CHÀO MỪNG CÁC BẠN ĐẾN VỚI TRANG TTĐT TRUNG TÂM VĂN HÓA - THỂ THAO VÀ TRUYỀN THANH - TRUYỀN HÌNH HUYỆN ĐẠI LỘC

Hôm nay:28/09/2024

ĐÔI ĐIỀU VỀ XÂY DỰNG VĂN HÓA CÔNG SỞ

          Văn hóa công sở (VHCS) có vai trò quan trọng trong tổ chức và hoạt động của cơ quan hành chính, sự nghiệp cũng như trong thực thi nhiệm vụ của từng cán bộ, công chức, viên chức. Xây dựng VHCS tiến bộ, văn minh, hiện đại sẽ góp phần tạo nên nền nếp làm việc khoa học, kỷ cương, dân chủ, tạo cơ sở để xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp. Đồng thời, phòng, chống bệnh quan liêu, cửa quyền, tạo niềm tin của nhân dân đối với các cơ quan công quyền, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước, công tác cải cách hành chính.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại Lễ phát động Phong trào thi đua “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở” ngày 19.5.2019.

          Những điều kiện cần và đủ

          VHCS là một hệ thống các giá trị, chuẩn mực, mục tiêu và hoạt động sáng tạo được hình thành trong quá trình hoạt động của công sở, tạo nên niềm tin giá trị về thái độ của các công chức, viên chức làm việc trong công sở, ảnh hưởng đến cách làm việc trong công sở và hiệu quả hoạt động của nó. Các giá trị văn hóa này không thể cân, đo, đong, đếm được mà nó phải được hình thành từ trong ý thức, tạo dựng niềm tin và động lực của mỗi cá nhân. Một khi cán bộ, công chức có niềm tin vững chắc vào những giá trị văn hóa mà công sở đang theo đuổi, khi đó những biểu hiện thiếu văn hóa tại công sở mới bị dẹp bỏ dần. Thật không ngoa khi khẳng định rằng, sự thành công hay thất bại trong hoạt động của công sở phụ thuộc trước hết và chủ yếu vào hành vi ứng xử văn hóa nơi công sở của cán bộ, công chức, viên chức. Bởi VHCS gắn với trách nhiệm công vụ, trong đó trách nhiệm công vụ là trung tâm, văn hóa là cái gốc. VHCS không chỉ thể hiện đạo đức, phẩm chất, năng lực của cán bộ, công chức trong khi thực thi nhiệm vụ mà còn thể hiện trình độ văn hóa của họ. VHCS yêu cầu phải đặt giá trị  tập thể lên trên lợi ích cá nhân, lấy lợi ích người dân, doanh nghiệp làm mục tiêu. Xây dựng VHCS thực chất là xây dựng con người lao động mới - văn minh, chuyên nghiệp - yếu tố quyết định chất lượng và khả năng đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của hoạt động công sở. Điều đọng lại trong con mắt người dân và doanh nghiệp khi đến quan hệ, giao dịch ở công sở chính là hình ảnh, tác phong của người cán bộ, công chức đang làm việc ở đấy. Sẽ để lại ấn tượng đẹp nếu được “mục sở thị” những người cán bộ, công chức tận tâm, mẫu mực, sáng tạo, vì người dân phục vụ, biết“4 xin” (Xin chào - Xin lỗi - Xin cảm ơn - Xin phép) và “4 luôn” (Luôn mỉm cười - Luôn nhẹ nhàng - Luôn lắng nghe - Luôn giúp đỡ). Đây chính là tính chuyên nghiệp trong giao tiếp, ứng xử. Thực tế cho thấy hiệu quả giao tiếp của cán bộ, công chức góp phần xây dựng một Nhà nước thân thiện với nhân dân, phục vụ nhân dân. Ngoài ra, giao tiếp hiệu quả giúp công sở hạn chế được những rủi ro như hiểu lầm, khiếu kiện…VHCS còn phải gắn với gia đình và văn hóa, xã hội. Cán bộ, công chức phải thực sự nêu gương với người thân trong gia đình, con cái, bạn bè, đồng nghiệp và các mối quan hệ xã hội.

          Xây dựng VHCS gắn liền với xây dựng môi trường văn hóa công sở. Không thể có một công sở có văn hóa nếu môi trường làm việc thiếu các chuẩn mực của văn hóa, nội bộ tồn tại căng thẳng, soi xét lẫn nhau, nghi ngờ, đố kỵ, bất hợp tác. Môi trường công sở được ví như một xã hội thu nhỏ, ở đó, hành xử có sự tương tác của mỗi cán bộ, công chức sẽ tạo nên bầu không khí và những giá trị nơi công sở. Trong môi trường đó, mỗi cán bộ, công chức phải thực sự là những con người có trái tim, có cảm xúc, có trí tuệ, có bản lĩnh chứ không phải là những cỗ máy vô cảm. Môi trường VHCS giúp xây dựng một nền nếp làm việc khoa học, kỷ cương và dân chủ. Nó đòi hỏi mỗi công chức cần xây dựng cho mình ý thức làm việc có trách nhiệm, xem việc của công sở như là việc của chính mình và dốc toàn tâm, toàn lực để hoàn thành công việc được giao. Mặt khác, phải thường xuyên và tự giác nhìn lại, đánh giá mình, chống lại những biểu hiện thiếu văn hoá như: tham ô, móc ngoặc, quan liêu, hách dịch, cửa quyền, cơ hội, lợi ích nhóm... Bác Hồ từng dạy: “Mỗi cán bộ, mỗi đảng viên, mỗi ngày phải tự kiểm điểm, tự phê bình, tự sửa chữa như mỗi ngày phải rửa mặt”. Người căn dặn hết sức chân tình và sâu sắc: “Phê bình mình cũng như phê bình người phải ráo riết, triệt để, thật thà, không nể nang, không thêm bớt. Phải vạch rõ cả ưu điểm và khuyết điểm… Chớ dùng những lời mỉa mai, chua cay, đâm thọc. Phê bình việc làm chứ không phải phê bình người". Như vậy yếu tố văn hoá giúp cho mỗi thành viên trong công sở phải tôn trọng kỷ luật, danh dự của công sở, quan hệ thân ái, đoàn kết, hợp tác vì sự nghiệp chung của công sở. Môi trường VHCS còn phải là nơi bảo đảm vệ sinh môi trường, nhất là không có khói thuốc lá, không có rác thải nhựa.

          Hướng đến chiến lược xây dựng VHCS

          Cách đây 12 năm, ngày 2.8.2007, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 129/2007/QĐ-TTg về việc ban hành Quy chế VHCS tại các cơ quan hành chính nhà nước. Quy chế quy định cụ thể từ các hành vi bị cấm đến trang phục, lễ phục, cách giao tiếp và ứng xử với người dân, đồng nghiệp... của cán bộ, công chức, viên chức. Bảy năm sau, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Thông tư số 08/2014/TT-BVHTTDL ngày 24.9.2014 quy định chi tiết tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục xét và công nhận “Cơ quan đạt chuẩn văn hóa”, “Đơn vị đạt chuẩn văn hóa”, “Doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa”. Trong tiêu chuẩn công nhận “Cơ quan đạt chuẩn văn hóa”, “Đơn vị đạt chuẩn văn hóa” có nội dung thực hiện nếp sống văn minh, môi trường VHCS với các quy định: Sinh hoạt cơ quan, đơn vị nền nếp; thực hiện tốt nội quy, quy chế làm việc; quy chế dân chủ ở cơ sở; nội bộ đoàn kết, giúp nhau cùng tiến bộ; không có cán bộ, công chức, viên chức và người lao động hút thuốc lá nơi công sở; không uống rượu, bia trong giờ làm việc; trang phục gọn gàng, lịch sự; cơ quan xanh, sạch, đẹp, an toàn; bài trí khuôn viên công sở theo thiết kế đã phê duyệt…

          Tuy nhiên, từ chủ trương, quy chế đến thực tế thực hiện vẫn còn là một khoảng cách khá xa. Thời gian qua, ở nơi này, nơi khác, một bộ phận cán bộ, công chức còn mang nặng tư duy cửa quyền, thiếu trách nhiệm với dân, không nghiêm túc chấp hành nội quy, quy chế, có lời nói, hành xử không chuẩn mực, không tôn trọng cấp trên, thiếu công bằng với cấp dưới. Một trong những hạn chế khá phổ biến là thiếu tâm huyết, chỉ việc “sáng cắp ô đi, chiều cắp về”;không tuân thủ thời gian làm việc, đi trễ về sớm, đang trong giờ làm việc rời nhiệm sở không có lý do chính đáng nói chuyện riêng, lướt website trong giờ họp…Đáng phê phán nữa là thái độ làm việc chậm chạp, lề mề, “không nhúc nhích”; làm việc không có kế hoạch dẫn đến thường bị động, hiệu quả thấp, nhiều khi mang tính đối phó cho xong việc, để “nước đến chân mới nhảy”, đợi nhắc thì mới làm, chậm trễ trong xử lý nhiệm vụ được giao, gây bức xúc trong nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp.Trang phục của một số cán bộ, công chức, viên chức khi thực hiện công vụ cũng chưa thật gọn gàng, lịch sự, chưa phù hợp với tính chất công việc và thuần phong, mỹ tục của dân tộc.

          Để sớm khắc phục thực trạng không hay vừa nêu, đúng dịp kỷ niệm 129 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, tại Thủ đô Hà Nội, Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương đã chính thức phát động Phong trào “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện VHCS”. Phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đặt ra yêu cầu phảibiến Phong trào thành chiến lược xây dựng VHCS dựa trên 3 trụ cột chính, đó là: xây dựng lại hệ giá trị chuẩn mực trong VHCS; kiến tạo nên môi trường làm việc có văn hóa và hiệu quả; hình thành hình ảnh, tác phong, cốt cách của cán bộ, công chức chuyên nghiệp, tận tâm, mẫu mực, sáng tạo vì người dân phục vụ. Hướng đến 3 trụ cột đó, Thủ tướng đề nghị các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương triển khai đồng bộ các quy định về VHCS trong các cơ quan, đơn vị mình. Thi đua xây dựng môi trường làm việc dân chủ, văn hóa, thân thiện, hiện đại, cơ quan xanh, sạch, đẹp, an toàn, công sở văn minh, khoa học. Niêm yết đầy đủ các thủ tục hành chính tại mọi trụ sở. Đối với cán bộ, công chức, viên chức, Thủ tướng đề nghị thi đua thực hiện tốt chuẩn mực đạo đức lối sống, đạo đức công vụ, cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư, trung thực, giản dị, thẳng thắn, chân thành. Thực hiện tốt chuẩn mực đạo đức gia đình và xã hội, thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Thi đua thực hiện tốt chuyên môn, nghiệp vụ, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, sử dụng hiệu quả thời gian làm việc, luôn sẵn sàng chủ động phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ. Không được bỏ bê công việc, không ăn lạm từng giây, từng phút, từng đồng thuế của người dân. Chuyển mạnh từ “làm hết giờ” sang “làm hết việc”, xóa bỏ văn hóa “sáng cắp ô đi, chiều cắp về”. Đặc biệt, phải không ngừng thi đua học tập, nghiên cứu khoa học, nâng cao năng lực, bảo đảm tính chuyên nghiệp, hiện đại, đáp ứng yêu cầu thực thi công vụ trong tình hình mới. Thi đua thực hiện giao tiếp tốt, tác phong chuyên nghiệp, làm việc khoa học, kỷ cương, kỷ luật hành chính; tôn trọng, lắng nghe, tận tình với người dân; hợp tác chặt chẽ, tương trợ với đồng nghiệp. Cấp trên phải công tâm, khách quan, lắng nghe và tôn trọng cấp dưới. Cấp dưới phải phục tùng sự chỉ đạo, điều hành, phân công của cấp trên theo đúng quy định. Mặt khác, để đạt được những giá trị VHCS, cấp trên phải nêu gương cho cấp dưới; lãnh đạo phải làm gương để công chức, viên chức noi theo và cùng hành động. Thiết nghĩ, đây là hành động thiết thực để thực hiện tốt chuyên đềnăm 2019: “Xây dựng ý thức tôn trọng nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống nhân dân theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" và hướng tới kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc thiêng liêng của Bác.

Vân Trình

Tin mới đăng

Xem nhiều nhất