CHÀO MỪNG CÁC BẠN ĐẾN VỚI TRANG TTĐT TRUNG TÂM VĂN HÓA - THỂ THAO VÀ TRUYỀN THANH - TRUYỀN HÌNH HUYỆN ĐẠI LỘC

Hôm nay:28/09/2024

Đại Lộc có thêm 2 di tích lịch sử cấp tỉnh

          Ngày 10 tháng 6 năm 2019, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam có Quyết định số 1693/QĐ-UBND về việc xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh đối với Mộ Lương Thúc Kỳ và Mộ Phan Văn Nguyên.

         Cụ Phan Văn Nguyên sinh năm 1775 tại làng Phiếm Ái, xã Đại Nghĩa, huyện Đại Lộc. Cụ thuộc đời thứ 5 của tộc Phan, là người có nhiều công lao đối với triều Nguyễn và đất nước được nhà vua phong tước vị cao: Kế Thiện Hầu. Trong suốt thời gian 35 năm làm quan, cụ Phan Văn Nguyên có đến 12 lần được ban chiếu, chỉ, bằng. Năm 1821, khi nước ta có việc bang giao lớn, cụ Phan Văn Nguyên được sung làm Hữu ngoại Tán sự. Ông từng được nhà vua và triều đình tin tưởng giao nhiệm vụ quản lý việc xây dựng Bắc Thành (thành Hà Nội) vào các năm 1825 – 1827.

Mộ cụ Phan Văn Nguyên

          Cụ Lương Thúc Kỳ sinh năm 1873, tự Tử Khôi, hiệu là Đài Nam, người làng Hà Tân, xã Đại Lãnh, huyện Đại Lộc. Ông là vị Cử nhân đầu tiên của vùng Tây Đại Lộc. Lương Thúc Kỳ là một nhà giáo, một nhà yêu nước hoạt động cải cách Duy Tân, đồng thời là một nhà văn hóa, nhà văn, nhà thơ có những tác phẩm đóng góp cho thư tịch văn học Việt Nam, là tác giả của cuốn Quốc ngạn (Ngạn ngữ Việt Nam) và là đồng tác giả các sách:Thừa Thiên địa lí chí; Thừa Thiên đăng khoa lục; Hán Việt từ điển.

Mộ cụ Lương Thúc Kỳ

          Năm 1995, cụ Phan Văn Nguyên và cụ Lương Thúc Kỳ được huyện Đại Lộc vinh danh, khắc bia đá tại Đền Tưởng niệm Trường An.

          Việc Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam xếp hạng di tích cấp tỉnh cho Mộ Phan Văn Nguyên và Mộ Lương Thúc Kỳ đã thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, trân trọng công lao của các bậc tiền bối đối với đất nước và quê hương.

                                                           Đỗ Lê Xuân Luyến

Tin mới đăng

Xem nhiều nhất