Hôm nay:05/12/2024
Bài viết: Nhà báo Việt Nam: Mắt sáng, bút sắc, lòng trong
Vân Thu
Suốt 96 năm qua, kể từ ngày báo Thanh niên do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập ra số đầu tiên vào ngày 21/6/1925, các thế hệ làm báo cả nước luôn đoàn kết, chủ động sáng tạo, nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn, không ngừng lớn mạnh, có nhiều đóng góp quan trọng vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta. Trong mọi hoàn cảnh, đông đảo nhà báo luôn đồng hành cùng dân tộc, bám sát thực tiễn, tích cực tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; động viên, cổ vũ toàn dân trong các cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do trước đây, cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay; đồng thời tích cực tham gia công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vạch trần các âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, phần tử cơ hội chính trị, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh – người thầy vĩ đại của báo chí cách mạng Việt Nam đã từng nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của báo chí: “Nhiệm vụ của tờ báo là tuyên truyền, cổ động, huấn luyện, giáo dục và tổ chức dân chúng để đưa dân chúng đến mục đích chung”. Nói về trách nhiệm của người làm báo, Bác không quên căn dặn: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”. Ngay sau Cách mạng Tháng Tám, Bác nhắc nhở các nhà báo: “Ngòi bút các bạn cũng là những vũ khí sắc bén trong sự nghiệp phò chính trừ tà”.
Những lời dạy ấy của Bác Hồ vẫn giữ nguyên tính thời sự sâu sắc trong bối cảnh phát triển bùng nổ của mạng xã hội như hiện nay. Báo chí với vai trò định hướng dư luận xã hội nếu không tỉnh táo, không làm tròn trách nhiệm sẽ dễ chạy theo tin giả, tin sai sự thật, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của tờ báo, suy giảm niềm tin trong nhân dân.
Để làm tròn trọng trách của mình đối với đất nước và xã hội, theo nhà báo Hữu Thọ, người làm báo nhất thiết phải có đủ 3 yếu tố cơ bản, đó là: Mắt sáng, lòng trong, bút sắc. Đây cũng là ba yêu cầu cơ bản nhất của người cầm bút.
Nhà báo phải có "mắt sáng" vì chỉ có "mắt sáng" thì mới có nhìn nhận, đánh giá đúng bản chất vấn đề, sự kiện mình định thể hiện.
“Lòng trong” là phẩm chất khởi điểm và là tiêu chuẩn hàng đầu để tạo nên nhân cách nhà báo cách mạng.“Lòng trong” giúp nhà báo sáng tạo báo chí đúng tôn chỉ, mục đích, vì lợi ích của quốc gia, dân tộc chứ không tư lợi riêng. “Lòng trong” cũng là nền tảng để hội tụ nên bản lĩnh, ý chí vượt qua tất cả mọi sự cám dỗ khi dấn thân vào môi trường làm báo vốn sôi động, phong phú và khắc nghiệt, nhất là trong điều kiện cơ chế thị trường; nhắc nhở mỗi nhà báo phải luôn tự rèn luyện, tự soi lại chính mình, xác định những giới hạn về tiêu chí đạo đức để không ngừng tôi rèn bản thân. Trên thực tế, “lòng trong” thể hiện ở cái tâm của người cầm bút, góp phần nhân lên cái đẹp, đẩy lùi cái xấu.
“Bút sắc” là năng lực sáng tạo tác phẩm báo chí. Bút có sắc thì tác phẩm báo chí mới hay, thu hút được sự quan tâm của nhân dân; thuyết phục được bạn đọc, góp sức xây đời. Muốn “bút sắc” đương nhiên nhà báo phải có dũng khí đấu tranh vì quyền lợi của nhân dân, của Đảng, Nhà nước. Vấn đề là muốn cho “bút sắc”, ngòi bút không bị “bẻ cong” thì tất yếu nhà báo phải triệt để tôn trọng sự thật, thu thập tài liệu, điều tra, xử lý chính xác để có bài báo khách quan, trung thực, công tâm.
Trong điều kiện hiện nay, trước tác động đa chiều của đời sống xã hội và đòi hỏi từ thực tiễn, yêu cầu “mắt sáng, lòng trong, bút sắc” là cấp thiết. Để không bước qua lằn ranh mong manh giữa đạo đức và sự cám dỗ của vật chất, cùng với áp lực từ nhiều phía, khi phản ánh tiêu cực thì những người làm báo cần một cái đầu lạnh bên cạnh một trái tim nóng. Dù là phản ánh tiêu cực thì thông tin báo chí cũng phải có hướng tiếp cận để tạo ra hiệu ứng xã hội tích cực. Phê bình là để cùng tiến bộ chứ không phải để vùi dập, triệt tiêu. Cùng một sự kiện, vấn đề nhưng tài năng, bản lĩnh cũng như cái "tâm" và "tầm" của người làm báo khác nhau sẽ tạo ra những tác phẩm khác nhau qua cách lựa chọn thông tin, thái độ, góc nhìn. Người làm báo cần tâm niệm và thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Không biết rõ, không hiểu rõ, chớ nói, chớ viết. Khi không có gì cần nói, không có gì cần viết cũng chớ nói, chớ viết càn".
Kỷ niệm 96 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam là dịp để toàn xã hội tôn vinh nghề làm báo, đồng thời nhắc nhở mỗi nhà báo phải không ngừng trau dồi kiến thức, rèn luyện chuyên môn nghiệp vụ, phẩm chất đạo đức. Bởi nếu không có trình độ chuyên môn nghiệp vụ thì thật khó để làm tròn trách nhiệm công việc được giao và không có đạo đức nghề nghiệp thì không thể làm tròn bổn phận của người làm báo. Cùng với đó là phải có tinh thần dấn thân, lăn xả với nghề để luôn xứng đáng là người chiến sĩ tiên phong trên mặt trận tư tưởng-văn hóa của Đảng, Nhà nước và nhân dân./.