CHÀO MỪNG CÁC BẠN ĐẾN VỚI TRANG TTĐT TRUNG TÂM VĂN HÓA - THỂ THAO VÀ TRUYỀN THANH - TRUYỀN HÌNH HUYỆN ĐẠI LỘC

Hôm nay:19/09/2024

Dấu ấn Đoàn 577 trên đất Quảng Đà

Hơn 40 năm sau ngày giải phóng, trên mảnh đất vùng B Đại Lộc - nơi vừa là tiền phương, vừa là hậu cứ của Đoàn Pháo binh 577, một Nhà bia tưởng niệm được dựng lên. Công trình là sự tưởng nhớ, tri ân, bày tỏ niềm tiếc thương trước những nỗi đau, sự hy sinh to lớn của cán bộ, chiến sĩ Đoàn 577 trong kháng chiến.

 
Nén nhang thơm thắm tình đồng đội được thắp lên tại Nhà bia tưởng niệm liệt sĩ Đoàn Pháo binh 577. Ảnh: Bích Liên
Nén nhang thơm thắm tình đồng đội được thắp lên tại Nhà bia tưởng niệm liệt sĩ Đoàn Pháo binh 577. Ảnh: Bích Liên

Những năm 1967 - 1968, chiến tranh ở vào giai đoạn ác liệt, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, lớp lớp thanh niên từ miền Bắc đã vượt gian lao, thử thách vào trợ sức cho chiến trường miền Nam. Trong bối cảnh ấy, hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ Đoàn Pháo binh 577 cũng đã từ hậu phương lớn miền Bắc vào chiến trường Quảng Đà. Theo Trung tướng Nguyễn Ngọc Thanh - nguyên Đoàn trưởng Đoàn Pháo binh 557 Mặt trận 4 - Quảng Đà (Quân khu 5), trong số hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ của Đoàn Pháo binh 577 vào chiến trường Quảng Đà có đến gần 500 cán bộ, chiến sĩ hy sinh. Khó khăn, tổn thất nhiều vô kể, song Đoàn Pháo binh 577 đã bám địa bàn, dựa vào lòng dân để sống và chiến đấu, xứng đáng với truyền thống của pháo binh nhân dân Việt Nam tại chiến trường miền Nam “Chân đồng, vai sắt, luồn sâu, đánh trúng”. Với những chiến công vang dội, những thành tích xuất sắc, năm 1973 đơn vị đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Chiến công vang dội

Trung tướng Nguyễn Ngọc Thanh cho biết, Đoàn Pháo binh 577 tiền thân là Trung đoàn 68, thuộc Bộ Tư lệnh Pháo binh. Năm 1967, khi vào tới chiến trường Quảng Đà, được đổi thành Trung đoàn 577, sau tết Mậu Thân 1968, thu gọn thành Tiểu đoàn 577 trực thuộc Bộ Tư lệnh Mặt trận 4 - Quảng Đà. Trước yêu cầu nhiệm vụ của thời chiến, Đoàn Pháo binh 577 được tổ chức thành đơn vị pháo binh hỗn hợp, gồm các loại pháo ĐKB, súng cối 120 ly, 82 ly và súng máy phòng không 12 ly 7, trong đó chủ yếu là pháo ĐKB. Lực lượng pháo binh ĐKB vừa làm nhiệm vụ chiến đấu độc lập tập kích vào các sân bay, kho tàng, trận địa pháo, chi khu quận lỵ của Mỹ ngụy tại Mặt trận 4 - Quảng Đà, vừa tham gia đánh hiệp đồng, viện trợ hỏa lực cho bộ binh chiến đấu đánh địch trong công sự ở các cứ điểm, cụm cứ điểm, sân bay, kho tàng, chi khu quận lỵ, ngăn cản bước tiến các cuộc hành quân càn quét của địch.

Cựu chiến binh Nguyễn Gia Thọ (hiện sống cùng gia đình tại Hà Nội) nói: “Lần nào trở về chiến trường xưa Đại Lộc trong tôi cũng dâng lên bao niềm xúc động. Tưởng nhớ đồng đội, chúng tôi càng không quên tấm lòng và nghĩa tình của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Đại Lộc đã hết lòng cưu mang, đùm bọc cán bộ, chiến sĩ đơn vị. Quên sao được hàng nghìn hũ gạo nuôi quân của nhân dân giúp chúng tôi những năm tháng thiếu đói. Quên sao được hình ảnh những người mẹ, người chị băng mình tải đạn, cứu thương, những cụ ông đào hầm, vót chông, gài mìn, các em thiếu nhi dẫn đường cho đơn vị hành quân vượt qua những chốt chặn phục kích của địch…”

Trong 8 năm, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đặc khu ủy Quảng Đà, Đoàn Pháo binh 577 đã tham gia hàng trăm trận đánh lớn nhỏ, lập nhiều chiến công vang dội. Trong trận đánh xuân Mậu Thân 1968, tại chiến trường B1, lực lượng pháo binh ĐKB 577 đã tung đòn tập kích hỏa lực dữ dội vào sân bay Nước Mặn Đà Nẵng, thiêu cháy 87 máy bay trực thăng, diệt 120 tên Mỹ ngụy, phá hủy nhiều vũ khí quan trọng của địch. Lực lượng này cũng đã cùng Sư đoàn 2, Quân khu 5 tấn công “đánh nát” căn cứ An Hòa, quận lỵ Đức Dục giai đoạn 1968 - 1969. Hay những trận đánh lớn tấn công vào sân bay, tận sào huyệt của địch như: căn cứ sân bay Đà Nẵng, sân bay Xuân Thiều, đồi Núi Lở… Tại chiến trường Thượng Đức, đơn vị pháo binh ĐKB 577 đã phối hợp tác chiến với bộ đội Sư đoàn 304, Quân đoàn 2 mở toang “cánh cửa thép” của địch. Tại vùng B Đại Lộc, Đoàn Pháo binh 577 đã phối hợp với các đơn vị như R20, Q83, bộ đội địa phương và dân quân du kích đánh địch càn quét, góp phần bảo vệ vững chắc vùng căn cứ cách mạng. Trong cuộc tổng tiến công nổi dậy mùa xuân 1975, Đoàn Pháo binh 577 đã cùng với Trung đoàn 96 và lực lượng Sư đoàn 2 (Quân khu 5) tiến công ở phía nam, đánh chiếm và giải phóng hoàn toàn Quảng Nam - Đà Nẵng.

Đài tưởng niệm giữa lòng dân

Để lập nên những thành tích vẻ vang đó, Đoàn Pháo binh 577 cũng đã chịu nhiều tổn thất nặng nề. Có những tấm gương hy sinh đã hóa thành bất tử. Như tấm gương của liệt sĩ - Đại úy Nguyễn Minh Công, Chính trị viên Đoàn 577. Đại úy Công bị biệt kích Mỹ phục kích bắn bị thương trên đường đi công tác tại khu vực rừng núi “ngã ba Quế Sơn”. Trước những giây phút cuối cùng, đồng chí vẫn cố gắng ghi những dòng chữ mật thiết trong cuốn sổ công tác và dặn đồng đội nhớ lấy số tiền phụ cấp còn lại đóng đảng phí cho mình. Đó là tấm gương “Sống vì đảng, chết không rời Đảng”. Hiện, cuốn sổ tay vẫn còn lưu giữ ở Bảo tàng Quân khu 5. Bộ Tư lệnh Mặt trận 4 - Quảng Đà đã từng phát động đợt “Học tập và làm theo tấm gương liệt sĩ Nguyễn Minh Công” trong toàn quân.

Trong số gần 500 cán bộ, chiến sĩ Đoàn Pháo binh 577 ngã xuống trên mảnh đất Quảng Đà, đến nay đã xác định được tên tuổi, quê quán 418 liệt sĩ, nhưng mới chỉ tìm được hài cốt của 28 liệt sĩ, số còn lại vẫn còn nằm đâu đó trên những quả đồi, cánh rừng già, hay gò hoang… trong nỗi đau xót của đồng đội, người thân. Nỗi đau và niềm trăn trở suốt 40 năm qua cứ đè nặng trong lòng những đồng đội năm xưa, giờ đã ở cái tuổi “thất thập cổ lai hy” và thân nhân các liệt sĩ nay đã người còn, người mất. Để tưởng nhớ, một Nhà bia tưởng niệm liệt sĩ Đoàn Pháo binh 577 vừa được xây dựng trên đất Gò Đu (xã Đại Chánh, Đại Lộc) như mái nhà chung thắm tình đồng đội.

Tấm bia lớn khắc dày đặc tên liệt sĩ mà không ít người tuổi đời mới mười tám, đôi mươi. Những nén nhang thơm được dâng lên các liệt sĩ trong niềm xúc động thiêng liêng. Bà Trương Thị Trà - nguyên Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam tỉnh Quảng Đà, người chị nuôi của đơn vị trong suốt những năm chống Mỹ, nay tuổi đã ngoài 80 xúc động nói: “Tôi cùng anh em đã từng sống nơi đây với những ngày thiếu cơm lạt muối tưởng chừng không qua nổi. Nhớ tới Đoàn 577 là nhớ tới những đau thương, mất mát không thể kể hết. Tôi từng chứng kiến cảnh máu xương đồng chí, đồng đội mình đổ xuống đất này. Nỗi đau nhiều vô kể, song phải nén đau thương để sống, chiến đấu, xây dựng quê hương. Mảnh đất Quảng Đà vô cùng biết ơn các anh, xin kính cẩn nghiêng mình trước anh linh của các anh”.

Theo TRẦN BÍCH LIÊN (Báo Quảng Nam)

Tin mới đăng

Xem nhiều nhất