CHÀO MỪNG CÁC BẠN ĐẾN VỚI TRANG TTĐT TRUNG TÂM VĂN HÓA - THỂ THAO VÀ TRUYỀN THANH - TRUYỀN HÌNH HUYỆN ĐẠI LỘC

Hôm nay:05/12/2024

Giỗ Tổ Hùng Vương- Biểu tượng cao quý của đại đoàn kết toàn dân tộc.

          “Dù ai đi ngược về xuôi /Nhớ ngày Giỗ Tổ mồng mười tháng ba / Khắp miền truyền mãi câu ca / Nước non vẫn nước non nhà ngàn năm”. 

     Từ hàng ngàn đời nay, cứ đến ngày Giỗ Tổ, đồng bào Việt Nam mang trong mình dòng máu Lạc Hồng, dù ở nơi đâu vẫn hướng về đất Tổ Phú Thọ với lòng thành kính tri ân công đức Các Vua Hùng - Tổ tiên chung của dân tộc Việt Nam, thể hiện đức tin về Tổ tiên, cầu mong cho đất nước luôn thái bình, thịnh trị và muôn dân được ấm no, hạnh phúc. Từ thời Hậu Lê trở về trước, các triều đại đều quản lý Đền Hùng theo cách giao thẳng cho dân sở tại trông nom, sửa chữa, cúng bái, làm Giỗ Tổ ngày 10/3 âm lịch. Bù lại họ được miễn nộp thuế 500 mẫu ruộng, miễn đóng sưu, miễn đi phu đi lính. Đến năm Khải Định thứ hai (1917), Tuần phủ Phú Thọ là Lê Trung Ngọc có công văn xin bộ Lễ ấn định ngày 10/3 hằng năm làm ngày Quốc tế. Kể từ đây, ngày Giỗ Tổ Hùng Vương ngày 10/3 âm lịch hàng năm được chính thức hóa bằng luật pháp.

        75 năm qua, từ khi nước nhà được độc lập, Đảng, Nhà nước và nhân dân luôn đặc biệt quan tâm tới việc thờ tự các Vua Hùng. 
Ngày 18/2/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ban hành Sắc lệnh số 22C NV/CC quy định về những ngày lễ lớn hàng năm, trong đó có ghi Giỗ Tổ Hùng Vương được nghỉ 1 ngày. Năm Bính Tuất (1946), cụ Huỳnh Thúc Kháng - Quyền Chủ tịch nước về dự Giỗ Tổ Hùng Vương, dâng tấm bản đồ Tổ quốc Việt Nam và một thanh gươm nhằm kính cáo với Tổ tiên về đất nước bị xâm lăng và cầu mong Tổ tiên phù hộ cho quốc thái, dân an, thiên hạ thái bình thịnh trị, cùng nhau đoàn kết đánh tan giặc xâm lược, bảo vệ vẹn toàn lãnh thổ của đất nước. 

      Ngày 19/9/1954, sau khi lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã về thăm Đền Hùng. Tại đây, Người đã gặp gỡ và nói chuyện với cán bộ, chiến sỹ Đại đoàn quân Tiên phong trước khi về tiếp quản Thủ đô Hà Nội. Người căn dặn: "Các Vua Hùng đã có công dựng nước/ Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước". Ngày 2/4/2007, Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã phê chuẩn sửa đổi, bổ sung điều 73 của Luật Lao động, người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương ngày Giỗ Tổ Hùng Vương (mồng 10/3 âm lịch) để tham gia các hoạt động hướng về cội nguồn, nhằm củng cố và phát huy khối đại đoàn kết dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. 
         Từ nhiều năm nay, Giỗ Tổ Hùng Vương hàng năm đã trở thành ngày Quốc Lễ của cả nước và được Chính phủ quy định cụ thể về quy mô tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương theo năm chẵn, năm tròn và năm lẻ. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có văn bản hướng dẫn Nghi thức tưởng niệm Các Vua Hùng trong ngày Giỗ Tổ Hùng Vương về tổ chức nghi lễ đối với tỉnh Phú Thọ (nơi có Di tích lịch sử Đền Hùng) và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có đền thờ Vua Hùng, các di tích liên quan đến Các Vua Hùng và những địa phương không có đền thờ Vua Hùng. Các quy định về trang phục của Chủ lễ, các đại biểu dự lễ; nhạc lễ sử dụng trong Lễ dâng hương tưởng niệm Các Vua Hùng được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phê duyệt và thống nhất sử dụng trong toàn quốc. 

      Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương mồng 10 tháng ba hàng năm là biểu tượng cao quý của đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, thể hiện triết lý: “Con người có Tổ, có Tông như cây có cội, như sông có nguồn”. Cạnh đó, ngày Giỗ Tổ còn thể hiện dân tộc Việt Nam cùng một bọc mẹ sinh ra, cùng một dòng máu Lạc Hồng được bảo tồn và lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Đây là bản sắc văn hóa độc đáo, rất riêng của dân tộc Việt Nam cũng là di sản văn hóa tiêu biểu của nhân loại.

       

      Năm nay, Giỗ Tổ Hùng Vương đúng vào thời điểm cả nước đang triển khai nghiêm túc Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ  về thực hiện biện pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Theo đó, thực hiện cách ly toàn xã hội trong 15 ngày kể từ 0 giờ ngày 01/4/2020 trên phạm vi toàn quốc theo nguyên tắc: gia đình cách ly với gia đình, thôn bản cách ly với thôn bản, xã cách ly với xã, huyện cách ly với huyện, tỉnh cách ly với tỉnh. Hơn lúc nào hết, để tưởng nhớ công lao của các Vua Hùng, mỗi người Việt Nam phải phát huy cao độ truyền thống đoàn kết, cùng nhau thực hiện phương châm: “Chống dịch như chống giặc”.Thời gian qua, toàn dân ta đã đồng lòng, cùng chung sức với Đảng, Nhà nước ngăn ngừa và kiểm soát dịch bệnh bước đầu có hiệu quả. Thời gian tới đây, chúng ta có thể sẽ còn phải đối mặt với khó khăn lớn hơn gấp nhiều lần, đòi hỏi sự nỗ lực nhiều hơn nữa, kiên quyết hơn nữa. Hưởng ứng Lời kêu gọi ngày 30/3/2020 của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, với tinh thần coi sức khỏe và tính mạng của con người là trên hết, toàn thể đồng bào, đồng chí và chiến sĩ cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài hãy đoàn kết một lòng, thống nhất ý chí và hành động, thực hiện quyết liệt, hiệu quả những chủ trương của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Mỗi người dân phải là một chiến sĩ trên mặt trận phòng, chống dịch bệnh. Với sự chung sức, đồng lòng của toàn thể con cháu các Vua Hùng, nhất định dân tộc Việt Nam ta sẽ vượt qua mọi khó khăn, thách thức để chiến thắng đại dịch COVID-19!

 

Vân Trình

 

 

 

 

 

 

Tin mới đăng

Xem nhiều nhất