-
Lãnh đạo tỉnh thăm Nhà giáo ưu tú Đỗ Xuân Thưởng - 2024-11-22
Hôm nay:24/11/2024
Gần đây, tại Đại Lộc xuất hiện nhiều mô hình bảo vệ và chăm sóc trẻ em, song hiệu quả còn dừng lại ở mức khiêm tốn.
Trong 2 năm 2013 - 2014, Phòng LĐ-TB&XH huyện Đại Lộc xây dựng nhiều mô hình chăm sóc và bảo vệ trẻ em. Cụ thể như mô hình “Phòng ngừa tai nạn thương tích trẻ em” tại xã Đại Hòa, Đại Nghĩa; mô hình “Hệ thống cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em” tại 4 xã Đại Minh, Đại Hiệp, Đại Thắng và Đại An; mô hình “Xã an toàn, phòng chống tai nạn thương tích trẻ em” tại Đại Hồng, Đại Đồng. Theo bà Nguyễn Thị Hạnh - Cán bộ phụ trách Ban LĐ-TB&XH kiêm nhiệm mảng trẻ em xã Đại Hòa, mô hình “Phòng ngừa tai nạn thương tích trẻ em” được triển khai thí điểm từ năm 2013. “Đại Hòa là xã có nhiều thôn nằm dọc ông Thu Bồn, nguy cơ trẻ em đối diện với vấn nạn đuối nước rất cao, nên việc tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các em là hết sức thiết thực. Chúng tôi còn phối hợp với một số trường học lồng ghép nội dung này vào các hoạt động ngoại khóa của trường, đặc biệt là dịp hè” - bà Hạnh nói. Mô hình “Cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em” xã Đại An cũng đi vào hoạt động từ năm 2013. Bà Văn Thị Lệ Thảo - Cán bộ phụ trách dân số - kế hoạch hóa gia đình xã Đại An thông tin: “Mục tiêu hướng tới là không để trẻ em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, không bị xâm phạm, không còn trường hợp trẻ em lang thang, cơ nhỡ”
Năm 2014, mức hỗ trợ cho các xã làm điểm mô hình chăm sóc và bảo vệ trẻ em như Đại Hồng, Đại Nghĩa và Đại Hòa có phần được cải thiện. Cụ thể là Đại Hồng được hỗ trợ 15 triệu đồng/năm, 2 xã Đại Nghĩa và Đại Hòa 10 triệu đồng/năm/xã. Nếu 2 xã Đại Nghĩa và Đại Hòa chủ yếu đẩy mạnh tuyên truyền đối với trẻ em, phụ huynh học sinh ở xã và các khu dân cư ở các thôn thì ở xã Đại Hồng, ngoài tuyên truyền mạnh ở thôn Ngọc Kinh Tây, Ban Bảo vệ và chăm sóc trẻ em của xã đã mở rộng đối tượng tuyên truyền ra một số trường học, chủ yếu là trường cấp 1 và 2 trên địa bàn. “Các em sẽ được tuyên truyền về những nguy cơ tai nạn thương tích như: nguy cơ bị vật nhọn đâm, nuốt vật lạ, điện giật, đuối nước, chó cắn… Những em tham gia diễn đàn, lớp tập huấn sẽ được nhận quà tặng, được tuyên dương, khen thưởng khi có thành tích tốt. Bình quân mỗi buổi nói chuyện sẽ thu hút 30 - 40 em tham gia” - bà Nguyễn Thị Ánh Kiều, cán bộ trẻ em kiêm gia đình và bảo trợ xã hội xã Đại Hồng chia sẻ.
Số lượng mô hình dành cho trẻ em nhiều là vậy nhưng thực ra hiệu quả còn khiêm tốn. Trong khi ở Đại Hồng, phong trào bước đầu phát huy hiệu quả thì tại các xã còn lại, có xã mô hình được duy trì ở mức cầm chừng, có xã bị gián đoạn. Bà Văn Thị Lệ Thảo - Cán bộ phụ trách dân số - kế hoạch hóa gia đình xã Đại An bày tỏ: “Sinh thì dễ nhưng dưỡng thì khó. Mỗi năm, mô hình chỉ được hỗ trợ 2,5 triệu đồng, không đủ điều kiện để hoạt động. Chúng tôi phải lồng ghép, tận dụng nguồn quỹ bảo trợ trẻ em xã, thậm chí vận động nguồn hỗ trợ từ mạnh thường quân, song nguồn này cũng gặp không ít khó khăn, chỉ có thể nói quý là ở tấm lòng vì trẻ em mà thôi”.
Ông Trần Phước Long - Cán bộ phụ trách trẻ em, Phòng LĐ-TB&XH huyện Đại Lộc chia sẻ, năm 2014, trong khi 3 xã Đại Hòa, Đại Nghĩa và Đại Hồng được hỗ trợ kinh phí mỗi xã 10 -15 triệu đồng thì tại các xã khác, nguồn hỗ trợ từ tỉnh còn hạn chế. Kinh phí từ ngân sách huyện và xã về công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em hầu như không có. Hiện, mỗi nơi làm theo mỗi kiểu, có xã bố trí được người kiêm nhiệm, có xã bỏ lửng. Về chế độ bồi dưỡng cho lực lượng cộng tác viên, có xã có, có xã không. Công tác kiểm tra, đánh giá các mô hình còn gặp khó khăn, chậm trễ vì những lý do trên. Hơn nữa, hầu hết mô hình chỉ dừng lại ở khâu tuyên truyền là chính, các địa phương vẫn chưa xây dựng được kế hoạch, chương trình hành động cụ thể và đưa mô hình đi vào thực tiễn. Nội dung tuyên truyền còn nặng lý thuyết, đơn điệu. Ngay tại các xã triển khai mô hình điểm, vẫn rất ít trong số đó phát huy và tạo sức lan tỏa của phong trào. Ông Trần Phước Long chia sẻ thêm, mô hình thì nhiều, song việc duy trì mô hình và phát huy hiệu quả và tính bền vững của các mô hình mới chính là vấn đề cần bàn. Cũng theo ông Long, để nâng cao chất lượng phong trào, cần phải bố trí mỗi xã một cán bộ chuyên trách trẻ em. Song cái khó là việc bố trí người sẽ đi kèm với việc giải quyết chế độ, phụ cấp, e sẽ khó kham nổi…
H.Liên