-
Lãnh đạo tỉnh thăm Nhà giáo ưu tú Đỗ Xuân Thưởng - 2024-11-22
Hôm nay:24/11/2024
Công trình xây dựng cầu Giao Thủy đang trong giai đoạn nước rút nhưng tiến độ thi công đang bị ảnh hưởng do những khó khăn, trở ngại trong việc di dời 17 hộ dân thuộc Xí nghiệp Ươm tơ Giao Thủy (cũ) ở Đại Hòa, Đại Lộc.
Đòi hỏi quyền lợi
Công trình xây dựng cầu Giao Thủy nối liền đôi bờ sông Thu Bồn (Đại Lộc - Duy Xuyên) gồm hai hạng mục chính là hạng mục cầu chính và đường dẫn từ cầu Giao Thủy về hướng Kiểm Lâm (Duy Xuyên) và từ cầu Giao Thủy về hướng Đại Lộc, giáp tỉnh lộ ĐT609B. Theo ông Nguyễn Ngọc Hải - Phó Trưởng phòng Quản lý dự án 2 (Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh - chủ đầu tư), đến thời điểm này, cơ bản đã hoàn thành 70% khối lượng công việc ở hạng mục cầu chính. Với hạng mục hai đường dẫn, hiện chỉ mới hoàn thành 20% khối lượng công việc. Tiến độ thi công công trình đường dẫn phía Đại Lộc đang gặp trở ngại, vướng mắc trong giải tỏa 17 hộ dân sống ở Xí nghiệp Ươm tơ Giao Thủy (cũ). Tuyến đường nối tỉnh lộ ĐT609B dài 3,5km cũng vướng đền bù, giải tỏa một số hộ dân, nguyên nhân chủ yếu là khâu xác định nguồn gốc đất từ địa phương. “Chúng tôi liên tục kiến nghị huyện, tỉnh, mong chính quyền phối hợp với người dân giải quyết thấu đáo, sớm bàn giao mặt bằng để các đơn vị triển khai công việc, nếu chậm trễ sẽ ảnh hưởng tới tiến độ” - ông Hải nói.
Buổi đối thoại giữa chính quyền với nhân dân ở khu tập thể của Xí nghiệp Ươm tơ Giao Thủy (cũ). |
Trở lại chuyện 17 hộ dân sống ở khu vực này, đa số là công nhân cũ của Xí nghiệp Ươm tơ Giao Thủy. Từ khi xí nghiệp giải thể đến nay đã hơn 20 năm, 17 hộ trên vẫn bám trụ sống ở khu nhà tập thể của xí nghiệp đã cũ kỹ, xuống cấp. Ba trong số 17 hộ có hộ khẩu thường trú tại Đại Hòa đã được địa phương cấp đất ở từ năm 1999, song đến nay các hộ này vẫn chưa xây dựng nhà ở trên diện tích đất được cấp. Nguyên nhân được cho rằng “đất cấp thuộc vùng trũng thấp, không có đường đi”. Kể từ khi Nhà nước có chủ trương xây dựng cầu Giao Thủy, khu nhà tập thể của xí nghiệp cũ thuộc vùng giải tỏa, bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư và đơn vị thi công hạng mục đường dẫn. Tuy nhiên, nhiều tháng kéo dài, khâu giải tỏa, bàn giao mặt bằng từ phía huyện Đại Lộc và Chi nhánh Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Đại Lộc gặp không ít trở ngại do 16/17 hộ dân cứ nhùng nhằng, không đồng tình với phương án hỗ trợ di dời (mức hỗ trợ bằng 60% giá trị đất, giá trị nhà). Trước sự “lắc đầu” của người dân, huyện Đại Lộc, Chi nhánh Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện, đơn vị chủ đầu tư và Sở TN-MT nhiều lần tổ chức họp bàn, đối thoại với nhân dân về chính sách hỗ trợ theo hướng mở. Bên cạnh nguồn hỗ trợ di dời theo quy định (từ 30 - 70 triệu đồng/hộ), người dân còn được hỗ trợ chi phí sửa chữa, nâng cấp cải tạo để phục vụ cư trú, hỗ trợ các hộ tự lo chỗ ở mới do không được bố trí tái định cư và không có chỗ ở nào khác trên địa bàn; được hỗ trợ thuê nhà ở, ổn định cuộc sống và di chuyển tài sản… với mức hỗ trợ thêm 20 - 30 triệu đồng. Song chỉ mới có 1 hộ ký nhận tiền hỗ trợ, 16 hộ còn lại chưa đồng thuận.
Nhiều hộ dân sống tạm bợ ở khu vực này suốt mấy chục năm qua. Ảnh: H.LIÊN |
Ông Trương Văn Đông, một người dân sống ở khu vưc này chia sẻ, đợt đầu hộ ông được đề xuất hỗ trợ 64 triệu đồng, đợt sau theo cơ chế “mở”, mức hỗ trợ này được nâng lên 79 triệu đồng, song ông không đồng ý. Lý do được ông đưa ra là “mức hỗ trợ vẫn còn quá thấp, không là gì so với giá đất trên thị trường”. Bà Trương Thị Liên, sống cạnh đó nói: “Chủ trương của Nhà nước thì chúng tôi thống nhất thôi, nhưng tôi biết làm gì với số tiền 90 triệu đồng, sao mua nổi miếng đất làm nhà. Cũng vì khó khăn chứ khá giả thì ai lại ở đây”. Cũng như những hộ khác, ông Trương Phô sống ở đây từ năm 1978, cả gia đình sinh hoạt trong căn phòng cũ kỹ ở khu tập thể với diện tích chưa đầy 20m2. Ông Phô cho biết: “Chính quyền đã nhiều lần thông báo tôi đến nhận tiền hỗ trợ di dời nhưng hộ thấp nhất chỉ 60 triệu đồng, cao nhất chỉ 100 triệu đồng, ngần ấy thì làm gì mua nổi miếng đất chứ chưa nói tới việc làm nhà để có chỗ che nắng che mưa”.
Trong số 17 hộ nói trên, chỉ một hộ bà Trần Thị Xuân (gần 70 tuổi) là đồng ý nhận tiền. Bà Xuân chia sẻ: “Tôi đã nhận được 40 triệu đồng, còn 20 triệu nữa sẽ nhận nay mai. Tôi đã mua bò về nuôi, số còn lại làm vốn buôn bán nhỏ lẻ kiếm sống qua ngày. Nhà nước hỗ trợ vậy là tốt rồi, đất là của Nhà nước, khu tập thể cũng là của Nhà nước mà. Nhiều người ở đây đã có đất ở nơi khác rồi, có hộ cuộc sống đỡ rồi, có người còn sắm được xe máy đắt tiền nhưng tại sao lại không chịu dời đi, không chịu giao đất lại cho Nhà nước mà còn đòi hỏi này nọ, gây khó dễ. Tôi nghĩ không nên”.
Mức hỗ trợ đã kịch trần!
Ông Nguyễn Công Thanh - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Đại Lộc cho rằng, không có chuyện Nhà nước đẩy bà con tới chỗ khó khăn. Việc xây dựng cầu Giao Thủy, người dân được hưởng lợi rất nhiều. Về mặt lý, người dân đang sống trên đất và ở nhà tập thể, tài sản của Nhà nước, Nhà nước có quyền thu hồi, tất nhiên có hỗ trợ. Song chủ trương của chính quyền các cấp là luôn tạo mọi điều kiện có lợi để người dân có điều kiện ổn định đời sống. Việc người dân yêu cầu Nhà nước bố trí đất ở mới là điều nằm ngoài quy định. Địa phương sẽ phối hợp với cấp trên tiếp tục nghiên cứu có thể tăng mức hỗ trợ theo cơ chế mở để bà con hưởng lợi. Cơ quan chức năng không ép người dân và người dân không nên gây áp lực… |
Ông Lê Ba - Giám đốc Chi nhánh Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Đại Lộc cho biết, địa phương đã tìm mọi cách đề xuất tỉnh tăng thêm hỗ trợ cho người dân sống trong khu tập thể. Theo quy định của Luật Đất đai và Quyết định 43 của UBND tỉnh năm 2014 về bồi thường và hỗ trợ tái định cư thì chỉ khi nào thu hồi đất ở của người dân mới bố trí tái định cư. Trong khi đó 17 hộ dân sống trên đất của Xí nghiệp Ươm tơ Giao Thủy (cũ) thuộc sở hữu nhà nước, nhà ở cũng là của Nhà nước. Theo văn bản hướng dẫn của tỉnh là chỉ hỗ trợ, không bồi thường vì đất, nhà ở thuộc sở hữu nhà nước, huyện Đại Lộc đã thành lập Hội đồng định giá tài sản và đất để lấy căn cứ áp giá bồi thường. Từ mức hỗ trợ 30 - 70 triệu đồng năm 2015, tỉnh đã có ý kiến chỉ đạo hỗ trợ tăng thêm 20 - 30 triệu đồng/hộ nhưng người dân vẫn chưa thống nhất. Phương án xây dựng tái định cư cho các hộ dân này ở xã Đại Hòa từng được đưa ra, song không khả thi vì đầu tư mặt bằng, cơ sở hạ tầng khá cao, mỗi lô đất trị giá khoảng 150 triệu đồng, các hộ dân không kham nổi. “Theo quy định thì số tiền hỗ trợ như trên là đã kịch trần rồi, không còn cách nào khác” - ông Ba nói.
Tại buổi đối thoại với các hộ dân này vào ngày 11.4, ông Trần Thanh Hà - Phó Giám đốc Sở TN-MT khẳng định, người dân sống trên đất của Nhà nước, nhà ở cũng là khu tập thể của xí nghiệp, thuộc tài sản nhà nước. Công trình cầu Giao Thủy là niềm mong mỏi của nhân dân trong vùng và các địa bàn lân cận. Tiến độ công trình đang ở giai đoạn nước rút, người dân nên nhận hỗ trợ, tiến hành di dời bàn giao lại đất cho Nhà nước, không thể chần chừ được nữa. “Dĩ nhiên chúng tôi rất trăn trở, song đây là quy định của Nhà nước, chúng tôi đã làm hết rồi, hết khung rồi. Giờ chỉ có thể nghiên cứu đề xuất tỉnh khoản hỗ trợ cơi nới nhà cửa của người dân, đây là khoản hỗ trợ mang tính cá biệt ở địa phương. Nhà nước luôn đồng hành với khó khăn của người dân, song người dân cũng nên có trách nhiệm với đời sống của mình, không thể cái gì cũng chờ hỗ trợ từ Nhà nước được” - ông Hà nhấn mạnh.
Cũng theo ông Hà, bên cạnh nguồn hỗ trợ, người dân khi đã đồng ý di dời, bàn giao mặt bằng nếu thuộc đối tượng hộ nghèo sẽ được các cấp chính quyền quan tâm, giúp đỡ về mặt vốn vay phát triển kinh tế, được hưởng chế độ bảo trợ xã hội. Hộ dân có hộ khẩu thường trú ở địa phương nào sẽ được địa phương đó hỗ trợ mua đất ở với giá phải chăng theo quy định của Nhà nước để xây dựng đời sống mới.
HOÀNG LIÊN - NHẬT DUY (Báo Quảng Nam)