CHÀO MỪNG CÁC BẠN ĐẾN VỚI TRANG TTĐT TRUNG TÂM VĂN HÓA - THỂ THAO VÀ TRUYỀN THANH - TRUYỀN HÌNH HUYỆN ĐẠI LỘC

Hôm nay:30/09/2024

Đại Lộc: 15 năm, một hành trình phát triển văn hóa

Chiếc nôi vững chắc Trong con mắt những người làm văn hóa- nghệ thuật, Đại Lộc quả không hổ danh là một vùng văn hóa. Không chỉ là "bảo tàng sống" của tuồng cổ và nhiều làn điệu dân ca (hò khoan, bả trạo, ru con, sắc bùa, bài chòi...), ca dao, tục ngữ, ngạn ngữ..., Đại Lộc "sở hữu" các làng nghề nổi tiếng: trống Lâm Yên, hồ Khánh Vân, ươm tơ Giao Thủy, đan lờ Trung An...; những di tích văn hóa, lịch sử: Miếu Thừa Bình, chùa Cổ Lâm, động Hà Sống ... Mảnh đất giàu truyền thống văn hóa này còn là nơi "chôn nhau cắt rốn" của nhiều thi sĩ, nghệ sĩ, học giả tài hoa nổi tiếng cả nước như: Tú Quỳ, Bà Bang Nhãn, Nguyễn Nho Túy, Nguyễn Văn Bổng, Võ Quảng, Nam Trân, Trinh Đường, ...

Trước khi có Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) ra đời, Đảng bộ huyện đã vận dụng sáng tạo đường lối của Đảng và chỉ đạo của cấp trên để đề ra những giải pháp xây dựng đời sống văn hoá. Năm 1995, huyện đã xuất bản cuốn "Đại Lộc một vùng văn hóa", giới thiệu cho bạn đọc trong và ngoài huyện một số thể loại văn hóa dân gian. Một số thiết chế văn hóa- thể thao được xây dựng để phục vụ đời sống tinh thần của nhân dân. Đáng chú ý là công trình Đền Tưởng niệm các bậc tiền bối hữu công và các anh hùng liệt sĩ được xây dựng và khánh thành vào năm 1995, nhân kỷ niệm 20 năm giải phóng quê hương. Đây là những tiền đề quan trọng để Đại Lộc có bước phát triển ngoạn mục trên hành trình phát triển văn hóa theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII).

Chăm lo xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở.

 Lễ Giổ Tổ Hùng Vương tại Đền tưởng niệm Trường An. (Ảnh V.Trình)

Có thể khẳng định, một trong những thành quả lớn nhất mà Đại Lộc "gặt hái" được trong 15 năm qua chính là xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở ngày càng đi vào chiều sâu và có hiệu quả. Đáng ghi nhận là phong trào xây dựng gia đình văn hóa, thôn, khu phố văn hóa, tộc họ văn hóa, xã văn hóa, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp có đời sống văn hóa tốt là yếu tố quan trọng tạo nên sự chuyển biến rõ nét trong đời sống của từng gia đình và cả cộng đồng, góp phần gìn giữ và phát huy những đạo lý tốt đẹp của gia đình Việt Nam, nêu cao vai trò gương mẫu của các bậc ông bà- cha mẹ, coi trọng xây dựng mối quan hệ khắng khít giữa gia đình, nhà trường và xã hội. Hằng năm, các hoạt động văn hoá, văn nghệ trên khắp các địa bàn dân cư được tổ chức sôi nổi thông qua các hội thi, hội diễn bằng nhiều loại hình văn nghệ phong phú, đa dạng. Các lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương, lễ hội rước kiệu Bà Phường Chào và các lễ hội dân gian khác đã trở thành "món ăn tinh thần" trong đời sống nhân dân. Công tác phòng chống các tệ nạn xã hội, văn hóa phẩm độc hại, nhất là mại dâm, ma tuý triển khai đồng bộ, có hiệu quả. Đội kiểm tra liên ngành huyện thường xuyên kiểm tra các hoạt động văn hoá và dịch vụ văn hoá, kịp thời chấn chỉnh, định hướng cho công dân thực hiện đúng pháp luật, giữ gìn môi trường văn hóa trong sạch, lành mạnh.

Thành quả xây dựng đời sống văn hóa được thể hiện sinh động qua những "con số biết nói": năm 2012, toàn huyện có 86,78% số hộ gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa; 45,34% thôn, khu phố đạt danh hiệu thôn, khu phố văn hoá; có 88% số cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt danh hiệu “đơn vị cơ sở có đời sống văn hóa tốt”; 3 xã đạt tiêu chuẩn xã văn hóa. Trong số 174 tộc họ phát động và đăng ký xây dựng tộc văn hóa, đến nay có 74 tộc đạt tộc họ văn hóa (chiếm 42,52%). Có 15 thôn liên tục đạt danh hiệu thôn văn hóa 5 năm liền, 7 thôn đạt danh hiệu thôn văn hóa 10 năm liền.

Ngày càng nhiều thiết chế văn hóa được đầu tư

Cắt băng khánh thành Đình làng Ái Nghĩa(Ảnh V.Trình)

"Hãy đánh thức quá khứ dậy để làm cuộc cách mạng hôm nay!", lời nhắc nhở ấy của Friedrich Engels  luôn được các cấp, các ngành ở Đại Lộc xem là phương châm chỉ đạo và được hiện thực hóa bằng việc đầu tư hoàn chỉnh một hệ thống những công trình văn hóa - lịch sử có tính quy mô như:  Nhà Lưu niệm nơi thành lập Đảng bộ huyện, khu di tích Văn Thánh, tượng đài chiến thắng Cầu Ông Nở, di tích đồn Chợ Cá, đình làng Ái Nghĩa... Bên cạnh đó, các thiết chế văn hóa xã, thôn cũng được chú trọng hơn. Đến nay, toàn huyện có 10 xã đã xây dựng Nhà Văn hoá, các xã còn lại đã xây dựng đề án hoặc đang tiến hành các bước cho việc hình thành Nhà văn hoá; 156/161 thôn, khu phố có khu sinh hoạt văn hoá, trong đó có khoảng 65% số thôn, khu phố đã xây dựng các hạng mục công trình: Bia tưởng niệm, nhà họp, trường học, khu thi đấu thể thao, vườn hoa, bảng tin, …Tủ sách pháp luật của xã, tủ sách của các thôn, thư viện huyện và các thư viện trường học hoạt động thường xuyên. Mạng lưới bưu điện văn hóa phát triển đều khắp trên 3 vùng của huyện. Những thiết chế quan trọng này đã góp phần tích cực vào việc giáo dục lịch sử - truyền thống, đáp ứng nhu cầu giải trí, hưởng thụ văn hóa của nhân dân. Tính chung, tổng nguồn vốn xã hội hóa đầu tư tôn tạo các di tích lịch sử- văn hóa và xây dựng các thiết chế văn hóa- thể thao trong 15 năm qua ước tính lên 65 tỷ đồng- một con số không hề nhỏ đối với một huyện nông nghiệp như Đại Lộc.

Bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể

Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 (khóa VIII) nêu rõ: “Di sản văn hóa là tài sản vô giá, gắn kết cộng đồng dân tộc, là cốt lõi của bản sắc dân tộc, cơ sở để sáng tạo những giá trị mới và giao lưu văn hóa. Hết sức coi trọng bảo tồn, kế thừa, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống (bác học và dân gian), văn hóa cách mạng, bao gồm văn hóa vật thể và phi vật thể…”. Theo định hướng trên, 15 năm qua, Đại Lộc đã đẩy mạnh công tác sưu tầm bảo lưu giá trị văn hóa địa phương. Đáng chú ý là tổ chức biên soạn và phát hành "Địa chí Đại Lộc", "Địa chí Đại Nghĩa", "Địa chí Đại Cường". Khuyến khích, tạo điều kiện cho các nghệ nhân hoạt động trên lĩnh vực văn nghệ dân gian có những tác phẩm hay, đặt lời mới cho các làn điệu dân ca. Tổ chức khảo sát, đánh giá, đưa vào quy hoạch tôn tạo trên 70 di tích cấp huyện; lập thủ tục đề nghị công nhận 22 di tích cấp tỉnh, 2 di tích cấp quốc gia là Địa đạo Phú An - Phú Xuân (xã Đại Thắng) và Chiến thắng Thượng Đức (xã Đại Lãnh). Hằng năm, mỗi độ Tết đến, Xuân về, đặc san "Xuân Đại Lộc"- tập hợp nhiều bài viết ở nhiều thể loại khác nhau trên lĩnh vực văn học- nghệ thuật của các tác giả trong và ngoài huyện- lại có dịp "trình làng".

Bên cạnh đó, nhiều công trình có giá trị: "Lịch sử Đảng bộ huyện giai đoạn 1975-2000", "Kỷ yếu Ban Chấp hành Đảng bộ huyện 1937- 2012","Những người nhóm lửa" (viết về 7 đồng chí tiền bối tham gia thành lập Đảng bộ huyện năm 1937), “Đại Lộc- Một thời để nhớ” tập 1, 2 và các tập lịch sử Đảng bộ xã, lịch sử ngành, đoàn thể, góp phần quan trọng vào công tác giáo dục truyền thống văn hóa, yêu nước và cách mạng, nhất là "giữ lửa" cho thế hệ trẻ.

Vượt qua những thách thức

15 năm, thời gian chưa phải là dài đối với sự nghiệp phát triển văn hóa song bước đầu đã ghi lại được những dấu ấn về văn hóa ở Đại Lộc. Đồng thời, cũng chỉ ra những mặt hạn chế và những thách thức cần vượt qua, nhất là trong phát động và duy trì, nâng cao chất lượng phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa"; trong xây dựng và phát huy tốt vai trò, tác dụng của các khu sinh hoạt văn hóa ở các thôn, khu phố;  trong quản lý hoạt động văn hóa và dịch vụ văn hóa; trong bố trí và sử dụng đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa... Nghiêm túc đánh giá kết quả sau 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII), Đại Lộc đang tập trung thực hiện những giải pháp đồng bộ để đưa văn hóa thấm sâu hơn vào từng người, từng nhà, từng địa bàn dân cư, từng cơ quan, đơn vị và thực sự là động lực phát triển, là nền tảng tinh thần của xã hội.
 

Tác giả: Vân Trình

Tin mới đăng

Xem nhiều nhất