Hôm nay:05/12/2024
Có một điều khá trùng hợp là từ cổ chí kim, từ Tây sang Đông, tất cả đều hết sức coi trọng giá trị của sách. Lênin từng nói: “Không có sách thì không có tri thức”. Còn cổ nhân phương Đông thì quan niệm: “Để cho con một hòm vàng không bằng dạy cho con một quyển sách hay”.
Thật vậy, sách chứa đựng những thông tin, giá trị vật chất và tinh thần của nhân loại, chứa đựng những tình cảm vào trong những vấn đề của cuộc sống. Mỗi cuốn sách có chủ đề, lĩnh vực khác nhau nhưng đều với mục đích hướng tới cho bạn đọc những tri thức mới, giá trị nhân loại. Sách chứa đựng nguồn kiến thức khổng lồ và giúp con người giao lưu với thế giới bên ngoài, tiếp cận với nền văn minh của nhân loại, nhờ có sách mà xã hội mới có thể phát triển được. Cho dù xã hội có phát triển tới đâu thì những giá trị to lớn mà sách đem lại cho con người vẫn không thể nào xóa bỏ được. Các danh nhân thế giới hay những người thành đạt, dù hoàn cảnh xuất thân, địa vị xã hội hay tính cách khác nhau, nhưng tất cả đều có một điểm chung đó là say mê đọc sách.
Sách như những người bạn, người thầy. Đọc sách giúp làm giàu tri thức, nuôi dưỡng hoài bão và có thêm nghị lực để vượt qua thử thách trong cuộc sống. Đọc sách làm phong phú thêm tâm hồn, chỉ cho chúng ta biết điều hay, lẽ phải, điều gì nên làm, điều gì cần tránh; giáo dục tình cảm yêu thương lẫn nhau, về chân thiện mỹ, lối sống và đạo đức con người. Nhà bác học lỗi lạc Ê-đi- xơn từng nhắc nhở chúng ta rằng: “Ngừng đọc sách là ngừng tư duy”. Đọc sách cũng giúp cho người đọc phát huy sự sáng tạo, áp dụng những kiến thức trong sách vào ứng dụng thực tế của bản thân để xử lý trong các tình huống khác nhau. Đối với học sinh, đọc sách chẳng những giúp hoàn thiện vốn từ ngữ, các loại câu cũng như hình thức diễn đạt mà còn rèn tính kiên nhẫn, sự quan sát và tăng khả năng cảm nhận về cuộc sống. Còn nhớ trong dịp Tết Kỷ Hợi 2019, khi đến thăm một ngôi trường tiểu học ở tỉnh Hưng Yên, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã mừng tuổi các em học sinh món quà đặc biệt là những cuốn sách. Đây chính là hành động thiết thực giúp trẻ tiếp cận với sách, hình thành thói quen đọc sách, từ đó góp phần xây dựng, phát triển phong trào đọc sách cũng như văn hóa đọc trong cộng đồng.
Đọc sách có tầm quan trọng như vậy nhưng điều đáng buồn là hiện nay một bộ phận trong xã hội, nhất là tuổi trẻ lại không có thói quen đọc sách. Theo Trung tâm nghiên cứu Việt Nam và Đông Nam Á, 26% dân số Việt Nam không bao giờ đọc sách, 44% thỉnh thoảng đọc và 30% đọc thường xuyên. Bình quân mỗi người Việt Nam có thể mua và đọc hơn 4 cuốn sách/năm. Con số này là rất khiêm tốn so với 20 cuốn/năm của các nước như Israel, Phần Lan, Pháp, Nhật Bản hay 14 cuốn/năm của Singapore, Malaysia và Thái Lan. Nhưng trong 4 cuốn đó, theo Bộ Giáo dục- Đào tạo thì 2,8 cuốn là sách giáo khoa và 1,2 cuốn là sách khác. Không thể phủ nhận thị trường sách Việt Nam đang ngày càng đa dạng và phong phú, song, chúng ta chưa có văn hóa đọc đúng nghĩa.
Tại sao những người trẻ không thích đọc? Thời đại công nghệ thông tin bùng nổ, văn hóa nghe- nhìn “lấn át” văn hóa đọc đã làm cho giới trẻ xa dần với thói quen đọc sách mỗi ngày. Trong bối cảnh Internet phát triển mạnh mẽ như hiện nay, những người trẻ tuổi có nhiều sự lựa chọn hơn là chỉ đọc sách. Họ sẽ thích thú và say mê với một trò chơi điện tử hơn là việc có một cuốn sách để đọc. Nhiều bạn trẻ thừa nhận, họ chỉ đọc sách khi trên mạng không có những thông tin họ cần, hay thậm chí, họ còn không biết tính chính xác của những thông tin được đưa lên Internet. Đáng lo ngại là một số báo mạng và các phương tiện điện tử như máy tính, điện thoại, ipad.. đang dần đưa một bộ phận người sử dụng vào những hang động "vô cảm", "thờ ơ", "tách biệt", "bạo lực"... Những hang động này sẽ nhốt họ, ngăn cách họ khỏi sự cảm nhận cuộc sống. Trong thế giới phẳng ngày nay, khó có thể phủ nhận vai trò và tiện ích của Internet đối với đời sống con người. Thế nhưng, một người thông minh phải là người biết cân bằng giữa công nghệ và cuộc sống, mà đọc sách chính là một phần của cuộc sống!
Một lý do khác khiến giới trẻ ngày càng rời xa những cuốn sách, đó là tập quán đọc không chọn lọc, đọc hời hợt, đọc theo phong trào và đọc không ứng dụng. Bên cạnh đó, những loại sách về văn hóa, nghệ thuật có tác dụng giáo dục tư tưởng, thẩm mỹ lại bị các loại truyện tranh đơn giản, bạo lực, những tiểu thuyết ngôn tình ủy mị, thậm chí thiếu lành mạnh “truất ngôi”. Nhiều cuốn sách xuất bản vội vàng, dịch thuật chưa chuẩn, có giá trị nội dung chưa thực sự sâu sắc, lành mạnh đã làm thị trường sách trở nên phức tạp. Có cuốn sách dày cộp, giá cả “lên trời”, có cuốn là sách lậu, kém chất lượng cũng là nguyên nhân ảnh hướng đến văn hóa đọc nói chung và của giới trẻ hiện nay.
Nhận thức tầm quan trọng của việc đọc và văn hóa đọc, ngày 24 tháng 02 năm 2014 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hằng năm là Ngày Sách Việt Nam nhằm: Khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, nâng cao nhận thức của nhân dân về ý nghĩa to lớn và tầm quan trọng của việc đọc sách đối với việc nâng cao kiến thức và kỹ năng, phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người. Tôn vinh giá trị của sách, khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng của sách trong đời sống xã hội; tôn vinh người đọc và những người tham gia sưu tầm, sáng tác, xuất bản, in, phát hành, lưu giữ, quảng bá sách. Nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, các cơ quan chức năng và các tổ chức xã hội đối với việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc Việt Nam. Ngày Sách Việt Nam còn giúp người in sách, người đọc sách có được định hướng tốt hơn trong xây dựng và phát triển văn hóa đọc của người Việt, nhất là giới trẻ khi mà thông tin mạng bùng nổ và sách in tràn lan.
Năm 2020 này, trong bối cảnh phức tạp của đại dịch Covid-19, Bộ Thông tin và Truyền thông đã triển khai kế hoạch tổ chức Hội Sách với chủ đề "Hội Sách trực tuyến chào mừng Ngày Sách Việt Nam lần thứ 7" sẽ diễn ra tại sàn book365.vn, Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông, thời gian từ ngày 19/4 - 20/5/2020. Hội sách sẽ tổ chức gian hàng của các nhà xuất bản, công ty phát hành giới thiệu sách trực tuyến; phục vụ bán sách online; tổ chức các sự kiện giới thiệu sách mới; giới thiệu tác giả, tác phẩm; tọa đàm kết nối trên không gian mạng nhằm thu hút từ 5-10 triệu lượt người tham dự.
Đối với mỗi gia đình và mỗi người, cách hưởng ứng thiết thực nhất Ngày Sách Việt Nam lần thứ 7 không gì khác ngoài việc rèn luyện một thói quen tốt, đó là đọc sách mà lâu nay vô tình bị đánh mất bởi cuộc sống bon chen, hối hả, tất bật. Bằng cách tạo ra thói quen và sở thích đọc, chúng ta sẽ dần dần hình thành được nếp nghĩ coi đọc sách là một nhu cầu tự thân mỗi ngày, cần thiết như ăn uống, hít thở, nghỉ ngơi. Được như thế sẽ góp phần giữ gìn văn hóa đọc - một nét văn hóa đẹp của dân tộc Việt Nam được trao truyền qua bao thế hệ.
Khánh Toàn