cau trầu gọi là mua lộc đầu năm. Vậy nên các chị, các mẹ thường chọn những quả cau có vỏ đẹp, trơn tru, lá trầu phải xanh vừa và không được bôi vôi như bình thường bởi bôi vôi coi như không may mắn. Gặp được lá trầu đẹp, quả cau ngon thì ai nấy tin rằng mình đã rước được cái lộc đầu năm tốt đẹp, báo hiệu một năm an lành, làm ăn suôn sẻ, gia đình êm ấm thuận hòa.
Có thể nói, phiên chợ tết đầu năm là sự khát vọng ngàn đời của người dân mong mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, người người sống an vui, hạnh phúc. Đây là nét đẹp văn hóa được người dân Việt Nam bảo tồn và lưu truyền qua nhiều thế hệ. Dẫu hiện nay với xu thế hội nhập của nền kinh tế thị trường làm phai mờ đi một số nét văn hóa truyền thống nhưng buổi chợ đầu năm vẫn còn gói trọn nét văn hóa truyền thống của làng quê thấm đượm tình người.
Nam Ngãi