-
Lãnh đạo tỉnh thăm Nhà giáo ưu tú Đỗ Xuân Thưởng - 2024-11-22
Hôm nay:22/11/2024
Tại buổi đối thoại với các hộ dân thôn Giao Thủy (xã Đại Hòa) do lãnh đạo huyện Đại Lộc chủ trì mới đây, 7 hộ dân không thuộc diện hỗ trợ tiếp tục kiến nghị, đề xuất được hưởng suất tái định cư tối thiểu dù đây là việc nằm ngoài quy định.
Buổi đối thoại gần đây nhất, người dân thôn Giao Thủy vẫn chưa đồng thuận bàn giao mặt bằng. Ảnh: Hoàng Liên |
Đòi suất tái định cư tối thiểu
Dù đã có nhiều buổi đối thoại diễn ra giữa các hộ dân thuộc khu ươm tơ Giao Thủy và phía huyện Đại Lộc, UBND tỉnh, các sở ngành; ngay cả UBND tỉnh cũng đã 5 lần thay đổi và bổ sung các quyết định theo nguyện vọng của nhân dân, nhưng đến nay, vướng mắc về giải phóng mặt bằng khu vực này vẫn chưa được tháo gỡ. Trong số 17 hộ dân thuộc Xí nghiệp ươm tơ Giao Thủy (cũ) nằm trong vùng giải tỏa do ảnh hưởng bởi dự án cầu Giao Thủy, có 10 hộ được giải quyết hưởng suất tái định cư tối thiểu. Bên cạnh các chế độ hỗ trợ khác như hỗ trợ 60% nhà, tiền di dời, hỗ trợ cơi nới, bồi thường hoa màu, cây cối, khen thưởng…, 10 hộ này còn được tỉnh hỗ trợ 60% giá trị đất ở theo Quyết định số 48/2014/QĐ-UBND của UBND tỉnh, được hỗ trợ chênh lệch bằng tiền giữa số tiền hỗ trợ 60% giá trị đất (13,3 triệu đồng) theo Quyết định số 48/2014 của UBND tỉnh với suất tái định cư tối thiểu (diện tích 70m2, trị giá lô đất 44,3 triệu đồng). Các chủ hộ được hỗ trợ gồm Nguyễn Xuân Linh, Bùi Thị Sớm, Nguyễn Thị Hóa, Trương Văn Đông, Trương Thị Liên, Trương Phô, Phan Thị Sương, Huỳnh Thị Sinh, Tô Thị Bích Liên, Trần Thị Xuân. Khu vực các hộ dân được bố trí suất tái định cư tối thiểu thuộc thôn Hòa Thạch (xã Đại Hòa) và hiện UBND xã Đại Hòa - đơn vị chủ đầu tư đã triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng, san lấp mặt bằng, riêng phần đầu tư cho khu tái định cư đã xong. Cụ thể, quy mô quỹ đất xây dựng là hơn 2.369m2, bao gồm đất giao thông (đường và hành lang an toàn hơn 1.249m2) và đất phân lô bố trí đất ở là 1.140m2. Khu này có tổng cộng 16 lô đất ở, trong đó 15 lô có diện tích 70m2/lô và 1 lô chiếm diện tích 90m2, đang chờ bố trí người dân vào ở.
Theo ông Trần Văn Mai - Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc, trong số 17 hộ thì chỉ có 10 hộ được cấp đất, số hộ còn lại địa phương xác định đã có đất ở nơi khác. Về phía huyện, tỉnh rất chia sẻ về đời sống của bà con còn khó khăn. Tuy nhiên, yêu cầu của 7 hộ nói trên đương nhiên sẽ không được giải quyết vì không thể vi phạm luật. Thời gian còn lại rất ngắn, các đơn vị đang khẩn trương để kịp tiến độ công trình. Các đơn vị liên quan cần khẩn trương áp giá đất, xây dựng mặt bằng, đường sá vào khu tái định cư. Về phía các hộ không được cấp đất, chúng tôi mong người dân chia sẻ việc này, vì không thể đứng trên pháp luật. |
Về phần 7 hộ dân còn lại thuộc khu ươm tơ cũ, địa phương và các đơn vị chức năng xác định, không thể giải quyết suất tái định cư cho các hộ này bởi lẽ đây là những hộ đã được cấp đất và đã từng chuyển nhượng đất ở. Tuy nhiên, tại buổi đối thoại mới đây, 7 hộ nói trên liên tục yêu cầu được hỗ trợ suất tái định cư. Bà Nguyễn Thị Liên bày tỏ: “Tôi xin chính quyền cấp cho tôi một miếng đất tái định cư bởi lẽ chúng tôi ở đây đã lâu, sống theo cộng đồng, quyền lợi nên được hưởng như nhau”. Còn bà Lê Thị Đây nói: “Tôi làm công nhân ươm tơ tại Giao Thủy từ năm 18 tuổi, nay có cầu Giao Thủy, tôi cũng rất vui mừng là từ nay việc buôn bán, gồng gánh của tôi đỡ vất vả. Song tôi không có đất ở đây, mong chính quyền hỗ trợ để gia đình tôi bớt khó khăn vì tôi nuôi 4 con ăn học”. Bà Võ Thị Lựu thì cho rằng, dù sinh sống ở khu ươm tơ đã lâu năm nhưng gia đình bà vẫn chưa được cấp đất ở, còn miếng đất hiện tại là do bà vay mượn để mua, chưa làm được nhà vì còn khó khăn…
Đòi hỏi ngoài quy định
Tình hình trở nên căng thẳng khi 7 hộ dân tiếp tục không đồng thuận, trong khi nhà chức trách cho rằng “đây là những đòi hỏi nằm ngoài quy định”. Ông Đặng Bá Dự - Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh (chủ đầu tư dự án cầu Giao Thủy) khẳng định, cầu Giao Thủy là công trình trọng điểm của tỉnh, xuất phát từ sự tâm huyết của Thủ tướng Chính phủ, dự kiến thông xe dịp 24.3. “Suất tái định cư tối thiểu chỉ có thể áp dụng đối với những hộ mà đất đai, nhà cửa thuộc diện hỗ trợ giải tỏa trắng, không có điều kiện mua lại đất ở mới. Còn với các hộ dân Giao Thủy, bà con đang sống trên tài sản, đất, nhà cửa của Nhà nước thì không thể bồi thường mà chỉ là hỗ trợ. Theo luật, không bố trí suất tái định cư tối thiểu cho những ai đã có đất rồi, không thể làm trái được. Diện tích mỗi suất tái định cư tối thiểu ở đây là 70m2. Ai có nhu cầu mua thêm thì phải trả thêm khoản chênh lệch bằng giá đất tái định cư để được Nhà nước cấp thêm và giá chênh lệch này do UBND huyện quyết định. Nếu không đồng tình, người dân có thể khiếu kiện nhưng về mặt bằng, đề nghị sớm bàn giao cho đơn vị thi công để kịp tiến độ công trình” - ông Dự nói.
Ông Lê Ba - Giám đốc Chi nhánh Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Đại Lộc cho biết, với 7 hộ không được nhận suất tái định cư tối thiểu thì mức mà bà con được hỗ trợ là hơn 70 triệu đồng từ các khoản, khi bàn giao mặt bằng. “Đề nghị huyện quy định cụ thể về thời gian chấp hành công tác di dời của các hộ, có kế hoạch cưỡng chế, thu hồi lại đất của Nhà nước trước tình trạng các hộ sử dụng đất không theo quy định, cố tình dây dưa, có những đòi hỏi ngoài quy định, cố tình làm chậm tiến độ của dự án, gây thiệt hại về tài sản của Nhà nước trong công tác đầu tư xây dựng cầu Giao Thủy” - ông Ba nói. Được biết, mới đây, Ban Thường vụ Huyện ủy Đại Lộc đã thông qua kế hoạch cưỡng chế đối với trường hợp những hộ không chấp hành theo quy định của pháp luật, không chịu bàn giao mặt bằng nói trên. Thời hạn kể từ khi ra quyết định cưỡng chế, phổ biến tới dân cho tới khi thực thi trong vòng 1 tháng. Cũng thời gian này, chính quyền huyện Đại Lộc và các đơn vị liên quan sẽ tiếp tục vận động, tuyên truyền, mời các hộ dân đến giải thích để bà con hiểu rõ và chấp hành các quy định của luật pháp.
HOÀNG LIÊN (Báo Quảng Nam)