Hôm nay:05/12/2024
Thực ra, không phải chỉ có ở dân tộc ta, đoàn kết mới là truyền thống, còn các dân tộc khác thì không có truyền thống đó. Nhưng, có một điều chắc chắn rằng, truyền thống đoàn kết của người Việt Nam khác với các nước khác trên thế giới. Trên nét chung và khái quát nhất, có thể nhận thấy truyền thống đoàn kết của dân tộc Việt Nam được tạo dựng bởi điều kiện sống của con người Việt Nam luôn phải thường xuyên chống chọi với thiên tai, lũ lụt, dịch bệnh, đồng thời phải luôn đối phó và chống trả giặc ngoại xâm bên ngoài. Đoàn kết là sống, chia rẽ là chết. Chính điều kiện khắc nghiệt đó đã làm cho người Việt Nam phải cố kết với nhau, dựa vào nhau để tồn tại và phát triển. Nhờ có truyền thống đó, mỗi khi có giặc, dân tộc ta mọi người như một nhất tề đứng dậy với quyết tâm sắt đá “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”.
Thực tiễn cách mạng Việt Nam 90 năm qua là hiện thực sinh động khẳng định nội dung phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng là một bài học, nguyên tắc căn bản trong đường lối cách mạng của Đảng. Sự đoàn kết, đồng lòng của cả dân tộc chính là nguồn lực mạnh mẽ đưa đất nước vượt qua nhiều thời điểm khó khăn, khắc nghiệt, để lại những dấu ấn hào hùng trong lịch sử dân tộc và lịch sử thế giới. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận thấy vai trò quan trọng của đoàn kết trong kháng chiến cũng như trong hòa bình xây dựng. Người nhấn mạnh: “…Trong kháng chiến ta gặp rất nhiều khó khăn, lực lượng địch mạnh hơn ta nhiều, nhưng nhờ đoàn kết mà ta đã thắng. Nay trong xây dựng hòa bình, ta cũng biết đoàn kết thì nhất định thành công”. Từ đó, Bác đã khái quát thành khẩu hiệu nổi tiếng làm phương châm hành động cho cả dân tộc Việt Nam: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết/ Thành công, thành công, đại thành công”.
Ngay những tháng đầu năm 2020 này, thử thách đầy cam go của đại dịch Covid-19 mà dân tộc ta và cả nhân loại đang căng mình chống chọi, một lần nữa càng cho thấy vai trò và tầm quan trọng đặc biệt của việc phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc. Bởi, không có chiếc "đũa thần" nào có thể thay thế được sự đồng tâm, hiệp lực của các tầng lớp nhân dân ta sát cánh cùng Đảng, Nhà nước trong cuộc chiến đẩy lùi đại dịch này. Hơn bao giờ hết, đây là lúc lòng yêu nước, tính cố kết cộng đồng, sự năng động, sáng tạo, trí tuệ và bản lĩnh của con cháu Lạc Hồng cần được phát huy cao nhất. Trong Lời kêu gọi Toàn dân tham gia ủng hộ phòng chống dịch Covid-19, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn đã khẳng định: Với sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả của cả hệ thống chính trị và sự nỗ lực, quyết tâm cao của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, công tác phòng, chống và kiểm soát dịch Covid-19 ở nước ta đã đạt được những kết quả quan trọng bước đầu, được nhân dân cả nước và cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Tuy nhiên, dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, ngày càng lan rộng, bùng phát tại nhiều quốc gia, ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế toàn cầu và đang tác động nhiều mặt đến đời sống nhân dân và kinh tế, xã hội của đất nước. Với truyền thống đoàn kết, tương thân, tương ái của dân tộc, thời gian qua nhiều tổ chức, cá nhân đã tự nguyện vận động, ủng hộ một số địa phương, cơ sở, đơn vị, cá nhân và những trường hợp phải cách ly, điều trị. Để tiếp tục cùng Đảng, Nhà nước tập trung phòng chống dịch, có thêm nguồn lực để tăng cường các biện pháp phòng, chữa bệnh, bảo đảm an sinh xã hội, an toàn đời sống và sức khỏe của nhân dân, Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam kêu gọi các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước, đồng bào ta ở nước ngoài với tình cảm sâu sắc và trách nhiệm của mình hãy tích cực tham gia ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19. Phát biểu tại Lễ Phát động Toàn dân ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19 do UBTƯ MTTQ Việt Nam tổ chức ngày 17/3/2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã biểu dương những gương tốt, việc tốt trong phòng chống dịch bệnh và chia sẻ trách nhiệm với xã hội, với cộng đồng. Đó là nhiều người đã sẵn lòng “người cơm sẻ áo”, chia lại số khẩu trang ít ỏi của mình cho người khác, hoặc bỏ tiền mua khẩu trang khan hiếm phát miễn phí, đặc biệt có cháu bé đã lấy tiền mừng tuổi của mình để mua khẩu trang, nước rửa tay sát khuẩn tặng mọi người. Nhiều mạnh thường quân, văn nghệ sĩ chủ động đứng ra quyên góp và chia sẻ với cộng đồng. Nhiều doanh nghiệp quan tâm chăm lo chu đáo vì sự an toàn của người lao động, thể hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Tất cả cùng nhau vun đắp ý thức, giữ gìn sự an toàn của cộng đồng, trật tự xã hội trước đại dịch. Thủ tướng cho rằng, những việc làm có ý nghĩa trên đều là xuất phát từ trái tim, góp phần quan trọng xây dựng hình ảnh một nước Việt Nam đoàn kết, an toàn và nhân ái. Đồng thời, cho phép khẳng định, những lúc khó khăn nhất, gai góc nhất chính là dịp để mỗi người dân chúng ta thể hiện bản sắc của tinh thần dân tộc, sự đoàn kết, “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”; tô điểm cho bản lĩnh, ý chí, khí chất của con người Việt Nam chúng ta. Thủ tướng kêu gọi mỗi người dân, tùy theo khả năng của mình, người có tiền góp tiền, người có vật góp vật, người có sức góp sức, người có ý tưởng góp ý tưởng, không phân biệt tuổi tác, địa vị, giai tầng hãy nêu cao tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, “thương người như thể thương thân”, “lá lành đùm lá rách” của cả dân tộc - điều bao đời nay luôn là giá trị nền tảng của dân tộc Việt Nam và đem lại sức mạnh để chúng ta vượt mọi khó khăn, thử thách đi đến thắng lợi cuối cùng.
Trong thời điểm Việt Nam đang quyết liệt ở giai đoạn 2 của cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, khi mà nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng ngày càng lớn, ngày 30/3/2020 Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã ra Lời kêu gọi gửi nhân dân cả nước và đồng bào ở nước ngoài đoàn kết, đồng lòng chống dịch Covid-19. Lời kêu gọi nhấn mạnh: Nhân dân ta có truyền thống yêu nước, nhân nghĩa. Mỗi khi đất nước gặp khó khăn, truyền thống đó lại càng được nhân lên gấp bội. Trong cuộc chiến phòng, chống dịch ở vào thời điểm vô cùng quan trọng này, một số biện pháp phòng, chống dịch bệnh chắc chắn sẽ ảnh hưởng nhất định đến hoạt động của các tổ chức, cá nhân, cũng như cuộc sống hằng ngày của đồng bào ta. Với tinh thần coi sức khỏe và tính mạng của con người là trên hết, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước kêu gọi toàn thể đồng bào, đồng chí và chiến sĩ cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài hãy đoàn kết một lòng, thống nhất ý chí và hành động, thực hiện quyết liệt, hiệu quả những chủ trương của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Mỗi người dân là một chiến sĩ trên mặt trận phòng, chống dịch bệnh. Toàn thể dân tộc Việt Nam ta hãy cùng chung sức, đồng lòng vượt qua mọi khó khăn, thách thức để chiến thắng đại dịch Covid-19!
Bên cạnh việc phát huy cao độ sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, Việt Nam đã và đang thể hiện rõ vai trò là một thành viên tích cực và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế và đang hết sức cố gắng, nỗ lực hợp tác thiết thực, phối hợp kịp thời với các nước, nhất là các nước bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19. Ngày 08/4/2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gửi thông điệp đến Hội nghị trực tuyến các Bộ trưởng Y tế khu vực Tây Thái Bình Dương với chủ đề “Đoàn kết chống COVID-19”, nhấn mạnh: khi đại dịch Covid-19 đang tràn qua mọi đường biên giới lãnh thổ, đòi hỏi các quốc gia, dân tộc phải có “đại nỗ lực” và “đại đoàn kết”. Trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam đã ra Tuyên bố Chủ tịch về hợp tác phòng chống COVID-19 và đang cùng các nước thành viên hành động mạnh mẽ. Mặc dù còn khó khăn và nguồn lực hạn chế, song hưởng ứng Nghị quyết của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc về đại dịch COVID-19, trong khả năng của mình, Việt Nam đã chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ vật tư, thiết bị y tế…cho nhiều nước. Thủ tướng tin chắc rằng, sát cánh bên nhau nhân loại sẽ chiến thắng đại dịch COVID-19, bảo vệ an toàn sức khỏe cho người dân, cùng nhau hợp tác, phát triển thịnh vượng.
Vân Trình