CHÀO MỪNG CÁC BẠN ĐẾN VỚI TRANG TTĐT TRUNG TÂM VĂN HÓA - THỂ THAO VÀ TRUYỀN THANH - TRUYỀN HÌNH HUYỆN ĐẠI LỘC

Hôm nay:18/06/2024

THỂ THAO VIỆT NAM- 75 NĂM ĐỒNG HÀNH VỚI ĐẤT NƯỚC

Bài viết:   THỂ THAO VIỆT NAM- 75 NĂM ĐỒNG HÀNH VỚI ĐẤT NƯỚC

                                                                                                  Khánh Toàn

     Sau Cách mạng Tháng Tám thành công, Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đứng trước muôn vàn khó khăn, thách thức. Mặc dù phải tập trung mọi nguồn lực để chống thù trong, giặc ngoài, xây dựng và củng cố chính quyền còn non trẻ nhưng Đảng và Chính phủ đã quan tâm sâu sắc đến công tác Thể dục- thể thao nước nhà. Ngày 30/01/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ Liên hiệp Lâm thời ký Sắc lệnh số 14 thiết lập tại Bộ Thanh niên một Nha Thể dục Trung ương do ông Dương Đức Hiền phụ trách. Sắc lệnh số 14 là văn bản quy phạm pháp luật đầu tiên của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, nêu rõ: “Xét vấn đề thể dục rất cần thiết để tăng bổ sức khỏe quốc dân và cải tạo nòi giống Việt Nam". Ngày 27/3/1946, Bác thay mặt Chính phủ ký Sắc lệnh số 38 về việc thiết lập trong Bộ Quốc gia Giáo dục một Nha Thanh niên và Thể dục gồm Phòng Thanh niên Trung ương và Phòng Thể dục Trung ương. Phòng Thể dục Trung ương đứng đầu ngành thể dục thể thao nước ta, tiếp tục thực hiện nhiệm vụ của Nha Thể dục Trung ương đã đề ra trước đó. Cũng trong ngày này, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi toàn dân tập thể dục, đặt cơ sở quan điểm, tư tưởng soi sáng vị trí công tác thể dục- thể thao trong sự nghiệp cách mạng. 45 năm sau, ngày 29/01/1991, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ký Quyết định số 25 về việc lấy ngày 27/3 hằng năm là Ngày Thể thao Việt Nam.

     Có thể khẳng định, ngày 27/3/1946 đã khai sinh ra một nền thể dục, thể thao hoàn toàn mới ở nước ta mang đậm tính dân tộc, khoa học, nhân dân và văn minh. Từ đó đến nay, sau 75 năm xây dựng và trưởng thành, nền thể dục- thể thao nước nhà đã có những bước tiến đáng kể qua từng chặng đường phát triển.

Trong suốt hai cuộc kháng chiến chống ngoại  xâm, TDTT luôn là một bộ phận quan trọng của sự nghiệp kháng chiến và kiến quốc. Với quan điểm TDTT phục vụ cho sức khỏe của nhân dân, cho lao động sản xuất và quốc phòng, nhiệm vụ của công tác TDTT trong giai đoạn này là phát triển rộng rãi phong trào TDTT trong quần chúng, đặc biệt là trong các tầng lớp thanh niên, thiếu niên, trên cơ sở đó phát hiện, đào tạo bồi dưỡng nhân tài, bồi dưỡng VĐV để không ngừng nâng cao trình độ kĩ thuật và thành tích các môn thể thao chủ yếu, đẩy mạnh việc thực hiện rèn luyện thân thể, lấy đó làm cơ sở để phát triển các môn thể thao trong các công trường, nông trường, cơ quan, trường học và nông thôn. Trong hoàn cảnh chiến tranh đầy gian khổ, hy sinh, chúng ta đã  xây dựng được tiền đề cơ bản của nền thể thao vì sức khỏe và hạnh phúc của nhân dân, góp phần xây dựng con người mới, đời sống văn hóa mới, phục vụ đắc lực cho sản xuất và chiến đấu. Đây là vốn quý để tiếp tục xây dựng và phát triển sự nghiệp thể dục thể thao trên cả nước trong các giai đoạn kế tiếp.

     Từ sau ngày đất nước thống nhất, TDTT Việt Nam bước sang giai đoạn phát triển mới, cả về lượng và chất. Đặc biệt, trong những năm gần đây, sự nghiệp thể dục, thể thao nước ta đã có nhiều tiến bộ vượt bậc. Thể dục thể thao quần chúng tiếp tục phát triển với nhiều hình thức đa dạng, góp phần nâng cao sức khoẻ, xây dựng lối sống lành mạnh, cải thiện đời sống văn hoá, tinh thần của nhân dân. Thể thao thành tích cao có bước phát triển cao hơn, thành tích ở một số môn đạt trình độ châu Á và thế giới. Cơ sở vật chất, kỹ thuật cho thể dục, thể thao từng bước được nâng cấp và xây dựng mới. Hợp tác quốc tế về thể thao được tăng cường, vị thế của thể thao Việt Nam được nâng cao, nhất là ở khu vực Đông Nam Á. Tiếp bước cha anh, nhiều thế hệ VĐV Việt Nam đã thi đấu xuất sắc, giành được những thành tích cao trên đấu trường quốc tế và hiện nay TTVN luôn nằm trong Top 3 nước dẫn đầu của khu vực, các VĐV Việt Nam còn giành được nhiều huy chương danh giá tại các kỳ Asian Games, Olympic…

     Đồng hành cùng với sự nghiệp TDTT của đất nước, của tỉnh, 46 năm qua, TDTT Đại Lộc đã có sự tiến bộ không ngừng trong phát triển phong trào TDTT quần chúng và thể thao thành tích cao.

     Ngay sau ngày quê hương hoàn toàn giải phóng, toàn huyện bắt tay vào việc xây dựng và từng bước phát triển phong trào TDTT theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Nam- Đà Nẵng lần thứ 11. Tập trung đẩy mạnh hoạt động TDTT thành phong trào quần chúng, lấy thanh niên, học sinh làm nòng cốt, lấy thể dục làm cơ sở. Kết hợp phong trào TDTT với phong trào vệ sinh phòng bệnh và lao động sản xuất, xây dựng nếp sống lành mạnh, đẩy lùi nếp sống ủy mị, lười nhác. Đầu tư xây dựng sân bãi tập ở cơ sở. Nhiều xã đã có sân bóng đá, bóng chuyền, thường xuyên tổ chức các hoạt động thi đấu thể thao giao hữu. Đội bóng đá huyện được thành lập và tích cực tham gia thi đấu các giải trong tỉnh. Từ phong trào TDTT quần chúng, Đại Lộc đã cung cấp cho các đội tuyển của tỉnh nhiều vận động xuất sắc.

     Trong những năm qua, Đại Lộc tập trung phát triển đồng bộ TDTT cả về đại trà và mũi nhọn, phát động đều khắp và có hiệu quả các phong trào: “Khỏe để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”, tổ chức tốt các kỳ Đại hội TDTT, Hội thao quốc phòng, Hội khỏe Phù Đổng. Hằng năm,cấp xã tổ chức 80-90 giải thể thao; cấp huyện tổ chức từ 5-7 giải, trong đó đua truyền trở thành giải thể thao truyền thống, được duy trì tổ chức vào mùng 6 Tết Nguyên đán. Công tác tổ chức các giải thực hiện chu đáo, bài bản và khoa học, chất lượng chuyên môn ngày càng nâng lên, thu hút đông đảo người xem. Hệ thống các câu lạc TDTT hình thành đồng bộ, nhất là ở các bộ môn:  Cầu lông, võ thuật, cờ tướng, đua thuyền, thể dục dưỡng sinh,…Đáng chú ý là phong trào thể dục dưỡng sinh của người cao tuổi trở thành điểm sáng của tỉnh. Cùng với việc tổ chức tốt các hoạt động tại huyện, xã, thôn, TDTT Đại Lộc hằng năm đều tham gia các giải thể thao cấp tỉnh, đạt được kết quả khả quan ở các môn có thế mạnh như: Việt dã, cờ tướng, võ thuật,…mang về những thành tích cao cho thể thao huyện nhà. Công tác xây dựng cơ sở vật chất cho các hoạt động thể thao ngày càng được chú trọng gắn với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh. Đến nay, có 13 xã đã đạt chuẩn quốc gia về cơ sở vật chất thể thao theo tiêu chí nông thôn mới. Hầu hết các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đều có sân bóng đá, hàng trăm sân bóng chuyền, cầu lông. Nhiều cơ sở thể thao ngoài công lập được hình thành, trong đó có nhiều cơ sở bóng đá mini cỏ nhân tạo. Hệ thống cơ sở vật chất thể thao cấp huyện đã được đầu tư hiện đại. Công tác xã hội hóa cũng từng bước được quan tâm, nhiều đơn vị, doanh nghiệp đã thường xuyên hỗ trợ kinh phí để tổ chức các hoạt động thể thao phong phú, đa dạng và có hiệu quả hơn.

     Kỷ niệm 75 năm Ngày Truyền thống Ngành Thể dục- thể thao và Ngày Thể thao Việt Nam là dịp để toàn xã hội nói chung và những người làm công tác thể dục- thể thao nói riêng ôn lại truyền thống, qua đó nâng cao nhận thức về vai trò, ý nghĩa, tác dụng của luyện tập thể dục, thể thao trong việc bảo vệ, nâng cao sức khoẻ và chất lượng cuộc sống; xây dựng lối sống và môi trường văn hoá lành mạnh. Đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”. Trước mắt, tập trung tổ chức thành công Đại hội TDTT huyện Đại Lộc lần thứ IX và chuẩn bị lực lượng để tham gia Đại hội TDTT tỉnh Quảng Nam lần thứ IX./.

Tin mới đăng

Xem nhiều nhất