CHÀO MỪNG CÁC BẠN ĐẾN VỚI TRANG TTĐT TRUNG TÂM VĂN HÓA - THỂ THAO VÀ TRUYỀN THANH - TRUYỀN HÌNH HUYỆN ĐẠI LỘC

Hôm nay:22/11/2024

Cầu nối nhân đạo

Triển khai công tác một cách có trọng tâm, trọng điểm, bám sát cơ sở, hoạt động của Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) huyện Đại Lộc thời gian qua đã khẳng định rõ nét vai trò cầu nối nhân đạo hữu hiệu trong đời sống xã hội ở địa phương.

Cầu nối hữu hiệu

Với tinh thần “Chung sức vì nhân đạo”, giai đoạn 2011-2016, Hội CTĐ huyện Đại Lộc đã tập trung chỉ đạo, thực hiện công tác hội và phong trào CTĐ một cách có trọng tâm, trọng điểm, bám sát cơ sở, luôn quan tâm, gắn bó với các đối tượng. Theo đó, nhiều mô hình hay, phong trào tốt lần lượt ra đời và mang tính bền vững cao. Điển hình là các phong trào, cuộc vận động “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam”,  “Hũ gạo tình thương”, “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”, dự án “Ngân hàng bò”, chương trình xây dựng nhà tình thương, trợ vốn giúp người nghèo phát triển kinh tế gia đình… được các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, nhà hảo tâm đồng tình hưởng ứng cao. Trong 5 năm, tổng giá trị hỗ trợ hơn 33 tỷ đồng, có 54.703 người được sẻ chia, nhất là đối tượng đặc biệt khó khăn, người già neo đơn.

Hội CTĐ luôn là lực lượng xung kích trong cứu trợ bão lụt.
Hội CTĐ luôn là lực lượng xung kích trong cứu trợ bão lụt.

Hiện nay, Bệnh viện Đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam là địa chỉ thu hút nhiều cá nhân, tổ chức, nhà hảo tâm thông qua Hội CTĐ huyện và cơ sở triển khai thực hiện chương trình “Nồi cháo tình thương”, “Hộp cơm tình thương”. Ông Lê Bích Hổ - Chủ tịch Hội CTĐ huyện Đại Lộc, chia sẻ, có 41 địa chỉ cơ sở tôn giáo thường xuyên trao tặng cháo, cơm tại bệnh viện. Qua đó, góp phần giúp bệnh nhân và người nhà có hoàn cảnh khó khăn, hay bệnh tật kéo dài dường như không tốn tiền mua thức ăn, nước uống hàng ngày; tạo thêm động lực vượt qua nỗi đau thể xác. Thống kê của Hội CTĐ huyện Đại Lộc cho thấy, riêng tổng giá trị thực hiện chăm sóc sức khỏe dựa vào cộng đồng là hơn 6,663 tỷ đồng, trợ giúp được 19.904 người.

Theo bà Nguyễn Thị Hồng - Chủ tịch Hội CTĐ xã Đại Quang, đơn vị vận động, phối hợp cùng chùa Tam Hòa, nhà thờ Phú Hương và một số tổ chức từ thiện nấu cơm, cháo mang đến trao tặng bệnh nhân nghèo nằm ở bệnh viện này. Trong 5 năm, số tiền dành cho “Nồi cháo tình thương”, “Hộp cơm tình thương” gần 1,2 tỷ đồng. Hội CTĐ xã Đại Quang còn là điểm sáng trong phong trào xây dựng “Hũ gạo tình thương”. Thay vì nộp gạo, các hội viên hưởng ứng bằng tiền mặt với hơn 69 triệu đồng và đã hỗ trợ kịp thời cho gia đình khó khăn, tai nạn đột xuất. Công tác xã hội nhân đạo ở Đại Tân cũng tạo được sức lan tỏa mạnh mẽ. Chủ tịch Hội CTĐ xã - ông Ngô Công Điểu cho biết, đơn vị là cầu nối cấp 28 xe lắc cho người tàn tật, xây dựng 5 nhà ở cho hộ nghèo, 26 học sinh hoàn cảnh khó khăn được nhận xe đạp, hỗ trợ 4 con bò cho hộ nghèo và nạn nhân chất độc da cam. Tại phòng khám lương y Nguyễn Lễ, có 2.855 lượt người được khám chữa bệnh và cấp thuốc miễn phí.

Phong trào hiến máu tình nguyện là điểm nổi bật trong hoạt động của Hội CTĐ huyện Đại Lộc. Ảnh: C.T
Phong trào hiến máu tình nguyện là điểm nổi bật trong hoạt động của Hội CTĐ huyện Đại Lộc. Ảnh: C.T

Qua triển khai cuộc vận động thực hiện phong trào “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam”, “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”, Đại Lộc xuất hiện nhiều gương điển hình.

Mặc dù tuổi đã cao, ông Tăng Bồn - Chủ tịch Hội CTĐ xã Đại Hồng luôn thể hiện trách nhiệm cao và tình cảm đáng quý. Bằng sự nhiệt huyết của mình, ông phát triển 10 chi hội CTĐ ở 10 thôn, nâng tổng số hội viên lên 1.092 hộ; thành lập 10 đội xung kích cứu nạn. Xác định xây dựng quỹ hội là nhiệm vụ chiến lược, ông Bồn tổ chức gây quỹ bằng nhiều hình thức, như lập “Sổ vàng nhân đạo”, xây dựng “Hũ gạo tình thương”. Sau 5 năm, các cơ sở ở thôn huy động được gần 137 triệu đồng, quỹ xã huy động gần 8,5 triệu đồng. Ở xã Đại Hồng, cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo” triển khai khá hiệu quả. Điển hình là sư cô Minh Như - trụ trì chùa Lập Thiện đã đảm nhận 110 địa chỉ nhân đạo. Trong đó, xã Đại Sơn có 40 địa chỉ và xã Đại Hồng là 70 địa chỉ, mỗi địa chỉ 10kg gạo/tháng.

Tại xã Đại Quang, bà Nguyễn Thị Hồng là “đầu tàu” vận động phong trào “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam”. Qua 5 năm, Hội CTĐ xã vận động hơn 1 tỷ đồng để trao tặng 3.807 suất quà cho hộ nghèo, nạn nhân chất độc da cam, gia đình đặc biệt khó khăn nhân tết cổ truyền. Đơn vị còn vận động 4 tổ chức, 2 cá nhân gắn liền “một địa chỉ nhân đạo”. Điển hình như câu lạc bộ “Hiểu và thương” Đà Nẵng, câu lạc bộ “Đại Lộc quê mình”, gia đình ông - bà Ánh Tựu, vợ chồng anh - chị Liên Thanh đảm đương 58 địa chỉ nhân đạo, số tiền 378 triệu đồng.

Cứu người, chăm lo sinh kế

“Nhiệm kỳ qua, Hội CTĐ huyện Đại Lộc đã không ngừng lớn mạnh, trưởng thành và đạt nhiều thành tích to lớn, đóng góp tích cực cho sự nghiệp an sinh xã hội của huyện. Bằng nhiều hình thức khác nhau, các cấp hội toàn huyện đã vận động cứu trợ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, người nghèo, người gặp bất hạnh… Hội CTĐ luôn có mặt kịp thời trợ giúp nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai, bão lũ; tham gia tái thiết, hỗ trợ sinh kế để người dân có hoàn cảnh khó khăn phát triển kinh tế, vươn lên trong cuộc sống” - Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc, ông Trần Văn Mai đánh giá. Có thể nói, việc hỗ trợ bò sinh kế cho gia đình khó khăn rất thiết thực vươn lên ổn định cuộc sống.

Theo thống kê, năm 2011, Quỹ hàn gắn chiến tranh Hoa Kỳ đã lập hồ sơ giúp đỡ được 7 hộ nghèo tại Đại Phong và Đại Tân (8 triệu đồng/hộ) để chăn nuôi bò. Cũng trong năm 2011, quỹ này tiếp tục hỗ trợ cho xã Đại An, Đại Hưng 20 con, mỗi con 5 triệu đồng/con. Tiếp đó, năm 2013, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tặng cho hộ nghèo xã Đại Hưng 10 con bò, mỗi con 10 triệu đồng; Hội CTĐ huyện Đại Lộc đối ứng mỗi con 3 triệu đồng. Năm 2014, triển khai vận động “Ngân hàng bò - Chung sức cùng đồng bào nghèo miền núi xây dựng nông thôn mới”, Hội CTĐ huyện mua 13 con bò (15 triệu đồng/con) trao tặng cho người dân. “Năm 2015, chúng tôi xuất quỹ “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam” mua 18 con bò tặng cho hộ nghèo ở 18 xã và thị trấn, mỗi con 14 triệu đồng” - ông Lê Bích Hổ cho hay. Kết quả trên đã nâng tổng nguồn lực mà Hội CTĐ huyện Đại Lộc vận động trong 5 năm đạt 43,4 tỷ đồng.

Cũng theo ông Trần Văn Mai, phong trào “Toàn dân hiến máu nhân đạo” rất thiết thực và ý nghĩa được đông đảo nhân dân ủng hộ. Khi mà lượng máu dự trữ ở các bệnh viện, các cơ sở y tế thiếu hụt trầm trọng, không đáp ứng được nhu cầu truyền máu của người bệnh thời điểm ngặt nghèo, phong trào nêu trên được Hội CTĐ tổ chức thường xuyên, có nền nếp, chất lượng qua từng năm. Đơn vị đã tham mưu thành lập, kiện toàn Ban chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện 18 xã, thị trấn, thành lập “ngân hàng máu sống”; xây dựng kế hoạch, tuyên truyền về hiến máu tình nguyện, Cũng từ đây, bằng tấm lòng chia sẻ và trách nhiệm, đã và đang xuất hiện ngày càng nhiều tấm gương cán bộ, hội viên, tình nguyện viên hiến máu.

Ngoài điểm sáng xã Đại Hòa và Đại Hiệp, xã Đại Tân tiếp tục nổi lên là địa phương có số người hiến máu ngày càng đông. Theo ông Ngô Công Điểu, nhiều anh chị tham gia hiến máu hơn 10 lần, đơn cử như anh Đỗ Phú Toàn (thôn Trà Đức), anh Phạm Văn Vinh - cán bộ LĐ-TB&XH xã, chị Trịnh Thị Tuyết Vân - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã. Điều đáng ghi nhận là cán bộ, công nhân viên doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cũng hăng hái hưởng ứng phong trào, điển hình là Công ty CP Prime, Công ty TNHH Groz-beckert Việt Nam. Theo thống kê, toàn huyện có hơn 9.000 lượt người hiến máu với 3.898 đơn vị máu. Những giọt máu đào quý giá đó góp phần giúp đỡ hàng trăm người thoát khỏi cơn hiểm nghèo, hiện hữu trong nhiều cơ thể bệnh nhân.

CÔNG TÚ (Báo Quảng Nam)

Tin mới đăng

Xem nhiều nhất