Hôm nay:05/12/2024
Khi những cánh sen cuối cùng của mùa hạ nhẹ nhàng tựa mình trên mặt nước, khi những chiếc lá vông đồng bắt đầu xuôi theo những cơn gió mùa tây nam - tháng tám băng qua quê tôi lặng lẽ như những con nước Vu Gia xuôi mình về phía biển. Người ta nói tháng tám của mùa thu, của heo may, của sắc vàng. Tản mát trong những ý thơ câu chữ nó đẹp như người con gái đôi mươi trước ngày về nhà chồng, run rẩy và buồn e ấp.
Làng quê ven sông Vu Gia. Ảnh: Hứa Thạnh |
Tháng tám, trên những con dốc nghiêng nghiêng nơi mảnh đất trung du nhọc nhằn của xứ Quảng, vẳng đâu đó tiếng người gọi nhau mượn công mùa gặt - hay hối hả tuôn lúa ngoài sân trước những cơn mưa chiều dữ tợn. Tháng tám về cho những giấc mơ đi - một tháng tám rất lạ trong ký ức đục ngầu của thằng bé con mê chơi phố huyện.
Hồi bé, tháng tám về, anh em tôi bắt đầu hành trình nhặt nhạnh sách vở cho một năm học mới. Cả đại gia đình thay phiên nhau cho bộ sách duy nhất. Hình như nó bắt đầu từ gia đình cậu tôi với hai chị gái, sau đến chị gái tôi, rồi lại quay về nhà cậu tôi với một chị học sau chị tôi một lớp. Năm sau nữa nó lại về với anh tôi, rồi đến tôi. Cứ thế, những trang sách qua bao năm không hề nhàu nát. Hồi đó chưa như bây giờ, sách vở người ta chỉnh lý mỗi năm một - mà thực ra cũng chỉ là thay đổi thứ tự trình bày, chẳng qua cốt để nhà in xuất bản thêm sản lượng, công nhân có việc. Một bộ sách, quý lắm - như bây giờ trẻ con phố quý một cái sân chơi công cộng để hít hà hơi gió. Lẽ đó, nên nay tháng tám thôi không còn cái chộn rộn của những sách vở nhặt nhạnh. Thay vào đó, trẻ con ơi ới ba mẹ cho những bìa thơm chỉnh lý - thêm mùa hy vọng mới.
Ngày trước, tháng tám, người nhà quê ở các xã và vùng ven bắt đầu cho mùa gặt - mùa phơi, phơi xong lại đem đi xay kịp về đặt trên ngăn nắp trên “chồ”. Nói cái “chồ” dân quê tôi thế hệ 8X về trước hình như ai cũng biết. Thời đó hay đến tận bây giờ ở nhiều xã vùng B và vùng A, ở cái miền quê - dày lũ, bên bờ hai con sông lớn Vu Gia - Thu Bồn, thì nhà ai cũng có sẵn một cái gác nhỏ để tránh mùa nước về. Cái gác được hình thành bởi mấy đòn tre ngâm thêm đôi tấm ván gỗ tạp là nơi dân quê tôi tích trữ lúa gạo sau một vụ mùa và cũng là nơi sinh hoạt khi những con nước bao quanh độ tháng chín trở đi. Những con nước đỏ quạch trông dữ tợn nhưng đầy cưu mang ấy về sau không còn thủng thẳng trôi nghiêng theo mùa. Bà con quê tôi vốn vẫn chờ những con lũ cuối mùa gặt ấy, đầy khát khao cho một mùa mới bồi đắp và no ấm. Tiếc thay, cuộc sống thay đổi nên con nước cũng phải đổi thay theo. Hàng chục cái thủy điện to như mấy căn cứ liên hợp quân sự trên đồi Thượng Đức hồi chiến (theo lời mấy cụ cao niên quê tôi ví von) nay nắn con lũ sang mùa khác. Vậy nên, hạt lúa tháng tám sau này, gánh thêm cái khổ mới. Tháng tám, mấy bà mẹ quê tính rợ từng bao lúa chất gọn gàng trên chồ, cái nào để cho mùa sau, cái nào hương hỏa, cái nào cho tết và cái nào để mai cho chồng chở xuống chợ huyện bán cho mấy nhà buôn lấy tiền về chuẩn bị sẵn cho mấy đứa con sắp quay lại trường học.
Tháng tám, nhà tôi - nơi cái góc nhỏ ở cái ngã tư lắm buồn vui, mùa của những người đi. Người miền Trung thường thì chỉ hay đi mỗi khi ra tết. Nhưng, với nhiều người dân quê tôi đang sinh sống và lưu lạc đất khách còn có một mùa đi nữa vào mỗi tháng tám. Người Đại Lộc khó khăn nhưng cầu tiến và ham học hỏi, bởi vậy học sinh xa xứ mỗi độ tháng tám quay lại trường cũng nhiều như cái sự nỗ lực vượt khó của họ vậy. Những ngày ấy, mỗi sáng mỗi trưa, từng đoàn người lại tiễn nhau nơi cái góc nhỏ ngã tư duy nhất của phố trung du này. Từ đó, những bao lúa vụ hè thu đẫm mồ hôi nồng nồng vị phù sa của dãy Trường Sơn được xếp ngay ngắn trong ví của người đi. Và cũng từ đó, tôi đã thấy, nhiều lắm những thành công cho những người đi sau những ngày mùa tháng tám. Tháng tám quê tôi - mùa của kỳ vọng.
MỤC ĐỒNG