-
Lãnh đạo tỉnh thăm Nhà giáo ưu tú Đỗ Xuân Thưởng - 2024-11-22
Hôm nay:24/11/2024
Trong thời gian qua việc triển khai các phương án phòng chống lụt bão tại chỗ, tích trữ lương thực, sơ tán dân vùng xung yếu… đã được các ban ngành chức năng của huyên Đại Lộc quan tâm và triển khai nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của người dân trong mùa lũ. Đặc biệt, trong việc chung tay đối phó với bão lũ thì hiện nay nhiều trường học trên địa bàn đã xây dựng mô hình trường học thích ứng với bão lũ bằng việc tổng diễn tập cho các học sinh và giáo viên trong việc sơ tán tài sản của nhà trường. Điểm sáng trong mô hình này có trường THCS Mỹ Hòa, xã Đại An.
Có thể nói, Xã Đại An cũng như nhiều địa phương khác nằm trong vùng “rốn lũ” của huyện Đại Lộc. Trong nhiều năm qua cứ mỗi đợt lũ về chỉ cần mực nước ở mức báo động 1 thì trường THCS Mỹ Hòa đã bị cô lập trong nước do nằm ở vị thế trũng thấp khiến cho việc sơ tán cơ sở vật chất cũng như khắc phục hậu quả sau bão lũ của thầy và trò nhà trường gặp muôn vàn khó khăn, nhiều thiết bị dạy học, đồ dùng học tập, bàn ghế bị ngâm bùn nước sâu 3-4 tấc.
Rút kinh nghiệm đó, cách đây 3 năm, trường THCS Mỹ Hòa đã triển khai mô hình trường học thích ứng với bão lũ bằng việc xây dựng kịch bản diễn tập cho các học sinh và giáo viên trong việc sơ tán và bảo vệ tài sản của nhà trường. Và bước đầu mô hình này đã phát huy được hiệu quả và trở thành điểm sáng trong việc chung tay đối phó và khắc phục bão lũ.
Được biết, theo kịch bản diễn tập thì khi xảy ra mưa lũ nhà trường sẽ báo động bằng loa tay hoặc hệ thống micro, hay tin nhắn đến các thầy cô giáo … thì nhiệm vụ của thầy cô giáo chủ nhiệm cũng như bộ môn đứng lớp, nếu tiết học đó thầy cô nào đứng lớp thì phải lên phương án và chỉ đạo các em học sinh thực hiện việc sơ tán bàn ghế, dụng cụ học tập một cách nhanh, gọn và đúng trình tự.
Trong kịch bản diễn tập các em học sinh đã được tập và tuân thủ theo một quy trình nhất định đó là khi nghe hiệu lệnh thì tất cả đều thu xếp sách vở, dụng cụ bỏ vào cặp, khẩn trương đem đặt trên bục giảng rồi trở về vị trí, sau đó chuẩn tư thế sẵn sàng di chuyển bàn ghế đến nơi cao ráo. Mọi việc tiến hành khẩn trương, trật tự. Nhiệm vụ của thầy và trò là vận chuyển hàng ngàn chiếc bàn ghế lên các tầng trên cao ráo tránh lũ. Đặc biệt, trong mỗi chiếc bàn ghế đã được nhà trường đánh dấu số thứ tự, vị trí lớp, sẽ đặt ở vị trí nào và khi di chuyển bàn ghế thì lớp nào đi trước, lớp nào đi sau, đi/về bằng những lối nào để không gây tắc nghẽn, đảm bảo an toàn cho những lớp còn lại. Ngoài ra, học sinh lớp lớn phải giúp đỡ học sinh lớp nhỏ, học sinh tầng trên phải giúp đỡ học sinh tầng dưới…Tâm sự với chúng tôi em Lê Như Quỳnh học sinh lớp 9/6 cho biết " Với mô hình trường học thích ứng với bão lũ thì học sinh chúng em được luyện tập cách xử lí khi có tín hiệu báo động từ cách sắp xếp sách vở ngăn nắp rồi đến việc di chuyển bàn ghế đến vị trí cần thiết, phải biết cách sắp xếp đi cho sao đúng trật tự, không bị chồng chéo"
Để các em học sinh nắm được quy trình một cách thuần thục nhất là những em mới vào trường thì ngay từ đầu năm học BGH nhà trường đã tổ chức tổng diễn tập nhằm nhằm ôn lại quy trình cho những em học sinh cũ và trang bị để các em học sinh mới vào trường nắm và bắt nhịp được quy trình. Vì vậy, hầu hết 100% học sinh của trường đều thành thục quy trình và không tỏ ra bị động khi có mưa lũ. Việc bảo vệ tài sản bàn ghế, đồ dùng học tập là nhiệm vụ không phải của riêng học sinh mà BGH và thầy cô giáo nhà trường cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng. Đặc biệt là mỗi lúc có báo động của nhà trường thì mỗi giáo viên phải tự ý thức được phải làm gì trong việc chỉ đạo các em học sinh sơ tán bàn ghế và đồ dùng học tập, các thầy cô cũng được tập huấn một cách thuần thục, phải đứng ở vị trí nào để điều khiển và nhắc nhở các em, nhất là khu vực cầu thang và dọc các tuyến hành lang.
Sau khi di chuyển bàn ghế và đồ dùng học tập đến vị trí quy định thì tất cả thầy cô và học sinh phối hợp với tổ bảo vệ nhà trường tổ chức chèn chống nhằm đảm bảo an toàn cho lớp học. Khi mọi việc đã hoàn thành thì toàn trường được báo động ra về một lượt. Đáng nói, tất cả những dụng cụ, những tài liệu quan trọng được nhà trường bố trí kiên cố ở các tầng trên nên đỡ phần nào công sức trong việc vận chuyển khi có mưa lũ đến. Không những làm tốt nhiệm vụ theo quy trình diễn tập mà BGH trường luôn cập nhật các kênh thông tin báo bão lũ từ đài truyền thanh huyện. Đặc biệt là việc phân công cán bộ trực theo dõi mực nước sông tại một số điểm để nắm rõ thông tin về tình hình bão lũ để kịp thời báo động cho học sinh sơ tán. Riêng đối với học sinh cư trú ở các vùng trũng thấp, ngập nước thì nhà trường cho về trước và liên lạc với phụ huynh học sinh trong việc theo dõi, giữa nhà trường và phụ huynh học sinh phối hợp với nhau trong việc căn cứ vào tình hình dự báo lũ và mực nước sông để xác định và tự chủ trong việc có thể cho con em của mình ở nhà trong những tình huống khẩn cấp.
Vì vậy, qua 3 năm triển khai đến nay mô hình đã đem lại hiệu quả góp phần rất lớn trong việc chung tay bảo vệ tài sản nhà trường. Thầy Huỳnh Văn Bình, Hiệu trưởng trường THCS Mỹ Hòa chia sẻ: " Từ khi triển khai mô hình trường học thích ứng với bão lũ thì cơ sở vật chất như bàn ghế, dụng cụ học tập, trang thiết bị kĩ thuật... của nhà trường được đảm bảo tốt"
Có thể nói, trong những năm qua thời tiết biến đổi khó lường, nguy cơ khô hạn và bão lũ liên tiếp xảy ra và gây hậu quả vô cùng to lớn đến cơ sở vật chất cũng như nền kinh tế huyện nhà. Vì vậy, với mô hình chung tay ứng phó và khắc phục bão lũ của trường THCS Mỹ Hòa là một điểm sáng điển hình cần nhân rộng ra nhiều trường học trên địa bàn huyện. Như thế, không những cơ sở vật chất của nhà trường ngày càng hoàn thiện mà chất lượng dạy và học sẽ ngày càng được nâng cao.
Nam Ngãi